Đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận 293.301 ca mắc COVID-19, trong đó 111.308 đã khỏi. Hiện có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị.

Sáng 18.8: Có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch, xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir tiếp theo

PV (tổng hợp) | 18/08/2021, 05:49

Đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận 293.301 ca mắc COVID-19, trong đó 111.308 đã khỏi. Hiện có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị.

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng  293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).

Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng. 

Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Đồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795).

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Có 4.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17.8 nâng tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi: 111.308 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17.8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Tổng số vắc xin COVID-19 đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.

Bộ Y tế xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir tiếp theo

Ngày 17.8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19. Đây là lần thứ 2 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Theo quyết định của Bộ Y tế, có 17 bệnh viện (các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19) và BVĐK Trung ương Cần Thơ và Sở Y tế các tỉnh TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp xuất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 trong đợt này.

Trước đó, ngày 8.8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP.HCM.

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 19.8 đến hết tháng 8, sẽ có thêm khoảng 330 nghìn lọ Remdesivir sẽ về TP.HCM.

Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup  nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng để chữa COVID-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5.2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

TP Thủ Đức cấp thuốc điều trị COVID-19 cho các phường

Theo Tổ công tác Bộ Y tế tại TP Thủ Đức (TP.HCM), địa phương này đã cấp thuốc điều trị COVID-19 cho hầu hết các phường trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thu dung cũng như tiêm chủng an toàn được đẩy mạnh.

Đã có nhiều phường của TP Thủ Đức bắt đầu sử dụng thuốc điều trị cho các ca nhiễm tại các khu thu dung như: Thảo Điền; Tam Bình; Linh Đông; Hiệp Bình Phước; Linh Chiểu; Linh Tây…

Qua theo dõi, đa số ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu thuyên giảm, các triệu chứng được cải thiện rõ rệt sau khi dùng thuốc. 

Tuy nhiên vẫn có một số ca bệnh có triệu chứng buồn nôn, rát vùng thượng vị khi sử dụng Methylprednisolon 16mg; ngoài ra chưa ghi nhận bất thường ở người sử dụng thuốc.

Bệnh cạnh việc cấp thuốc, 02 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 có chuyển biến nặng gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Thủ Đức đã điều trị khỏi bệnh cho tổng cộng trên 3.000 ca bệnh.

Đồng Nai: Tập trung kiểm soát lây lan dịch bệnh đến mức không còn ca F0 trên địa bàn

Theo chỉ đạo mới nhất của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, có 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cần phải tập trung thực hiện từ nay cho đến 31.8:

Thứ nhất là phải tập trung kiểm soát lây lan dịch bệnh đến mức không còn ca F0 trên địa bàn. Theo đó,  từ nay đến 31.8 phải thực hiện cho được mục tiêu sàng lọc hết các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Nếu đến 31.8, phường - xã, huyện - thành phố nào còn phát sinh F cao, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thất bại trong công tác phòng chống dịch.

Thứ hai là Ban chỉ đạo phải tập trung thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội và an ninh xã hội. Từng khu phố, ấp, phải tận dụng các nguồn lực để giúp dân có cái ăn trong thời điểm này.

Thứ ba là phải cứu người, giảm số ca tử vong. 

Thứ tư là là phải đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19. 

Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng ủng hộ và nghiêm túc chấp hành các quy định của về công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Bình Dương: Xây dựng thêm Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5D

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Quân khu 7 và các Sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Bình Dương triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D (BVDCTN) điều trị bệnh nhân Covid 19.

Theo đó, BVDCTN số 5D được xây dựng tại Khu B, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An) với quy mô 300 giường bệnh và khi cần thiết có thể nâng cấp mở rộng lên 500 giường.

Sau khi triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, bệnh viện sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế chưa đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi ở Bình Dương

Theo Bình Dương Online, ngày 17.8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi.

Theo Bộ Y tế, hiện số lượng vắc xin COVID-19 còn hạn chế tỉnh cần tập trung ưu tiên tiêm cho các đối tượng lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vắc phòng COVID-19 phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/NQ-CP của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 và Công điện số 1168/CĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Do đó, tỉnh cần ưu tiên tiêm trước cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu,...). Trong trường hợp có điều chỉnh về lứa tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau. Trước đó Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc xin chủ trương cho trẻ từ 12-18 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Được biết, ngày 14.8 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3877/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 21 và 22. Theo đó Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 250.00 liều vắc xin Astra Zeneca và 15.210 liều vắc xin Pfizer. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo ngành y tế huy động mọi nguồn lực để triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất và sẽ hoàn thành trong vòng 3 ngày.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 18.8: Có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch, xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir tiếp theo