Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI cho rằng tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều rủi ro như pháp lý, cơ chế quản lý ngoại hối và lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo, vàng thau lẫn lộn.
Tại Diễn đàn Tài sản số 2024 chiều 28.3, các báo cáo cho thấy Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ, với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động. Điều này đang đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý kiểm soát rủi ro.
Ngày 23.2.2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Tại quyết định trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản số, hoàn thành vào tháng 9.2024. Ngoài ra, Bộ Tài chính được giao xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5.2025.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI và đồng thời là Chủ tịch SSI Digital, cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sở hữu tài sản số cao nhất thế giới.
“Trader (người giao dịch) Việt Nam cũng rất thông minh và thu được lợi nhuận lớn từ tài sản số. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số, bởi với những cơ sở pháp lý hiện nay thì bao giờ tài sản số mang về đất nước, đi đâu hay thế nào còn là câu chuyện và cần có những đề xuất để tài sản số được luật pháp chấp thuận, từ đó mới có các sàn để giao dịch, chuyển nhượng tài sản số”, ông Hưng nêu.
Ngoài ra, theo ông Hưng, tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều rủi ro như pháp lý, cơ chế quản lý ngoại hối và lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo.
"Khi thị trường không phân biệt được là vàng hay thau thì những người càng ít hiểu biết càng khó phân biệt và quyết định tài sản của mình", ông Hưng nhấn mạnh.
“Chúng tôi mong rằng có đủ cơ sở để xin cơ chế đặc thù hợp pháp để mọi người tham gia một cách chính thống, đồng thời tạo ra một nơi để startup nương tựa và huy động vốn khi cần thiết”, Chủ tịch SSI Digital nói.
Ông Hưng cho rằng việc đề xuất Chính phủ xây dựng khung pháp lý để kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đầy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật; từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
“Khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ được giảm, góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư”, ông Hưng nêu.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng cho rằng việc định hình những cơ hội và thách thức do tài sản số mang lại, từ đó tạo ra luật chơi, khuôn khổ cho loại tài sản này là đòi hỏi khách quan và cấp thiết.
Theo ông Trần Đắc Trung, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, và để thành công cần có sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và nhà khoa học, chuyên gia công nghệ...