Khi có nhiều bằng chứng cho thấy vụ đánh bom dịp lễ Phục sinh vừa qua do các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện, cộng đồng người theo đạo Hồi tại Sri Lanka phải đối mặt với sự giận dữ, thậm chí cả những hành động bạo lực.

Sau vụ đánh bom đẫm máu: Cộng đồng Hồi giáo tại Sri Lanka sợ bị trả thù

Nguyễn Cẩm Bình - 0901321282 - 060113793980 | 26/04/2019, 14:30

Khi có nhiều bằng chứng cho thấy vụ đánh bom dịp lễ Phục sinh vừa qua do các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện, cộng đồng người theo đạo Hồi tại Sri Lanka phải đối mặt với sự giận dữ, thậm chí cả những hành động bạo lực.

Cũng rất sốc và đau buồn trước vụ tấn công đẫm máu, họ đã dùng nhiều cách đểbày tỏ. Nhà thờ Hồi giáo ngừng phát kinh nguyện bằng loa để tránh khiến cho những người để tang cho nạn nhân thiệt mạng thấy khó chịu, treo một số biểu ngữ mang thông điệp chia buồn, gặp chức sắc nhà thờ Công giáo và cảnh sát, cung cấp thực phẩm cho đội ngũ tình nguyện viên trong các lễ tang.

Song song đó cộng đồng này phải chuẩn bị đón nhận làn sóng giận dữ. Dòng đăng lẫn bình luận đổ lỗi cho người theo đạo Hồi tràn ngập trên mạng xã hội bất chấp chính quyền hiện tạm thời chặn truy cập. Nhà ở cùng một số địa điểm kinh doanh của người Hồi giáo bị ném đá.

Thợ kim hoàn Mohammad Jinnah sinh sống tại thành phố Negombo chia sẻ: “Chúng tôi không biết ai đứng sau vụ tấn công. Chúng tôi lên án chúng, nhưng nhiều người lại cho rằng đây là do người theo đạo Hồi gây ra. Không biết rồi sẽ có chuyện gì xảy ra. Nơi này từng yên bình, rồi nay mọi thứ đều đảo lộn”.

Trong các khu phố Hồi giáo ở Negombo - nơi có khoảng 100 người thiệt mạng khi vụ đánh bom xảy ra, hàng chục cửa hàng gần một tuần qua chỉ bán thực phẩm vào buổi sáng, sau đó đóng cửa.

Ở thủ đô Colombo, cộng đồng Hồi giáo thành lập ủy ban giám sát an toàn khu phố, kiểm tra phương tiện hoặc người lạ.

Cửa hàng của người Hồi giáo trong một quận thuộc thủ đô Colombo đóng cửa từ lúc vụ tấn công xảy ra - Ảnh: The Washington Post

Còn hàng trăm nhà thờ Hồi giáo khắp cả nước chưa chắc tổ chức lễ cầu nguyện định kỳ cuối tuần. Một số nhân vật lãnh đạo tôn giáo nhờ đến cảnh sát, đồng thời thông báo người đến dự lễ phải cho phép kiểm tra túi.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết nguy cơ tấn công không đến từ người theo đạo Thiên Chúa, mà từ phần tử lợi dụng tình hình căng thẳng hòng gây rối.

Lực lượng an ninh Sri Lanka đến nay đã bắt giữ hàng chục nghi phạm, vài cá nhân bị cho là thành viên một nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương. Hai trong số những kẻ đánh bom tự sát là con trai một thương nhân Hồi giáo nổi tiếng. Tổ chức IS cũng lên tiếng nhận trách nhiệm.

Hàng trăm nhà thờ Hồi giáo khắp Sri Lanka chưa chắc tổ chức lễ cầu nguyện định kỳ cuối tuần - Ảnh: The Washington Post

Cộng đồng Hồi giáo là một trong những nhóm quy mô nhỏ nhất ở quốc gia Nam Á - chỉ khoảng 2 triệu người (chiếm 10% tổng dân số). Giữa họ và người Sinhala theo Phật giáo chiếm đa số tồn tại mối quan hệ có vẻ ngoài hòa bình nhưng căng thẳng âm ỉkéo dài, dẫn đến hai cuộc bạo loạn năm 2014 và 2018.

Trả lời phỏng vấn báo The Washington Post, nhiều người theo đạo Hồi khẳng định bản thân giữ quan hệ thân thiện với các nhóm tôn giáo khác, cũng như cảm thấy tự hào khi sống trong xã hội đa dạng. Tuy vậy mức độ hòa nhập của họ không cao.

Tại Colombo, nhà thờ Hồi giáo Grand Mosque treo một biểu ngữ lớn lên án vụ tấn công. Thời gian qua chức sắc nhà thờ lẫn người đến cầu nguyện tổ chức nhiều hoạt động phản đối National Thowheed Jamaath - nhóm cực đoan mà giới chức Sri Lanka xác định dính líu đến loạt đánh bom liên hoàn.

Cảm xúc lúc này của người Sri Lanka theo đạo Hồi rất lẫn lộn, bao gồm nỗi buồn về thảm kịch mà họ chẳng thể công khai bày tỏ lòng thương tiếc cùng nỗi lo nhận phải phản ứng dữ dội. Theo người quản lý một nhà thờ Hồi giáo tại thủ đô tên Shafi Mula: “Hành vi của những kẻ man rợ làm xáo trộn mọi thứ. Người theo đạo Thiên Chúa vốn rất thân với chúng tôi, nhưng người khác có thể muốn trả thù, hay lợi dụng để làm chuyện xấu. Đặc biệt là ở vùng nông thôn. Chúng tôi cảm thấy lo sợ”.

Cẩm Bình (theo The Washington Post)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau vụ đánh bom đẫm máu: Cộng đồng Hồi giáo tại Sri Lanka sợ bị trả thù