Theo các nhà quan sát, Ấn Độ ngày càng cảnh giác với các động thái quân sự của Trung Quốc ở biên giới sau nhưng gì Bắc Kinh đã làm với Đài Loan.

Sau Đài Loan, Trung Quốc nhắm tiếp vào lãnh thổ mà Ấn Độ kiểm soát

Hoàng Vũ | 15/08/2022, 15:44

Theo các nhà quan sát, Ấn Độ ngày càng cảnh giác với các động thái quân sự của Trung Quốc ở biên giới sau nhưng gì Bắc Kinh đã làm với Đài Loan.

Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông hôm 14.8 đã kêu gọi New Delhi công khai nhắc lại chính sách "một Trung Quốc" sau nhiều năm không làm điều này. "Chúng tôi hy vọng rằng phía Ấn Độ có thể công khai nhắc lại chính sách "một Trung Quốc" như nhiều quốc gia khác. Nguyên tắc "một Trung Quốc" là nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Ấn", ông Tôn nói.

Trên thực tế, Ấn Độ đã tuân thủ chính sách "một Trung Quốc" song không đề cập đến điều này trong các văn bản song phương hoặc tuyên bố công khai từ năm 2008, sau khi Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích bang Arunachal Pradesh, cũng như cấp thị thực rời để ghim vào hộ chiếu cho một số người tại các khu vực đang tranh trấp như Jammu và Kashmir.

Khi được hỏi về căng thẳng ở eo biển Đài Loan trong cuộc họp báo ngày 12.8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết "các chính sách liên quan của Ấn Độ được biết đến rõ ràng và nhất quán", song ông cũng không nhắc tới chính sách "một Trung Quốc". Phát ngôn viên Bagchi cũng kêu gọi các bên "kiềm chế và tránh những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng”.

Trong cuộc hội đàm song phương cấp quân sự đặc biệt vào ngày 6.8, chỉ vài ngày sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, các đại biểu Ấn Độ đã đưa ra phản đối về việc Trung Quốc nhiều lần vi phạm địa phận Ấn Độ gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3,488km - đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát.

img_istock-1225077759_2_1_4r9fe9te.jpg
Ấn Độ nên ngày càng cảnh giác với Trung Quốc trước các động thái quân sự ở biên giới - Ảnh: Internet

Sau đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc leo thang hồi tháng 5.2020 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người ở khu vực Ladakh tại LAC giữa tháng 6.2020 khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán và nhất trí rút phần lớn lực lượng vũ trang khỏi khu vực tranh chấp để hạ nhiệt tình hình.

Dù Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố rút quân, song hai nước nghi ngờ lẫn nhau và mỗi bên vẫn duy trì khoảng 100.000 binh sĩ dọc LAC. Trung Quốc thậm chí còn đang triển khai thêm quân dọc theo các bang biên giới của Ấn Độ là Uttarakhand, Arunachal Pradesh và Sikkim.

Tình hình có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau khi Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ huấn luyện khoảng 10.000 dân gốc Tây Tạng đóng giả làm người chăn gia súc và xâm nhập biên giới nước này. Trong khi đó, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh không rút lực lượng theo thỏa thuận đã ký kết.

Trung Quốc hiện đã lên kế hoạch di tản hơn 100.000 người Tây Tạng từ khu tự trị miền bắc đến địa khu Sơn Nam (Lhoka) ở phía đông nam Tây Tạng vốn gần biên giới Ấn Độ. Lhoka nằm gần biên giới với Arunachal Pradesh, tiểu bang đông bắc của Ấn Độ tiếp giáp với rìa phía đông của LAC đối diện với Tây Tạng và được Trung Quốc tuyên bố là "một phần cố hữu" của lãnh thổ, gọi là "Zangnan" hoặc "Nam Tây Tạng". Trung Quốc đã mở rộng một phần lớn phía nam của mình tới biên giới của Ấn Độ kể từ khi nước này chiếm Tây Tạng vào năm 1950, và họ đã cam kết chiếm lại Arunachal Pradesh bằng vũ lực, nếu cần, giống như tuyên bố tương tự với Đài Loan.

Bộ Nội vụ Trung Quốc cuối năm ngoái đã "chuẩn hóa" tên gọi của 15 địa danh gồm các khu dân cư, sông và núi ở Nam Tạng (tên Bắc Kinh dùng để gọi khu vực mà Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh) và chính thức đặt tên tiếng Trung cho các địa danh này. Trước đó vào năm 2017, Trung Quốc đã đổi tên 6 địa điểm khác trong cùng khu vực.

Ấn Độ đã bác bỏ luận điểm của Trung Quốc bằng cách khẳng định rằng "Arunachal Pradesh luôn và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ. “Việc gán những cái tên mới cho các địa danh ở Arunachal Pradesh không làm thay đổi thực tế này”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.

Tương tự, Đài Loan đã khẳng định rằng họ là một vùng lãnh thổ có chủ quyền và không cần phải tuyên bố độc lập bởi đã độc lập. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn khẳng định rằng đảo tự trị của bà sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để tự vệ.

Trong chuyến thăm 3 ngày không báo trước tới Tây Tạng hồi tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Nyingchi, gần biên giới giáp Arunachal của Ấn Độ. Ông Tập đã bay đến thành phố Nyingchi và đi xe lửa đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng để thị sát tuyến đường sắt nối liền vùng biên giới này với tỉnh Tứ Xuyên. Nyingchi hiện được kết nối với Lhasa, nơi được cho là có nhiệm vụ vận tải quân sự để chở quân và vũ khí đến Tây Tạng.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đưa tin rằng trong chuyến thăm quan trọng tới Nyingchi, ông Tập, người đứng đầu Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan hoạch định chính sách quân sự tối cao của Trung Quốc, đã ca ngợi các tiểu đoàn bảo vệ biên giới ở Tây Tạng đã làm được một “công việc tuyệt vời”. Theo các báo cáo thu thập được từ tình báo Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã tuyển mộ những thanh niên Tây Tạng và huấn luyện họ sử dụng súng máy hạng nặng, súng cối và bệ phóng tên lửa. Mỗi gia đình Tây Tạng được yêu cầu cử ít nhất một thành viên trẻ tuổi tham gia.

Cựu Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng M.M. Naravane đã bày tỏ lo ngại về việc “Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự quy mô lớn" ở phía đông Ladakh. Trung Quốc được cho là đã tích lũy thêm quân qua biên giới Ấn Độ, trang bị pháo binh, hệ thống phòng không, máy bay không người lái chiến đấu và xe hạng nặng. Ngoài việc tạo ra và mở rộng kết nối đường bộ và đường sắt ở các khu vực biên giới, Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng các sân bay quân sự để vận hành máy bay chiến đấu.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc xác nhận việc Trung Quốc xây dựng một khu gồm 100 ngôi nhà ở gần khu vực Arunachal. Trung Quốc biến các ngôi làng gần LAC thành các khu quân sự và các sân bay dân sự đang được chuyển đổi thành các căn cứ của lực lượng không quân.

Ấn Độ cũng lo ngại rằng Trung Quốc đang tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao nước láng giềng Bhutan với mục đích vẽ lại LAC. Việc xâm nhập một cách có hệ thống vào Bhutan giúp Trung Quốc tiếp cận với Jhampari Ridge - một khu vực trọng yếu của Bhutan tiếp giáp Ấn Độ.

Trên tạp chí Foreign Policy, các nhà quan sát đã cáo buộc Trung Quốc đã tìm cách củng cố biên giới ở Tây Tạng và giành lợi thế trước Ấn Độ trong vài năm qua. Theo Foreign Policy, Bắc Kinh làm vậy bằng cách lén lút xây dựng đường sá, làng mạc và các cơ sở an ninh trên đất Bhutan.

Chuyên gia Hal Brands của Đại học Johns Hopkins cho rằng Bắc Kinh được cho đang dựng lên tình huống "sự đã rồi" bằng cách tạo ra hiện trạng. Theo học giả này, đây là bản chất của "hành vi xâm lược" lãnh thổ trong thế giới hiện đại. Trung Quốc cũng đang áp dụng cách tiếp cận này ở Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng mà không gây ra xung đột lớn với các nước láng giềng. Bắc Kinh cũng lặng lẽ gửi quân đến vùng đất có địa hình khó tiếp cận mà Ấn Độ hoặc Bhutan tuyên bố chủ quyền.

Do đó, quân đội Trung Quốc có thể tràn qua và đánh chặn hệ thống phòng thủ của Ấn Độ ở biên giới giáp với Bhutan nếu xung đột xảy ra. Khu vực Jhampari Ridge cũng sẽ đưa Hành lang Siliguri ở bang Tây Bengal của Ấn Độ vào tầm bắn của pháo binh Trung Quốc.

Trong một hành động xâm nhập vào năm ngoái, khoảng hơn 100 binh sĩ Trung Quốc và 55 con ngựa đã xâm nhập hơn 5km vào lãnh thổ Ấn Độ và phá hủy cơ sở hạ tầng, gồm cả một cây cầu, tại Barahoti thuộc bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya, nơi không phải là điểm nóng biên giới ở nhiều năm. Họ trở về căn cứ trước khi có thể đối đầu với binh lính Ấn Độ.

Khoảng 200 binh sĩ PLA cũng được cho là đã vượt qua LAC ở khu vực Tawang của Arunachal vào năm ngoái để nhắm vào các tuyến phòng thủ của Ấn Độ nhưng đã quay trở lại mà không xảy ra bất kỳ cuộc ẩu đả nào. Tawang đặc biệt gây tranh cãi đối với người Trung Quốc, vì chính tại thị trấn này, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tìm thấy nơi ẩn náu ban đầu ở Ấn Độ sau khi né tránh quân đội Trung Quốc trên chuyến bay từ thủ phủ Lhasa của Tây Tạng vào năm 1959. Trung Quốc luôn phẫn nộ với quyết định của Ấn Độ khi cung cấp nơi lưu trú cho Đạt Lai Lạt Ma, người được cho là lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng.

Mỹ có giúp Ấn Độ khi nổ ra chiến tranh biên giới với Trung Quốc?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd James Austin hồi tháng 4 đã tổ chức các cuộc hội đàm với Ấn Độ về tăng cường quan hệ, đồng thời cảnh báo New Delhi về các mối đe dọa an ninh gây ra bởi Trung Quốc và Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, với tư cách là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ là "trung tâm của trật tự dựa trên quy tắc này" và ông kêu gọi hợp tác với "các đối tác cùng chí hướng”.

Tuy nhiên, Ấn Độ cần nhận ra rằng Mỹ chỉ coi nước này là đối tác chiến lược quan trọng, do đó Washington sẽ không chủ động về mặt chính trị hoặc quân sự trong việc giải quyết tranh chấp ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Một mình Ấn Độ phải cố gắng giữ vững lập trường chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc.

Mặc dù Washington được giao nhiệm vụ bảo vệ Đài Loan, nhưng rõ ràng Washington không có khuynh hướng cung cấp sự hỗ trợ “ủng hộ trên mặt đất” cho Ấn Độ, cũng như không tìm cách thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nào trong hoặc xung quanh đất nước này như một đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau Đài Loan, Trung Quốc nhắm tiếp vào lãnh thổ mà Ấn Độ kiểm soát