Nói về vấn đề cốt yếu để tăng trưởng hàng không bền vững hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng toàn bộ ngành hàng không và du lịch cần vận dụng tốt hơn kinh tế số và công nghệ thông tin.

'Tận dụng ki-ốt check-in tự động, sân bay Tân Sơn Nhất có thể tăng thêm 400% khách'

11/04/2019, 19:56

Nói về vấn đề cốt yếu để tăng trưởng hàng không bền vững hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng toàn bộ ngành hàng không và du lịch cần vận dụng tốt hơn kinh tế số và công nghệ thông tin.

Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang rơi vào tình trạng quá tải ở một số thời điểm, tuy nhiên giải pháp vẫn chưa được đưa ra - Ảnh: Internet

Tại cuộc tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững diễn ra chiều 11.4, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng về phát triển bền vững, toàn bộ ngành hàng không và du lịch cần vận dụng tốt hơn kinh tế số và công nghệ thông tin.

"Giờ cứ nói Tân Sơn Nhất quá tải và phát triển nóng. Nóng cái gì? Nóng lúc nào? Nếu chúng ta tận dụng xử lý bằng công nghệ thông tin, ki-ốt check-in tự động không phải xếp hàng thì nhanh hơn rất nhiều lần, tôi tin có thể tăng 400% số khách", ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài về trung tâm thành phố không có sự kết nối các phương tiện vận tải, chỉ có vài tuyến xe bus. Trong khi xuống sân bay quốc tế có tàu hoả, tàu điện, xe bus liên tục. Vì thế, theo ông Doanh cần có giải pháp cụ thể giải quyết khâu này. Nếu kết nối sân bay tốt hơn, vận dụng tốt hơn các phương tiện hiện đại sẽ tăng thêm được tần suất và công suất sử dụng của các sân bay lên rất nhiều.

Để xử lý vấn đề quá tải, chuyên gia kinh tế này đề xuất cần tăng cường bay đêm, giảm giá vé bay đêm, từ đó sẽ tăng số hành khách bay đêm lên rất nhiều. Ông Doanh kể đã đi 58 nước trên thế giới, nhiều nơi đều phải bay từ 1-2h sáng. Nhưng không nên đưa vấn đề quá tải, phát triển “nóng” một cách thiếu căn cứ và tạo ra tâm lý, mà cần phân tích khâu nào là “nút cổ chai” rồi giải quyết khâu đó, chứ không nên nói phát triển “nóng” một cách chung chung.

"Hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất, một người đi có 3-4 người tiễn, một người đến có 4-5 người xếp hàng đón. Theo tôi, việc đưa tiễn nên bớt rườm rà để tránh quá đông người ở sân bay. Đây là những bế tắc chúng ta cần tìm giải pháp, bên cạnh việc mở thêm nhà ga hay chỗ đậu máy bay. Chúng ta không nên chỉ nhìn một phía mà cần nhìn vào những khâu bế tắc để giải quyết", TS Doanh nhấn mạnh.

Về câu chuyện TS Lê Đăng Doanh nói quá tải khâu nào cần khắc phục khâu đó, ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) lên tiếng cho biết Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã rất nỗ lực khắc phục quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, đã áp dụng những hình thức hiện đạo bằng các ki-ốt check-in tự động. Tuy nhiên, lĩnh vực hàng không có tính chất đặc thù gồm: cả dây chuyền từ nhà ga đến hệ thống đường cất hạ cánh, đến hệ thống quản lý không lưu. Nếu chỉ khắc phục được nhà ga mà không khắc phục được ở hệ thống đường cất hạ cánh thì không giải quyết được vấn đề.

Theo ông Phương, từ nhà ga ra đường cất hạ cánh có tình trạng máy bay phải xếp hàng chờ cất hạ cánh. Hệ thống quản lý không lưu của Việt Nam hiện nay dù được đánh giá là hàng đầu như mức độ cũng chỉ đáp ứng được 50-60 chuyến/giờ, chứ không thể nâng quá được số chuyến bay cất cánh trong một giờ. Như vậy, nếu không nâng cấp được nhà ga, khu bay thì có nâng cấp nhà ga hay áp dụng các hình thức hiện đại cũng vẫn cứ quả tải.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã nhìn nhận rất công bằng về quan điểm nóng hay không nóng của hàng không và không cho rằng quan điểm phát triển "nóng" là xấu. Nhưng trong một số thời điểm có vượt ngưỡng. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực làm việc từ khu bay, đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga, giao thông kết nối phải đồng bộ. Một trong những khâu này không thông thì cả dây chuyền bị ách tắc.

"Thời gian qua, chúng tôi đã rút kinh nghiệm trong phân bổ giờ bay cho hài hoà, như việc tăng cường bay đêm, thuyết phục hãng hàng không giảm giá để dân bay đêm. Chúng tôi đề nghị ACV tăng cường lắp các thiết bị hạ cánh chính xác, hay lắp đèn để bay đêm", ông Hảo cho hay.

Theo ông Hảo, trên trời theo quy tắc 2 máy bay phải đảm bảo giãn cách 5 dặm, giờ rút xuống còn 3 dặm. Ngoài việc đầu tư tiền, đi theo đó là con người. Các doanh nghiệp hàng không phát triển nhưng phải gắn chặt với sự phát triển của nhà chức trách hàng không.

Nhà chức trách hàng không cũng phải đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát, nếu không đủ năng lực, nhà chức trách hàng không nước ngoài, ICAO sẽ khuyến cáo ngay là không đủ năng lực. Vì Cục Hàng không liên bang Mỹ phải đánh giá năng lực của nhà chức trách hàng không, các hãng hàng không mới có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ.

"Ngoài ra, chúng ta phải duy trì môi trường, trật tự. Hiện có câu chuyện không chỉ nhà quản lý, doanh nghiệp mà có hành khách đi tàu bay cũng gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác. Như TS Doanh nói, một người về 3-4 người đón. 1 người đi 3-4 người tiễn. Hiện nhiều hãng đã có hình thức ki-ốt check-in, web check-in. Sắp tới không chỉ check-in tại nhà ga mà còn check-in tại các trung tâm trung chuyển, làm sao để thuận tiện nhất cho khách đi tàu bay", ông Hảo nói

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tận dụng ki-ốt check-in tự động, sân bay Tân Sơn Nhất có thể tăng thêm 400% khách'