Một câu chuyện gây nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây là việc tập đoàn Samsung ở Việt Nam đề xuất muốn tổng công ty Samsung đang đặt tại Việt Nam được xem như một doanh nghiệp Việt Nam nội địa, thay vì là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Samsung: Doanh nghiệp Việt Nam nội địa?

Một Thế Giới | 25/01/2016, 17:40

Một câu chuyện gây nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây là việc tập đoàn Samsung ở Việt Nam đề xuất muốn tổng công ty Samsung đang đặt tại Việt Nam được xem như một doanh nghiệp Việt Nam nội địa, thay vì là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Dù không đề cập trực tiếp, nhưng dĩ nhiên là nếu như đề xuất này được các cơ quan chức năng Việt Nam thông qua, thì Samsung sẽ nhận được những quy chế ưu đãi giống như các doanh nghiệp nội địa, chẳng hạn như quy định về thuế nhập khẩu. Nói cách khác, về cơ bản nó vẫn là một đề xuất xin thêm những ưu đãi từ phía chính phủ mà vốn dĩ Samsung đã nhận được quá nhiều, nhưng lại có không ít người Việt Nam ủng hộ chỉ vì ảo tưởng “Samsung sẽ là nhãn hiệu của Việt Nam”.
Đề xuất muốn Samsung được trở thành một doanh nghiệp Việt Nam nội địa được tổng giám đốc tổ hợp Samsung Complex là ông Han Myoung Sup đưa ra trong hội thảo “Tự hào hàng Việt”. Theo đó, vì Samsung đang là một trong những tập đoàn có mức đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam, và cũng đang là một trong những doanh nghiệp FDI đem lại mức xuất khẩu hàng hóa lớn, với tổng trị giá xuất khẩu khoảng 26,3 tỉ USD trong năm 2014 và khoảng 30 tỉ USD trong năm 2015; sản phẩm điện tử và điện thoại của Samsung sản xuất tại Việt Nam đã đi khắp thế giới với nhãn mác “Made in Việt Nam”. Samsung cũng đang là tập đoàn sử dụng lao động Việt Nam với số lượng lớn nhất trên toàn quốc. Với từng ấy lý do, ông Han Myoung Sup cho rằng Samsung xứng đáng được xem là một doanh nghiệp nội địa, một nhãn hiệu Việt Nam.
Trên thực tế, nếu coi Samsung là một doanh nghiệp nội địa thay vì là doanh nghiệp FDI, tập đoàn này sẽ nhận được những lợi ích lớn. Chẳng hạn như quy định về thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nội địa, trong đó tập đoàn này sẽ được phép tiêu thụ nội địa 10-15% sản phẩm theo phương thức kê khai, nộp thuế và chính sách quản lý đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa như doanh nghiệp trong nước. Hiểu một cách đơn giản, không ít các hàng hóa nhập khẩu để sản xuất sản phẩm của Samsung sẽ có mức thuế nhập khẩu bằng 0% một khi Samsung được coi là một doanh nghiệp nội.
Đây không phải là lần đầu tiên Samsung xin ưu đãi từ phía chính phủ, dù những ưu đãi dành cho tập đoàn này đã là quá nhiều. Gần đây nhất là việc tập đoàn này dựa vào vị thế doanh nghiệp FDI lớn để đưa ra 3 đòi hỏi chưa từng có tiền lệ, đó là một gói ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 30 năm kể từ khi có lợi nhuận, miễn thuế cho một dự án ở TP.HCM, và nhất là đòi hỏi có hẳn một cảng chuyên dụng ở Nội Bài để thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Tất cả những đòi hỏi này đã vượt quá những sự ưu ái vốn đã rất lớn mà Việt Nam dành cho Samsung. Đề xuất muốn trở thành một doanh nghiệp nội lần này của Samsung cũng không là ngoại lệ, có khác chăng là ẩn dưới một cái vỏ nhã nhặn hơn và nghe êm tai hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, có thể thấy Việt Nam đang có một cái nhìn quá đơn giản về các doanh nghiệp FDI, thông qua cách ứng phó với các doanh nghiệp này. Hầu hết các phát biểu của các quan chức về vai trò của khối FDI đều dừng lại ở những tiêu chí hết sức thô sơ, như giải quyết công ăn việc làm và đóng thuế cho nhà nước. Trong khi trên thực tế có rất nhiều tiềm năng và lợi ích mà chính phủ và nhà nước có thể khai thác từ các dự án đầu tư FDI, chẳng hạn như công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ và thậm chí là cả thuế suất như thuế VAT, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chẳng hạn như trong phát triển công nghiệp phụ trợ, hầu hết các quốc gia khi chấp thuận cho các dự án đầu tư FDI lớn của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, đều bắt buộc các tập đoàn này phải chấp nhận một số doanh nghiệp nội cung ứng linh kiện và thiết bị như một điều kiện để đầu tư. Nhưng ở Việt Nam thì không chỉ Samsung mà rất ít các dự án FDI lớn khác không phải chịu bất cứ ràng buộc nào tương tự. Điều này dẫn đến việc Samsung đang tìm cách đem vào Việt Nam những công ty cung ứng con, cháu của mình và loại phần lớn những nhà cung cấp Việt Nam dù có đủ năng lực trong chuỗi cung ứng của mình.
Đích thân tổng giám đốc Samsung Complex Việt Nam Han Myoung Sup tuyên bố điều kiện chủ chốt để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng của Samsung là phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vì Samsung là một tập đoàn hàng đầu thế giới và có những tiêu chuẩn cao về chất lượng. Nhưng chính ông này cũng cho biết các doanh nghiệp Việt Nam muốn gia nhập chuỗi cung ứng thì yếu tố hàng đầu là phải có “ý chí”, mà chẳng giải thích ý chí đó cụ thể là gì. Không ít các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng ý chí mà Samsung đề cập ở đây là vấn đề “quan hệ”, vì hầu hết các doanh nghiệp phụ trợ mà Samsung kéo sang Việt Nam đều có quan hệ mật thiết với Samsung, trong khi có không ít các doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cung cấp linh kiện máy móc đạt chất lượng mà Samsung yêu cầu lại không được nhận. Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp Việt Nam giữ vai trò nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung mới dừng lại ở con số 4, trong năm 2014 các tổ hợp Samsung ở Việt Nam xuất khẩu đạt mốc 26,3 tỉ USD trong khi mức đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 35 triệu USD, một con số quá thấp.
Vấn đề ưu đãi về thuế cũng gây không ít lo ngại. Trên thực tế các dự án FDI lớn như Samsung đang nhận được quá nhiều ưu đãi về thuế. Chẳng hạn như trong năm 2012, tổng mức nộp thuế vào ngân sách của Samsung chỉ là 680 tỉ đồng, trong khi số tiền thuế mà tập đoàn này được miễn giảm lên đến 2.524 tỉ đồng, gấp 4 lần mức nộp cho ngân sách. Những ưu đãi lớn đến như thế phải chăng là lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ồ ạt đến Việt Nam để đầu tư và đang giữ vai trò nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây.
Rõ ràng là những sự ưu đãi quá lớn này cần phải có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Khi mà Việt Nam được coi là điểm đến thu hút nhất với các nhà đầu tư trên toàn cầu kể từ năm 2016, thì Việt Nam đang có một vị thế cao hơn để lựa chọn cũng như đặt ra các yêu cầu cần thiết đối với các dự án FDI về công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ và thuế suất. Chúng ta đã không còn ở trong thế phải thu hút FDI bằng mọi giá để phải chấp nhận đưa ra những ưu đãi lớn như cách đây vài năm. Nếu cứ tiếp tục tư duy thô sơ là thu hút FDI chỉ để giải quyết công ăn việc làm và thu thuế ngân sách, thì Việt Nam sẽ mãi chỉ là một đất nước làm thuê, và tự hào với những cái bánh vẽ kiểu: Samsung là nhãn hiệu của Việt Nam.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Samsung: Doanh nghiệp Việt Nam nội địa?