Ngày 11.4, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn nhân tạo để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cho thấy, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể.

Thả rạn nhân tạo tái tạo nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả cho vùng biển Cà Mau

Trần Khải | 12/04/2023, 05:30

Ngày 11.4, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn nhân tạo để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cho thấy, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể.

Thả 900 khối rạn xuống biển

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thực hiện Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau”, trong giai đoạn năm 2019 – 2021, được sự hỗ trợ dự án từ Chính phủ Thái Lan địa phương đã tổ chức thả 500 khối rạn xuống khu vực biển Tây tỉnh Cà Mau (được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm). Năm 2022, thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Cà Mau đã tiếp tục mở rộng thêm diện tích rạn nhân tạo với thêm 400 khối rạn.

phim-tom-tat-du-an.mp4.00_01_28_09.still006.jpg
Vùng biển Tây Cà Mau được thả 900 khối rạn nhân tạo làm nơi tránh trú cho các loài thủy sản

Trong quá trình thả rạn nhân tạo, ngành chức năng địa phương đã phân công nhiệm vụ canh giữ rạn, thông báo tình hình hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực thả rạn thường xuyên về Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau để theo dõi, phân chia thời gian cho các tàu thực hiện canh giữ rạn cho chính quyền địa phương và các bên có liên quan. Trong thời gian thực hiện dự án, định kỳ đơn vị phụ trách thường xuyên cử cán bộ quản lý theo dõi, thu mẫu đánh giá hiệu quả phục hồi nguồn lợi thủy sản tại các điểm thả rạn nhân tạo bằng các việc làm cụ thể như: cho thợ lặn quay phim, chụp ảnh hiện trạng các khối rạn và các loài thủy sản xuất hiện tại khu vực rạn; thu mẫu nền đáy để đánh giá đa dạng sinh học…

Kết quả triển khai đã xác định được vị trí thả rạn nhân tạo tại vùng Biển Tây tỉnh Cà Mau được thả 900 khối rạn, quanh vị trí này đã tạo nên một khu vực rạn nhân tạo quản lý có chu vi 5,6 km với diện tích 1,88 km2, đã góp phần ngăn cản một số ngư lưới cụ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vùng biển ven bờ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, rạn nhân tạo đã phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá con, cá còn non mới trưởng thành và một số loài cá có giá trị kinh tế, giá trị sinh cảnh... khỏi các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt. Qua đó, hình thành nơi cư trú nhân tạo ổn định cho các loài thủy sản trú ngụ và phát triển. Đồng thời, chất lượng môi trường trong và quanh khu vực thả rạn được cải thiện, các loài sinh vật đeo bám giá thể rạn gia tăng làm mắc xích trong chuổi thức ăn tự nhiên, tạo nơi cư trú lý tưởng cho các loài sinh vật biển, qua đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản.

Khu vực rạn nhân tạo tại vùng biển Tây tỉnh Cà Mau, có sự quản lý của Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau và hình thành được tổ hợp tác với tên gọi “Tổ đồng quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo” (gọi tắt là THT) gồm 15 thành viên tham gia với 33 tàu cá của các thành viên trong THT thường xuyên thay phiên có mặt tại khu vực thả rạn để bảo vệ.

Các thành viên THT hoạt động theo hợp đồng hợp tác và quy chế hoạt động. Quá trình làm việc đều có kế hoạch thay phiên canh giữ khu vực biển thả rạn, tàu canh giữ có bảng báo nhằm thông báo và tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân quanh khu vực biết về hoạt động của mình.

Việc tổ chức tốt công tác bảo vệ khu vực rạn nhân tạo đã tạo nên hiệu quả tích cực trong việc phát triển nguồn lợi thủy sản, theo nghiên cứu cho thấy với kết quả lặn khảo sát nguồn lợi thủy sản trước khi thả rạn không tìm thấy được loài nào tại 5 điểm khảo sát. Tuy nhiên, sau khi thả rạn hơn 10 tháng, kết quả cho thấy hệ sinh thái tại đây đã phục hồi đáng kể, với hơn 78 loài đại diện được tìm thấy thường xuyên qua các lần lặn quan sát.

Trong đó, mật độ cá chiếm tỉ lệ cao với 48 loài đã bắt gặp chiếm 61,5 %. Tiếp đó, nhóm động vật sống ở tầng đáy rạn với 23 loài chiếm tỉ lệ 29,5%, nhóm động vật đeo bám theo rạn có 7 loài chiếm 9%. Việc nguồn lợi thủy sản được phục hồi đã tạo được hiệu ứng về tuyên truyền người dân trong khu vực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển nghề cá bền vững.

phim-tom-tat-du-an.mp4.00_04_12_05.still012(1).jpg
Sau khi thả rạn nhân tạo, số lượng thuỷ sản ngày càng tập trung đông hơn

Ngoài ra, rạn nhân tạo cũng góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân, cũng như giải quyết việc làm, nâng cao hiệu qủa kinh tế cho ngư dân trong khu vực. Kết quả trước mắt đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động sinh sống ở địa phương. Qua phỏng vấn, rạn nhân tạo triển khai đã phát sinh thêm nghề mới ở địa phương là nghề lặn biển và tổ chức câu cá giải trí tại khu vực thả rạn. Qua đó đã tạo thêm sinh kế cho ngư dân để tăng thêm thu nhập, giải quyết thêm việc làm…

Hiệu quả cao

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn, hiệu quả về thu nhập của ngư dân trong vùng cho thấy, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể. Qua đó, thu nhập của các nghề cũng được tăng lên.

Cụ thể, nghề lưới rê sản lượng khai thác trung bình sau khi thả rạn tăng khoảng 76 kg/chuyến, lợi nhuận tăng hơn 6,5 triệu đồng/chuyến. Đây là nghề khai thác được hưởng lợi ích nhiều từ việc thả rạn, với kích thước mắt lưới lớn, khai thác chọn lọc các loài có giá trị kinh tế (cá thu, cá bớp, cá chét, bè…); nghề lồng xếp, sản lượng khai thác trung bình sau khi thả rạn tăng hơn 295 kg/chuyến, lợi nhuận tăng hơn 14 triệu đồng/chuyến; nghề câu mực, sản lượng khai thác trung bình của nghề này sau khi thả rạn tăng 13 kg/chuyến; nghề ốc bẫy mực sản lượng khai thác sau khi thả rạn tăng lên 125 kg/chuyến, lợi nhuận tăng gần 17 triệu đồng/chuyến.

phim-tom-tat-du-an.mp4.00_04_33_03.still015.jpg
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình này

Từ kết quả khảo sát thành phần loài thương phẩm của các ngư dân khai thác trong khu vực trước và sau khi thả rạn cho thấy, ban đầu chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác, trong đó có 25 loài cá, 8 loài giáp xác và 7 loài thân mềm. Sau khi thả rạn, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác tăng lên đáng kể, với 97 loài trong đó có 62 loài cá, 15 loài giáp xác và 20 loài thân mềm.

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đánh giá, đây là tín hiệu rất tích cực trong việc sử dụng rạn nhân tạo để làm nơi trú ẩn cho các loài sinh vật biển phát triển. Thông qua đó nguồn lợi thủy sản còn non theo thời gian sẽ phát tán vào vùng biển, tạo nên ngư trường ổn định cho ngư dân khai thác bền vững, tác động tích cực đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững trong tương lai.

“Sự xuất hiện của các loài cá như cá bớp, cá thu, cá bè, cá nhồng, cá mú, cá hường… cho thấy chuỗi mắc xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt là có xuất hiện một số loài cá có giá trị sinh cảnh như cá bướm, cá thia, cá hoàng hậu đuôi trắng…, nguồn lợi thủy sản tại khu vực rạn đang có dấu hiệu phục hồi tạo được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân địa phương trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản”, một lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết.

Từ kết quả đạt được, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất cấp trên có thể triển khai thả rạn nhân tạo để mở rộng thêm diện tích hiện có và nhân rộng thêm tại các khu vực biển khác có điều kiện tương đồng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từ đó, đưa ngành khai thác thủy sản hướng đến một nghề cá bền vững, là phù hợp với chủ trương hiện nay.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thả rạn nhân tạo tái tạo nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả cho vùng biển Cà Mau