Diễn biến sắp tới tại Sydney - thành phố lớn nhất nước Úc vừa mở cửa trở lại - sẽ đem lại bài học kinh nghiệm quý giá khi chuyển từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch.

Thành phố Sydney từ bỏ ‘Zero COVID’, châu Á dõi theo

12/10/2021, 10:55

Diễn biến sắp tới tại Sydney - thành phố lớn nhất nước Úc vừa mở cửa trở lại - sẽ đem lại bài học kinh nghiệm quý giá khi chuyển từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch.

Bà Melanie McTighe và người cha 92 tuổi sống cùng một thành phố, nhưng họ không thể gặp nhau suốt 4 tháng, cho đến đầu tuần qua. Sydney (thuộc bang New South Wales) ngày 11.10 chính thức tái mở cửa và McTighe đã có thể đi thăm những người thân yêu.

McTighe rất phấn khởi muốn bắt đầu lại cuộc sống, tuy nhiên bà vẫn lo lắng vì COVID-19 còn tồn tại trong cộng đồng 5,3 triệu dân: “Tôi nghĩ mọi người cần nhận thức tốt hơn về dịch bệnh cũng như về diễn biến của nó. Chúng ta phải quan tâm”.

Hơn 70% cư dân Sydney trên 16 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ, kể từ ngày 11.10 họ có thể đến nhà hàng, quán bar, phòng tập thể dục hay thăm người thân. Nguy cơ số ca nhiễm tăng cao, khả năng ứng phó của hệ thống y tế trong trường hợp ca nhiễm tăng vọt, tác động đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương, tốc độ thích nghi cuộc sống COVID-19 còn tồn tại là loạt vấn đề cần tìm ra lời giải đáp thông qua diễn biến dịch bệnh sắp tới. Cả nước Úc lẫn nhiều quốc gia châu Á đều đang chờ xem liệu Sydney có thành công kiểm soát số ca nhiễm lẫn số ca tử vong ở mức chấp nhận được trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh tế - xã hội hay không.

sydney00.jpg
Người dân Sydney tận hưởng cuộc sống bình thường trong ngày đầu thành phố mở cửa lại - Ảnh: CNN

“Zero COVID” không thắng được biến thể Delta

Trong năm đầu tiên đại dịch hoành hành, Úc thuộc số ít quốc gia thành công kiểm soát COVID-19 bằng hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt, cách ly bắt buộc, phong tỏa tạm thời.

Thế rồi đến tháng 6 năm nay, biến thể Delta gây nên đợt bùng phát tại Sydney rồi nhanh chóng lan sang khu vực lân cận. Trì hoãn tiêm chủng rộng rãi (một phần do thiếu nguồn cung vắc xin) buộc giới chức Úc phải áp đặt phong tỏa.

Giáo sư Mary-Louise McLaws thuộc đại học New South Wales cho biết: “Tôi luôn tin tưởng chúng ta đủ sức loại bỏ COVID-19 không phải biến thể Delta, nhưng tôi thừa nhận dùng phong tỏa chống biến thể Delta là cuộc chiến không thể giành chiến thắng”.

Khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng, rõ ràng rằng giữ người dân ở nhà không phải biện pháp bền vững cả về kinh tế lẫn về sức khỏe người dân. Giới chức Úc lên kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đại dịch bằng kế hoạch tiêm chủng rộng rãi thần tốc.

Tuần trước New South Wales trở thành tiểu bang đầu tiên có 70% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc xin, một số bang khác cũng sắp đạt mục tiêu vào vài tuần tới. Dự kiến toàn nước Úc sẽ mở cửa vào cuối năm.

Mở cửa đầy rẫy rủi ro

Giới chuyên gia cảnh báo tiêm chủng rộng rãi không loại bỏ hết mọi rủi ro, và một số nhóm dân số sẽ chịu nhiều hơn các nhóm khác.

Số liệu chính thức cho thấy tại vài vùng ngoại ô Sydney, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 30%. Nhóm dân số bản địa cũng bị tụt lại phía sau: tính đến ngày 6.10 chưa đến 50% người bản địa sống trên địa bàn duyên hải New South Wales tiêm đủ 2 mũi – một vấn đề lớn vì người bản địa thường mắc nhiều bệnh mạn tính, nên họ dễ gặp biến chứng nếu nhiễm COVID-19.

Nhóm dân số trẻ cũng đáng quan ngại. Tại New South Wales, chỉ 58% người thuộc độ tuổi 16 - 29 tiêm đủ 2 mũi – thấp nhất chỉ trên nhóm 12 - 15 tuổi mới được tiếp cận vắc xin gần đây.

Giáo sư McLaws lưu ý dân số trẻ là nhóm được hưởng tự do nhiều nhất khi tái mở cửa, nên cần đảm bảo họ tiêm đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm này có thể châm ngòi cho một đợt bùng phát mới, từ dân số trẻ lây lan sang nhóm dễ bị tổn thương và người bản địa.

sydney01.jpg
Xếp hàng vào trung tâm thương mại ngay ngày đầu mở cửa - Ảnh: CNN

Hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt, cách ly bắt buộc, phong tỏa tạm thời giúp Úc không lâm vào cảnh hỗn loạn như một số quốc gia khác năm 2020. Nhưng mặc dù có 18 tháng cách biệt với thế giới để chuẩn bị, các nhóm y tế vẫn cảnh báo hệ thống bệnh viện New South Wales có thể không đủ khả năng đối phó tình trạng số ca nhiễm tăng cao.

Tháng trước, Hiệp hội Y tá và Hộ sinh New South Wales hối thúc chính quyền tiểu bang tăng cường nhân sự. Họ trích dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống y tế bang chịu áp lực lớn ngay cả trước đợt bùng phát dịch mới nhất ập đến.

Ngày 7.10 sau khi tân Thủ hiến New South Wales Omar Khorshid công bố kế hoạch mở cửa nhanh chóng, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc Omar Khorshid lên tiếng kêu gọi giới chức trách đừng liều lĩnh.

“Hậu quả của mở cửa quá nhanh hoặc quá sớm sẽ là những cái chết vốn có thể tránh được, tái áp đặt phong tỏa cùng hạn chế. Đây là điều mà không ai ở New South Wales muốn thấy”, theo chủ tịch Khorshid.

Ông cũng nói thêm: “Sydney phải tận dụng cơ hội này thể hiện cho phần còn lại của đất nước thấy làm thế nào sống chung với COVID-19 mà vẫn bảo vệ sức khỏe”.

Chờ đợi một “tấm gương” tốt

Úc không phải quốc gia đầu tiên trong khu vực chuyển từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch dựa vào tỷ lệ tiêm chủng cao.

Tháng 6 vừa qua, Singapore với 83% dân số tiêm đủ 2 mũi tuyên bố tập trung giảm số ca trở nặng và hạ thấp tỷ lệ nhập viện thay vì giảm tỷ lệ mắc bệnh. Thế rồi khi bắt đầu nới lỏng, đảo quốc sư tử ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch đến nay. Đầu tháng 10 họ phải tái áp đặt vài hạn chế để chặn đà lây lan và giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Úc cũng nhận định số ca nhiễm tăng cao là chuyện không thể tránh khỏi khi mọi người giao lưu tiếp xúc với nhau (mặc dù họ sẽ tuân thủ loạt quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách).

Mô hình phân tích cấp quốc gia của Viện nghiên cứu Doherty sử dụng dự đoán rằng với các biện pháp y tế công một phần cùng 70% dân số tiêm đầy đủ, số ca nhiễm có thể tăng lên 385.000 và số ca tử vong lên 1.457 trong 6 tháng. Cảnh giác cao độ sẽ giúp những con số này giảm xuống.

Trước lúc mở cửa giới chức Úc đã cảnh báo nguy cơ số ca nhiễm lẫn số ca tử vong tăng – cái giá phải trả để trở lại cuộc sống bình thường. Cũng giống Singapore, Úc không loại trừ khả năng tái áp đặt hạn chế nếu tình hình xấu đi.

Bên cạnh Singapore và Úc, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam cũng tuyên bố từ bỏ chiến lược “Zero COVID”. Tuy nhiên tại New Zealand vẫn còn tiếng nói lo ngại. Giới chuyên gia nhận định các quốc gia khu vực sẽ dõi theo Sydney để học kinh nghiệm mở cửa thành công, cũng như học cả sai lầm.

Trong nước Úc, các tiểu bang khác cũng đang xem xét kỹ diễn biến sắp tới tại Sydney trước lúc mở cửa trở lại. Bang Victoria dự tính làm việc này vào cuối tháng 10.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố Sydney từ bỏ ‘Zero COVID’, châu Á dõi theo