Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Nhịp đập khoa học

Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa

Lam Thanh 28/03/2024 12:07

Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

50% doanh nghiệp chưa biết khái niệm KCN phát triển bền vững

Hiện nay cả nước có khoảng 418 KCN đã được thành lập, trong đó có 298 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn hecta. Dư địa để phát triển các KCN xanh, KCN bền vững là rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống KCN, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam” ngày 28.3, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.

Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh, sạch rất quan trọng, để các DN Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính.

Tương tự, chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26… là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

2ea070a7-4715-470c-93c6-5a819c17f1ac.jpg
Chưa nhiều doanh nghiệp hiểu khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững

Bà Hiếu cho rằng theo xu hướng này, mô hình KCN truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.

Theo bà Hiếu, nguyên lý của việc phát triển các KCN bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.

Phó chủ tịch VCCI Phạm Quang Vinh cho hay năm 2022 có một khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) tại 118 KCN trên cả nước.

anh-man-hinh-2024-03-28-luc-11.03.50.png
Ông Phạm Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Kết quả cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG; chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế; 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp DN về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

“Nghiên cứu phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Những “bước đi” đầu tiên của Việt Nam

Bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi xanh là sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới.

Ví dụ trong KCN thì đó là giữa các DN với nhau, trong quy mô thành phố là quan hệ giữa khu vực sản xuất công nghiệp với khu vực dân cư. Tiếp theo là khả năng hợp nhất giữa các khoảng cách địa lý, với các khoảng cách gần thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Đại diện Bộ KH-ĐT dẫn ra một trong những ví dụ điển hình về KCN sinh thái đó là KCN Kalundborg của Đan Mạch với chu trình khép kín và khả năng liên kết. Trong đó có 11 DN tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng. Mục tiêu là giảm chi phí của các DN trong mạng lưới, tăng mức độ kết nối phát triển các hoạt động sản xuất của mình.

anh-man-hinh-2024-03-28-luc-11.03.13.png
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ KH-ĐT

Gần với Việt Nam hơn là ví dụ của thành phố “công nghiệp” Kawasaki tại Nhật Bản. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực.

Đại diện Bộ KH-ĐT chia sẻ, tại Việt Nam, bộ đã cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế triển khai hai giai đoạn phát triển KCN sinh thái.

Giai đoạn 1, thí điểm thực hiện từ năm 2014-2019 với 3 KCN tại 3 tỉnh thành phố đại diện cho 3 miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 DN trong KCN, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn.

Giai đoạn 2, từ năm 2020 đến nay, triển khai tại các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM… là những địa phương có mật độ KCN rất lớn. Quá trình triển khai hiện nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh thành phố khác.

“Thực tế, nỗ lực của các DN không chỉ giới hạn ở những DN được Bộ KH-ĐT hỗ trợ, mà đơn cử như KCN Nam Cầu Kiền đã chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điển hình của KCN tư nhân trong việc chủ động thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Chính phủ”, bà Hiếu nêu.

anh-man-hinh-2024-03-28-luc-11.06.42.png
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn

Về cơ chế hỗ trợ, bà Hiếu nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái…

“Vai trò quan trọng của việc hỗ trợ thực hiện giải pháp KCN sinh thái là ban quản lý các KCN tại các tỉnh thành. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện KCN sinh thái”, bà Hiếu nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa