Việc phong tỏa được thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế.

Hà Nội: Toàn thành phố còn 44 điểm phong tỏa với 24.436 người

Lam Thanh | 21/05/2021, 15:27

Việc phong tỏa được thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế.

Sáng 21.5, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã.

ha-noi.jpg
Phiên họp của UBND TP.Hà Nội với các sở ban ngành và địa phương 

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả địa phương, đơn vị cần tập trung toàn lực để bảo đảm công tác phòng chống dịch, đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

"Cần phải bảo đảm "Ngày hội toàn dân" diễn ra thành công, không được để ra sai sót", Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Báo cáo tại phiên họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 29.4 đến sáng 21.5, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc tại 18 quận huyện, liên quan đến 4 chùm ca bệnh: TP.Đà Nẵng, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh.

Toàn thành phố hiện còn 44 điểm phong tỏa với 24.436 người. Việc phong tỏa được thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.

Về công tác rà soát, quản lý, xét nghiệm người về từ các khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX), Sở Y tế đã chỉ đạo lấy mẫu người làm việc tại các KCN-CX tỉnh Bắc Giang là 425 người, đến nay chưa phát hiện trường hợp mắc; lấy mẫu người làm tại các KCN-CX tỉnh Bắc Ninh là 1.639 người và chưa phát hiện trường hợp mắc.

Ông Hạnh nhận định Hà Nội hiện kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức rất cao. Kết quả giải trình tự gien xác định chủng vi rút gây bệnh tại Hà Nội là biến thể kép ở Ấn Độ. Đây là biến thể nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh, số ca mắc mới tăng cao, đặc biệt tại các nhà máy trong khu công nghiệp. Trong khi đó có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là nguồn nguy cơ cao đối với Hà Nội.

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tuy đã được phong tỏa nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong bệnh viện. Ngành y tế nhận định, hiện nay, các quận huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Hà Đông… vẫn là những đơn vị có nguy cơ cao và trong thời gian tới, cần tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Đề xuất các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn bị cho công tác bầu cử, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm bầu cử, đặc biệt trong trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, tại bệnh viện, khu vực bị phong tỏa theo quy định của Bộ Y tế.

"Các đơn vị cần lấy mẫu xét nghiệm trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của tổ bầu cử tại điểm bầu cử ở khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sau khi bỏ phiếu cho cử tri có tiếp xúc gần nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 thuộc khu vực điểm bỏ phiếu bầu cử", ông Hoàng Đức Hạnh đề xuất.

Tại phiên họp, đại diện Ban Quản lý các KCN-CX cho biết đã phối hợp với các KCN lân cận tăng cường phối hợp phòng, chống dịch. KCN tại Hà Nội cùng với KCN Bắc Ninh tạm ngừng nhận người lao động đến từ các KCN ở Bắc Giang.

Ngoài ra KCN Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị, yêu cầu người lao động ký cam kết với chủ sử dụng lao động hết giờ làm phải về luôn. Doanh nghiệp cam kết phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra các trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị. Đồng thời các doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện công tác đánh giá, tuyên truyền cho người lao động, phân luồng cách ly y tế tại nơi làm việc…

Hiện nay, Ban Quản lý các KCN-CX đã thành lập 9 tổ công tác tại 9 KCN-CX để tiến hành rà soát, thanh tra kiểm tra thường xuyên. Phần mềm khai báo COVID-19 đã được cập nhật trong tất cả doanh nghiệp, trong đó, có tất cả thông tin, lịch trình của công nhân lao động phục vụ cho quá trình khoanh vùng truy vết sau này.

Riêng về ngày bầu cử 23.5, Ban Quản lý các KCN-CX đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền công dân của mình.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền cho các xe ôm truyền thống về quy định phòng chống dịch. Các phương tiện phải có nước sát khuẩn và tuyệt đối từ chối khách không đeo khẩu trang.

Đối với xe ôm công nghệ, Sở Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp lưu trữ thông tin hành khách để thực hiện truy vết khi cần thiết.

Thông tin về ca bệnh mới tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, đại diện huyện cho biết bệnh nhân là V.V.H (nam, sinh năm 1997), địa chỉ tại thôn Hoàng Xá. Bệnh nhân ở chung tầng với 2 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung (hiện nay 2 trường hợp F1 này đã trở thành F0). Hiện huyện Thạch Thất đang điều tra cũng như khoanh vùng các trường hợp liên quan với ca bệnh.

Báo cáo tại phiên họp, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các địa phương có bệnh nhân F0, như xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín); phường Hạ Đình (Q.Thanh Xuân); phường Đông Ngạc (Q.Bắc Từ Liêm)… đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như khoanh vùng, phong tỏa tạm thời khu vực bệnh nhân ở, lập các chốt kiểm soát theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập"; đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung; lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp liên quan và xét nghiệm ngẫu nhiên nơi có nguy cơ...

Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch cho ngày bầu cử. Theo đó, tập huấn cán bộ phục vụ công tác bầu cử, trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn tại các khu vực bầu cử; tổ chức hòm phiếu phụ cho các đối tượng cách ly tại nhà…

Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Toàn thành phố còn 44 điểm phong tỏa với 24.436 người