Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương yêu cầu các bộ, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”

Lam Thanh | 17/08/2021, 10:54

Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương yêu cầu các bộ, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương vừa qua, Chính phủ nhận định đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là vốn ODA; xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng; việc làm, sinh kế của nhiều người dân bị ảnh hưởng lớn... Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2021 là rất nặng nề,

Trong tình hình đó, Chính phủ ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”.

Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn; miễn/giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn.

3-tai-cho.jpeg
Doanh nghiệp kêu khó trong việc thực hiện "3 tại chỗ" - Ảnh: Internet

Ngoài ra, nghị quyết này cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thu nợ thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Theo nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: cơ cấu lại các khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh… Trong đó, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay.

Một nội dung quan trọng khác là phải có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những địa phương có dịch; hỗ trợ, giải quyết việc làm đối với lao động bị mất việc do dịch bệnh phải trở về quê hương. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động, tạo thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Nghị quyết cũng giao các bộ, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp; bảo đảm thông suốt, giải tỏa nhanh hàng hóa, nhất là tại các khu vực cảng biển quốc tế trọng điểm; không để ách tắc trong lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Song song với đó, nghị quyết yêu cầu rà soát, đánh giá cụ thể tính hợp lý, sự phù hợp của các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ, quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải trong bối cảnh dịch bệnh (như các loại phí đăng kiểm xe, bảo trì đường bộ, phí dịch vụ tại sân bay, bến cảng, chi phí xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe, thời hạn đăng kiểm...) để báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án cắt, giảm phù hợp.

Nghị quyết này cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh COVID-19 sử dụng cho người đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Ngoại giao tiếp tục tập trung thực hiện “ngoại giao vắc xin”, tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ biên giới trên bộ, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi xuất nhập cảnh trái phép; tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dựa trên các phương thức kinh doanh mới, công nghệ mới, trên mạng internet, tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nghị quyết cũng giao Bộ KH-CN xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 như: sổ sức khỏe điện tử, sổ tay điện tử hướng dẫn phòng chống, điều trị COVID-19...

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu kiểm tra, hướng dẫn phương án phòng chống dịch, việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chi phí liên quan giúp doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch; chăm lo điều kiện ăn ở cho người dân, người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính để phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, nghị quyết này quy định tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên, rà soát để cắt giảm hoặc tạm dừng mua sắm trang thiết bị chưa cấp bách; chưa ban hành các phí, lệ phí mới đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Các đơn vị chức năng của địa phương cần hỗ trợ, tạo “luồng ưu tiên” cho các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân sự tham gia thi công dự dự án trọng điểm quốc gia (như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông...); ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham gia các dự án trọng điểm.

Ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, Chính phủ khuyến khích các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình để ban hành thêm các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người mất việc làm... do đại dịch COVID-19.

Bài liên quan
Bài toán chi phí với doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chi phí để thực hiện 3 tại chỗ rất lớn (ăn, ở, xét nghiệm, khử khuẩn…) nên chi phí sản xuất đội cao lên. Theo đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế cần phải hỗ trợ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”