Myanmar hôm 15.3 đã ghi nhận thêm ít nhất 11 người thiệt mạng trong cuộc đàn áp biểu tình nâng số người chết lên 138, quốc tế tiếp tục kêu gọi kiềm chế bạo lực.

Số người biểu tình chết tiếp tục tăng, Trung Quốc lo ngại cho công dân ở Myanmar

Hoàng Vũ | 16/03/2021, 09:32

Myanmar hôm 15.3 đã ghi nhận thêm ít nhất 11 người thiệt mạng trong cuộc đàn áp biểu tình nâng số người chết lên 138, quốc tế tiếp tục kêu gọi kiềm chế bạo lực.

Người biểu tình Myanmar hôm 15.3 tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính bất chấp sự trấn ấp của lực lượng an ninh. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông biểu tình ủng hộ dân chủ tại các thành phố Myingyan và Aunglan.

"Hai người đàn ông bị bắn chết và 6 người khác bị thương", một nhân chứng ở Aunglan cho biết. Người này tiết lộ thêm rằng một trong số những người thiệt mạng bị bắn vào ngực. "Anh ấy ở rất gần tôi. Một người khác bị bắn vào đầu".

Thành phố Myingyan cũng ghi nhận thêm 6 người biểu tình thiệt mạng sau khi bị lực lượng an ninh trấn áp. "Trong số những người thiệt mạng có ba người bị bắn, gồm một phụ nữ", một nhân chứng ở Myingyan cho biết.

bieu-tinh-1.png
Myanmar  hôm 15.3 ghi nhận thêm ít nhất 11 người chết trong cuộc đàn áp biểu tình - Ảnh: AFP

Truyền thông nhà nước Myanmar cũng đưa tin về một người biểu tình chết ở thành phố Monywa. Hai thanh niên khoảng 20 tuổi bị bắn chết "tại chỗ" ở Mandalay. Ngoài ra, một sĩ quan cảnh sát bị bắn chết ở thành phố Bago, phía Đông Bắc Yangon.

111207image1-1180x677_d.jpg
Gia quyến của người biểu tình bị bắn chết kêu khóc khi tới nhận thi thể hôm 15.3 - Ảnh: AFP

Trước đó một ngày, hơn 50 người biểu tình bị bắn chết, chủ yếu là ở thành phố lớn nhất Myanmar Yangon, khiến 14.3 trở thành ngày chết chóc nhất kể từ cuộc chính biến hôm 1.2.

Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 138 người biểu đã thiệt mạng, gồm cả phụ nữ và trẻ em. Hơn 2.150 người bị bắt giam tính đến 13.3, trong đó hơn 300 người đã được thả.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, "gồm các thành viên trong khu vực, đoàn kết với người dân Myanmar và nguyện vọng khôi phục nền dân chủ của họ". Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener lên án tình trạng bạo lực hôm 14.3.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15.3 tiếp tục kêu gọi các tất cả các nước có hành động cụ thể để phản đối đảo chính và bạo lực leo thang. Trong khi đó, Anh cho biết nước này "kinh hoàng" trước vũ lực "nhằm vào người vô tội".

Đáng chú ý, nhiều nhà máy có vốn Trung Quốc tại thành phố Yangon bị đốt, đập phá hôm 14.3, khiến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình, làm hàng chục người chết.

Tờ Hoàn Cầu thời báo (thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư đã bị “phá hoại trong các cuộc tấn công”, gây tổng thiệt hại ước tính 240 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD) và 2 nhân viên Trung Quốc bị thương. 

tlk.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: Reuters

Sau khi các nhà máy Trung Quốc bị đốt phá, Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc hôm 15.3 khuyến cáo doanh nghiệp Đài Loan tại Myanmar treo cờ Đài Loan cùng biển báo để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục.

Trước diễn biến này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo hôm 15.3 đã mô tả vụ bạo lực là "kinh khủng". “Trung Quốc rất lo ngại tác động đối với sự an toàn của các tổ chức và công dân Trung Quốc", ông Triệu nói, đồng thời cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã được tăng cường xung quanh các nhà máy.

“Chúng tôi coi sự kiện này là khủng khiếp. Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu cầu phía Myanmar thực hiện tất cả các bước có thể để chấm dứt bạo lực và trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật", ông nói thêm.

Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, đại sứ quán Trung Quốc tại Naypyidaw đã liên lạc với Hiệp hội các công ty Trung Quốc tại Myanmar, cũng như các doanh nghiệp bị thiệt hại.

"Phái đoàn ngoại giao của chúng tôi cũng liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương với yêu cầu thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn tài sản và sự an toàn cho công dân Trung Quốc", ông Triệu Lập Kiên nói và bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên quan tâm ở Myanmar sẽ duy trì kiềm chế và khôi phục trật tự trong nước bằng con đường đàm phán hòa bình "phù hợp với hiến pháp và các quy tắc pháp lý, cũng như tính đến lợi ích chính của người dân Myanmar".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số người biểu tình chết tiếp tục tăng, Trung Quốc lo ngại cho công dân ở Myanmar