Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Minsk hôm 19.12 để tăng gấp đôi sự hợp tác quân sự trong các lĩnh vực như tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu.

Thấy gì từ chuyến thăm ‘hiếm hoi’ Belarus của Tổng thống Nga Putin

Hoàng Vũ | 20/12/2022, 13:09

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Minsk hôm 19.12 để tăng gấp đôi sự hợp tác quân sự trong các lĩnh vực như tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu.

Theo trang Politico, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Belarus kể từ năm 2019. Tại một cuộc họp báo chung, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết nước này đã triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander do Nga sản xuất với tầm bắn lên tới 500km, trong khi ông Putin nói rằng có khả năng hợp tác hơn nữa trong các máy bay chiến đấu Su-24 đã được sửa đổi để mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ông Putin tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tạo ra một "không gian phòng thủ thống nhất" nhưng không mô tả cụ thể. Ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết hai bên đã đồng ý tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung và sản xuất trang thiết bị quân sự mới.

putin-and-lukchenco.png
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Minsk hôm 19.12 - Ảnh: AP

Tổng thống Putin nói rằng ông ủng hộ đề xuất sửa đổi của ông Lukashenko về việc huấn luyện phi hành đoàn máy bay chiến đấu của Belarus để sử dụng các đầu đạn đặc biệt - ám chỉ đến vũ khí hạt nhân.

Về phần mình, Tổng thống Lukashenko cũng tuyên bố rằng các quốc gia phương Tây "sẽ không thể chia rẽ mối quan hệ Belarus - Nga", mà ngược lại "họ sẽ chỉ làm sâu sắc thêm" mối quan hệ này.

Đề cập việc Nga đang giúp đào tạo phi công quân sự Belarus lái máy bay chở trang bị đặc biệt, ông Lukashenko khẳng định điều này không liên quan tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Đó không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai. Chúng tôi hiện chỉ quan tâm về những căng thẳng dọc theo chu vi của quốc gia liên minh Nga - Belarus, chủ yếu ở phương Tây”, ông Lukashenko cho hay và tiết lộ thêm rằng Nga cũng đang cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Belarus.

Trong những tuần đầu tiên chiến tranh tại Ukraine, Minsk đã cho phép các lực lượng Nga sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp cho một cuộc tấn công vào miền bắc Ukraine và Kyiv, cũng như hỗ trợ y tế cho các lực lượng Nga.

Sau khi quân đội Nga rút khỏi miền Bắc Ukraine và các vùng lãnh thổ xung quanh Kyiv, chính quyền Belarus đã cung cấp lãnh thổ cho Nga để tiến hành các cuộc tấn công tên lửa chống lại Ukraine và để huấn luyện quân đội Nga.

Trong cuộc họp báo, cả hai tổng thống đều không bình luận về cuộc chiến kéo dài gần 10 tháng tại Ukraine và khả năng Minsk tham gia vào chiến dịch trên bộ của Nga. Song, tháp tùng ông Putin có cả bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao.

Sự xuất hiện của hai vị bộ trưởng trên tiếp tục khiến Ukraine lo ngại rằng Tổng thống Putin đang có ý định thúc giục ông Lukashenko tham gia một cuộc tấn công có thể mở ra mặt trận mới chống lại Ukraine.

Chỉ huy lực lượng chung Ukraine Serhiy Nayev hôm 18.12 cho biết trong một tuyên bố video rằng Tổng thống Putin tuần trước đã tổ chức một cuộc họp chính thức với lãnh đạo quân đội Nga, trong đó ông đã xem xét các đề xuất của bộ chỉ huy quân sự trong thời gian ngắn và trung hạn.

“Ngay sau đó, ông ấy đã thông báo về một cuộc gặp với lãnh đạo Belarus… Theo chúng tôi, trong cuộc gặp này, các vấn đề về việc tiếp tục chiến sự với Ukraine và sự tham gia rộng rãi hơn của lực lượng vũ trang Belarus vào chiến dịch chống lại Ukraine, đặc biệt là trên bộ sẽ được nêu ra”, ông Nayev nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19.12 đã bác bỏ ý kiến cho rằng chuyến thăm Minsk của ông Putin nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Lukashenko phải tham gia vào chiến sự. Peskov coi những cáo buộc như vậy “những suy đoán vô căn cứ”.

Các nhà phân tích cũng nhận định Điện Kremlin đang tìm kiếm một số hình thức hỗ trợ quân sự của Belarus cho các hoạt động ở Ukraine.

“Năng lực của quân đội Nga, thậm chí được củng cố bởi các thành phần của lực lượng vũ trang Belarus, để chuẩn bị và tiến hành các hoạt động tấn công cơ giới quy mô lớn hiệu quả trong vài tháng tới vẫn còn nhiều nghi vấn. Do đó, không có khả năng Tổng thống Lukashenko sẽ đưa quân đội Belarus sang Ukraine", Viện Nghiên cứu chiến tranh (trụ sở tại Mỹ) cho biết trong một đánh giá được công bố hôm 18.12.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ chuyến thăm ‘hiếm hoi’ Belarus của Tổng thống Nga Putin