Do không còn chuyến bay sơ tán lẫn chuyến bay thương mại nên việc rời khỏi Afghanistan bằng đường bộ trở thành phương án duy nhất của người dân muốn rời khỏi đất nước này.

Sơ tán khỏi Afghanistan bằng đường bộ: Phương án duy nhất và đầy rủi ro

Cẩm Bình | 02/09/2021, 12:05

Do không còn chuyến bay sơ tán lẫn chuyến bay thương mại nên việc rời khỏi Afghanistan bằng đường bộ trở thành phương án duy nhất của người dân muốn rời khỏi đất nước này.

Khi lực lượng Mỹ cuối cùng chuẩn bị rút đi, Hussain - người từng làm việc cho quân đội Mỹ, có hộ chiếu Mỹ - cùng 6 cô con gái trong nhiều ngày liên tiếp đã phải đi qua các chốt kiểm soát của Taliban để đến sân bay Kabul với hy vọng được lên chuyến bay sơ tán.

Ông liên tục gọi và gửi email cho Đại sứ quán Mỹ nhưng chẳng hề có hồi âm. Sau đó một lính Mỹ gọi điện nói rằng, cơ hội duy nhất là Hussain rời khỏi một mình không đem theo con gái (không phải công dân Mỹ).

Vợ Hussain qua đời vào tháng 7 vì COVID-19, nên Hussain một mình ra đi đồng nghĩa với việc bỏ lại 6 đứa con.

Đêm 30.8, Hussain cùng con đứng bên ngoài sân bay Kabul nhìn chiếc máy bay vận tải C-17 cuối cùng cất cánh – chấm dứt cuộc can thiệp quân sự kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan.

Hussain nay nằm trong số những người Afghanistan cân nhắc rời khỏi đất nước bằng đường bộ: “Tôi nghe từ tin tức và họ hàng về tình hình hàng nghìn người chờ đợi ở biên giới Afghanistan - Pakistan, cố vượt biên qua Pakistan. Tôi chẳng biết có nên sang Tajikistan không”. Ông lo lắng chuyện nếu quyết định vượt biên thì làm thế nào chăm sóc 6 cô con gái trên đường đi.

phbqqtg5uu2ji7jb6xbgnyba7p5e.jpg
Nhiều người đổ đến cửa khẩu hữu nghị Afghanistan - Pakistan - Ảnh: Reuters

Hiện quân đội Mỹ không còn hiện diện, hoạt động sơ tán kết thúc, chuyến bay thương mại cũng tránh đến sân bay Kabul. Những người muốn ra đi đang tập trung bố trí lộ trình an toàn để vượt qua biên giới.

Việc tái vận hành sân bay Kabul có thể mất nhiều ngày đến vài tuần đàm phán giữa Taliban với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người đã lên đường sang Pakistan ở phía đông và phía nam, số khác cố gắng tiếp cận biên giới Afghanistan giáp các nước Trung Á khác.

Đây là hành trình đầy rủi ro - đặc biệt với cựu sĩ quan quân đội hay an ninh, cũng như quan chức chính quyền cũ - do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát của Taliban trên chặng đường hàng trăm dặm, đường sá gồ ghề, thay đổi phương tiện di chuyển từ ô tô riêng, xe buýt công cộng đến xe buýt nhỏ. Đối tượng chấp nhận mạo hiểm có người sở hữu hộ chiếu nước ngoài như Hussain, người Afghanistan có thị thực, người có thể hối lộ.

Từ ngày 14.8 đến lúc kết thúc hoạt động sơ tán, có hơn 122.000 người - trong đó có 6.000 công dân Mỹ - thành công rời khỏi Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30.8 tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực đưa khoảng 200 công dân Mỹ kẹt lại lẫn người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm ra đi, nhưng ông thừa nhận sơ tán bằng đường bộ rất khó khăn.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29.8 đăng tải bản tuyên bố của 100 quốc gia đồng ý giúp đỡ người Afghanistan di chuyển đến những địa điểm ngoài nước, không quốc gia láng giềng nào của Afghanistan có tên.

phg2mviwx4qrpqxk2dybxc6j6y74.jpg
Một gia đình đi đến biên giới Afghanistan - Iran - Ảnh: Reuters

Tajikistan cam kết tiếp nhận 100.000 người Afghanistan tị nạn, Uzbekistan cho phép công dân Mỹ cùng công dân một số nước khác từ Afghanistan quá cảnh qua lãnh thổ. Chưa rõ hai quốc gia này đã cho bao nhiêu người đi vào.

Pakistan đã tiếp nhận khoảng 2.000 người Afghanistan làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có thị thực 1 tháng. Theo một cựu quân nhân Mỹ từng tham gia sơ tán: “Sơ tán đường bộ hiện là phương án duy nhất”.

Nhưng một cựu quan chức Mỹ cho biết từ sau khi hoạt động sơ tán ở sân bay Kabul kết thúc, Taliban lập thêm hàng loạt chốt kiểm soát trên con đường chính đi về phía bắc đến Uzbekistan và Tajikistan. Chiến binh Taliban cấm phụ nữ đi lại nếu không có đàn ông đi cùng. Một số nhóm giúp đỡ tư nhân khuyên người dân Afghanistan đừng cố đến biên giới trừ phi họ biết bản thân đang bị Taliban truy lùng.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơ tán khỏi Afghanistan bằng đường bộ: Phương án duy nhất và đầy rủi ro