Luật an ninh hàng hải mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1.9 yêu cầu các tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào vùng biển mà nước này “tuyên bố chủ quyền”.

Luật hàng hải mới của Trung Quốc đe dọa sự ổn định trên Biển Đông

Hoàng Vũ | 01/09/2021, 13:55

Luật an ninh hàng hải mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1.9 yêu cầu các tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào vùng biển mà nước này “tuyên bố chủ quyền”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông báo từ Cục Hải sự Trung Quốc cho biết, yêu cầu trên nằm trong luật an toàn giao thông hàng hải được Trung Quốc điều chỉnh và thông qua hồi tháng 4. Giới chức Trung Quốc cho biết các tàu khi đi vào “lãnh hải” sẽ phải thông báo tên, hô hiệu, vị trí và bất cứ loại hàng hóa nguy hiểm nào trên tàu.

Yêu cầu này được áp dụng với các tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở chất độc hại như dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, và các tàu khác được cho là gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc. Nếu tàu nước ngoài không báo cáo theo như yêu cầu, cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý. Tuy nhiên, luật mới không nêu cụ thể về hình thức phạt.

Truyền thông Trung Quốc cũng lưu ý rằng Cục Hải sự Trung Quốc “có quyền xua đuổi hoặc từ chối cho phép tàu tiến hành vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu đó bị cho là đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Theo Thời báo Hoàn Cầu (thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc), mục đích của động thái này là tăng cường khả năng nhận diện hàng hải, qua đó củng cố an ninh quốc gia.

hai-canh-tq.png
Tàu hải cảnh 6307 của Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng leo thang trong những tháng gần đây, trong khi nhiều quốc gia phương Tây trong đó có Mỹ cùng các nước đồng minh cũng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Trung Quốc thời gian qua đã ngang nhiên tuyên bố khoảng 90% diện tích Biển Đông thuộc "lãnh hải" của mình, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" nước này đơn phương vạch ra cũng như sự phản đối từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Phó giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, ông Kang Lin và nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng quy định mới trên sẽ áp dụng với lãnh hải rộng 12 hải lý của Trung Quốc, và cả các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lẫn Hoa Đông và cả eo biển Đài Loan cũng như các đảo, đá.

Kang Lin tiết lộ quy định mới dù không nêu chi tiết hình phạt với những tàu không tuân thủ khai báo, nhưng cơ quan hàng hải Trung Quốc có thể áp các luật liên quan, bao gồm cả luật hải cảnh, để yêu cầu các tàu rời đi và dùng các biện pháp như trục xuất bắt buộc.

Theo chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan của Trường Đại học Indonesia, bộ luật hàng hải được Bắc Kinh ban bố “một cách vội vàng, mơ hồ” có thể xâm phạm quyền tự do đi lại được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Darmawan nhấn mạnh hành động gây hại phải xảy ra bên trong "lãnh hải" của một nước trong khi sự mơ hồ của Trung Quốc vốn xuất hiện trong nhiều tuyên bố chủ quyền hàng hải.

Một số các nhà quan sát nhận định, yêu cầu mới đối với các tàu nước ngoài khi đi vào “lãnh hải” Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa có thể khó thực thi. Collin Koh, nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói với SCMP rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ không tuân theo quy định trên của Trung Quốc.

Việc buộc các tàu nước ngoài phải khai báo đi vào vùng lãnh hải cũng tương tự việc Trung Quốc tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào năm 2013. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu các máy bay nước ngoài, ngay cả khi hoạt động trong không phận quốc tế, nên khai báo thông tin cho phía Trung Quốc. Động thái này đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật Bản lên tiếng phản ứng dữ dội.

"Tôi không chắc luật mới này có hiệu lực thi hành như thế nào. Điều khiến tôi nhớ lại là những gì đã xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông. Có lẽ, một số bên hoặc một số quốc gia vẫn tìm cách tuân thủ. Tuy nhiên, những bên chịu tác động và hậu quả lớn nhất nhiều khả năng sẽ bất tuân thủ, đặc biệt là Mỹ. Washington sẽ coi đây là một ví dụ khác thể hiện nỗ lực leo thang của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển. Rất có thể, các cường quốc khác ngoài khu vực cũng sẽ không coi trọng quy định này", chuyên gia Koh nói.

Bên cạnh đó, Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đồng ý rằng việc thực thi quy định hải cảnh mới sẽ là một thách thức. “Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông cũng như các nước phương Tây như Mỹ và Anh sẽ bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như chắc chắn sẽ không tuân theo quy định này”, Shi nói.

Nhà phân tích an ninh người Mỹ Tom Rogan cho rằng quy định mới của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật hàng hải quốc tế", đồng thời nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden cần yêu cầu tàu thuyền Mỹ, dù là dân sự hay quân sự, phớt lờ những quy định "vô lý" này để tiếp tục di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế.

Theo ông Rogan, việc nhượng bộ những quy tắc phi lý của Trung Quốc khi tuân thủ quy định trên có thể làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật an ninh hàng hải quốc tế, mở đường cho Bắc Kinh "bắt nạt" tàu thuyền nước ngoài cũng như ép buộc các nước trong khu vực phải "phục tùng" theo ý họ.

Mặc dù các nhà quan sát ngoại giao và pháp lý Trung Quốc cũng nhận định việc thực thi quy định khai báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng Yu Mincai, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, lập luận rằng quy định này có thể giúp tăng cường an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.

“Đây là điều cần thiết cho các tàu nước ngoài báo cáo trong lãnh hải của chúng tôi trong trường hợp có thể diễn ra các cuộc tập trận quân sự, để chúng tôi có thể yêu cầu họ rời đi để tránh các sự cố ngẫu nhiên, điều này tốt cho cả hai bên”, Yu nói.

Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật hàng hải mới của Trung Quốc đe dọa sự ổn định trên Biển Đông