Bản tin sáng 22.5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 20 ca mắc COVID-19 trong nước ghi nhận tại 4 địa phương là Bắc Giang 11 ca, Bắc Ninh 3 ca, Thái Bình 1 ca, Hải Dương 4 ca và Điện Biên 1 ca. Thông tin các ca mắc mới như sau:

Sáng 22.5: Việt Nam thêm 20 ca COVID-19, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp, Campuchia bất ngờ dỡ bỏ giới nghiêm

SK&ĐS-TTXVN | 22/05/2021, 05:55

Bản tin sáng 22.5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 20 ca mắc COVID-19 trong nước ghi nhận tại 4 địa phương là Bắc Giang 11 ca, Bắc Ninh 3 ca, Thái Bình 1 ca, Hải Dương 4 ca và Điện Biên 1 ca. Thông tin các ca mắc mới như sau:

- CA BỆNH BN4942 ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: nam, 84 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; là F1 của BN3750, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 21.5.2021 dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN4943-BN4945 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 20-21.5.2021 dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN4946 ghi nhận tại tỉnh Điện Biên: nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; là F1 của BN3997, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 21.5.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.

- CA BỆNH BN4947-BN4950 ghi nhận tại tỉnh Hải Dương: là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 18.5.2021 dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN4951-BN4961 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: 10 ca là F1 liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, đã được cách ly và 1 ca trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, đến thời Việt Nam ghi nhận tổng cộng 4.961 bệnh nhân. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.4 đến nay là 1.912 ca.

Quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng từ ngân sách mua vắc xin COVID-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vắc xin của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 21.5.2021, tổng cộng đã tiêm 1.026.672 liều vắc xin phòng COVID-19 (đợt 1 và 2) cho các đối tượng ưu tiên. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.961 người. Riêng trong ngày 21.5 có 5.587 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 5 tỉnh thành.

Campuchia bất ngờ dỡ bỏ giới nghiêm, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21.5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.822 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 75.100 người.

Trong 24 giờ trước đó, Hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Timor Leste.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 21.5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 50 trường hợp không qua khỏi.

Còn tại Myanmar, theo worldometers.info, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanhvà đáng ngại khi nước này có 460 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong ngày 21.5. Tuy nhiên, tối 21.5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19 tại “khu vực vàng” áp dụng từ 20h đến 3h sáng hôm sau.

Thông báo của Đô trưởng Phnom Penh xác nhận dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại thủ đô từ ngày 22.5.2021; các hoạt động kinh doanh gồm phục vụ cafe, nhà hàng và các chợ có thể cho phép khách được ngồi và ăn uống bình thường tại các cửa hàng nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế Campuchia quy định, trong đó có việc yêu cầu tất cả các khách hàng phải dùng điện thoại di động quét mã truy vết QR “Stop COVID” trước khi vào.

Việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại Phom Penh được đưa ra khá bất ngờ vì trước đó một ngày, hôm 20.5, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ra quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm trong thành phố thêm một tuần, từ ngày 20-27.5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Theo thông cáo báo chí ngày 21.5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 460 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày, trong đó có 15 ca nhập cảnh. Tính đến nay Campuchia đã có 24.157 bệnh nhân COVID-19, trong đó 16.524 người được điều trị bình phục và 165 ca tử vong.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, từ ngày 1.6 đến ngày 31.7. Đây là lần thứ 12 Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch COVID-19.

Số liệu ngày 21.5 của CCSA cho biết Thái Lan ghi nhận thêm 3.481 ca mắc mới và 32 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 1.036 ca, tiếp theo là các tỉnh Samut Prakan (457 ca), Nonthaburi (163 ca), Pathum Thani (162 ca) và Chonburi (127 ca).

Tính đến ngày 21.5, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 123.066 ca nhiễm, trong đó 735 ca tử vong. Đến nay, nước này cũng đã tiêm được 2.648.256 liều vaccine ngừa COVID-19.

Chiều 21.5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Đây là số ca nhiễm trong cộng đồng thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực, đặc biệt là tại các nước láng giềng, cùng việc nhiều F0 không thể truy vết, Chính phủ Lào ngày 20.5 đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa trên cả nước từ ngày 21.5-4.6. 

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.763 ca bệnh, trong đó 800 người đã bình phục và 2 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 588.662 trường hợp mắc COVID-19 và 11.810 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 166,4 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,45 triệu người không qua khỏi.  

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22.5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 166.432.599 ca, trong đó có 3.456.528 người tử vong.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.340 ca tử vong trong tổng số 33.857.713 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 26.285.069 ca nhiễm và 295.508 ca tử vong. Đáng chú ý, "tâm dịch" Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua.

Nhà chức trách một số bang tại nước này đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là bệnh "nấm đen", ở những bệnh nhân COVID-19. Thông thường quốc gia Nam Á này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh "nấm đen" trong vòng một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến. Các bang Gujarat và Telangana thông báo xuất hiện dịch "nấm đen", trong khi thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở các khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này.

Tuy các cơ quan chức năng chưa xác nhận số ca tử vong cụ thể nhưng trung bình tỷ lệ tử vong vì nhiễm bệnh "nấm đen" trong vài ngày qua ở Ấn Độ được cho là lên tới 50%. Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng steriod liều cao để điều trị COVID-19 là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh "nấm đen". Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số bệnh viện và việc các bệnh nhân sử dụng chung đường dẫn oxy là "điều kiện lý tưởng" để nấm đen lây lan.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 22.5: Việt Nam thêm 20 ca COVID-19, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp, Campuchia bất ngờ dỡ bỏ giới nghiêm