Sự khiển trách vấn nạn tham nhũng trong ngành than ở Nội Mông của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa cảm thấy bị đe dọa.

Ông Tập nói sẽ bắt cựu quan chức Nội Mông trả giá vì tham nhũng, ứng cử viên Thủ tướng Trung Quốc hoang mang

Nhân Hoàng | 15/03/2021, 20:00

Sự khiển trách vấn nạn tham nhũng trong ngành than ở Nội Mông của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa cảm thấy bị đe dọa.

Ngày 5.3, ngày khai mạc kỳ họp lập pháp kéo dài 1 tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự cuộc họp với các đại biểu của Khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình hướng dẫn những người tham gia nỗ lực nghiêm túc để phổ biến "ngôn ngữ và ký tự chung của quốc gia", nhấn mạnh sự cần thiết khi các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc nói tiếng Quan Thoại cũng như ngôn ngữ của họ.

Những lời nhận xét của ông Tập Cận Bình giống như việc nói với người dân ở Nội Mông, nơi giáp ranh quốc gia độc lập Mông Cổ, không được nói tiếng Mông Cổ ở nơi công cộng. Mùa thu năm ngoái, khu tự trị này đã chuyển ngôn ngữ được sử dụng trong một số lớp học cấp 1 và cấp 2 từ tiếng Mông Cổ sang Quan Thoại, làm dấy lên phản đối từ các bậc phụ huynh.

Thông điệp của ông Tập Cận Bình tại cuộc họp ngày 5.3 dường như là “sự phản kháng sẽ không được dung thứ”.

Về hình thức, Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc với tư cách là đại biểu được chọn để đại diện cho Nội Mông. Do đó theo thông lệ, ông phải xuất hiện tại cuộc họp với các đại biểu trong khu vực của mình. Nhìn chung, các tuyên bố từ ông Tập Cận Bình phản ánh các chính sách chủ chốt của đảng Cộng sản Trung Quốc và không nhất thiết nhằm vào Nội Mông. Song năm nay, một số bình luận của ông rõ ràng đã nhắm trực tiếp vào khu vực này.

Khi khiển trách các quan chức Nội Mông hiện tại và trước đó về tham nhũng trong ngành than, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng sẽ truy quét những người có liên quan, thậm chí là từ nhiều thế hệ trước, và trừng phạt triệt để họ.

Theo Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Tôi sẽ không bao giờ thất bại trong việc bắt họ phải trả giá cho việc này". Cả khán phòng im lặng ngay sau khi ông nói điều này.

Bộ Chính trị hiện tại, bao gồm 25 quan chức cấp cao nhất của đảng Cộng sản, trong đó có Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa, từng là Bí thư thành ủy Nội Mông, chức vụ hàng đầu tại đây.

Giờ đây có suy đoán rằng những lời khiển trách gay gắt của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhắm vào ông Hồ Xuân Hoa.

Liên kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản - tổ chức chính trị hùng mạnh và là đối thủ của ông Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa được coi là người kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người có nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp và cũng là cuối cùng kết thúc vào tháng 3.2023.

Ông Hồ Xuân Hoa sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hồ Bắc vào năm 1963, rất thông minh nên đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Bắc Kinh danh tiếng năm 16 tuổi.

Giống như ông Lý Khắc Cường và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Hồ Xuân Hoa đã thăng tiến trong hàng ngũ của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Hồ Xuân Hoa đã làm việc tại Khu tự trị Tây Tạng trong khoảng 20 năm. Ông từng là quan chức cấp cao nhất của Nội Mông từ năm 2009 đến 2012.

Tetsushi Takahashi, Giám đốc văn phòng hãng thông tấn Nikkei tại Trung Quốc, từng nói chuyện với ông Hồ Xuân Hoa ở thành phố Hô Thị, Nội Mông vào năm 2011. Tetsushi Takahashi nhớ rằng khi trình danh thiếp của mình, ông Hồ Xuân Hoa đã mỉm cười và đáp: "Tôi cũng từng làm việc như một phóng viên báo chí địa phương ở Tây Tạng".

Liệu Hồ Xuân Hoa sẽ có thể đạt được vị trí Thủ tướng Trung Quốc tiếp theo, hay những đám mây đen đang vây lấy vận may chính trị của ông?

ong-tap-voi-tuyen-bo-bat-quan-chuc-noi-mong-tra-gia-de-doa-ung-vien-thu-tuong1.jpg
Các đại biểu của Khu tự trị Nội Mông (bên trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc - Hồ
Hồ Xuân Hoa

Được thành lập từ năm 1920 để phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin đến các thanh niên Trung Quốc tuổi từ 14 đến 28, Đoàn thanh niên Cộng sản, tổ chức thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, xưa nay luôn là lò đào tạo những cán bộ tương lai cho đảng.

Ngoài đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – nguyên bí thư Trung ương Đoàn – là biểu tượng thành công của phe Đoàn thanh niên.

Là nơi ươm mầm các lãnh đạo, tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản đã bị lọt vào tầm ngắm của ông Tập Cận Bình.

Người ta biết rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012, Đoàn Thanh niên Cộng sản đã bị chỉ trích là "quý tộc" và "tập trung vào giải trí". Đoàn Thanh niên Cộng sản đã bị trao cho một “bờ vai lạnh” trong các cuộc bổ nhiệm nhân sự.

Ông Hồ Xuân Hoa đang phải đối mặt với cơn gió ngược thậm chí còn mạnh hơn vì vấn đề tham nhũng ở Nội Mông.

Vào ngày cuối cùng của phiên họp, đại hội đã thông qua một sửa đổi đối với luật tổ chức Quốc hội Trung Quốc, giúp cho việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các phó thủ tướng linh hoạt hơn.

Nhiều nhà quan sát tin rằng, khi tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba làm Chủ tịch Trung Quốc tại Đại hội đảng tiếp theo vào mùa thu năm 2022, ông Tập muốn đưa một trong những phụ tá thân cận của mình lên làm Phó thủ tướng - tiền đề để trở thành ứng cử viên Thủ tướng.

Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang tiến triển với việc củng cố quyền lực cho một triều đại kéo dài đến những năm 2030.

Bài liên quan
'Dự án đường cao tốc Bắc Kinh-Đài Bắc phản ánh kế hoạch về thời gian cầm quyền của ông Tập'
Dự án liên quan đến Đài Loan xuất hiện trong kế hoạch đến năm 2035 rõ ràng gợi ý về quyết tâm thay đổi hiện trạng của ông Tập Cận Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập nói sẽ bắt cựu quan chức Nội Mông trả giá vì tham nhũng, ứng cử viên Thủ tướng Trung Quốc hoang mang