Kể cả Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, chăn nuôi là ngành bất lợi nhất trong số 6 nhóm ngành hàng nông nghiệp Việt Nam sau hội nhập...

Cạnh tranh sao khi Việt Nam tốn 15-20 người để chăm 1.000 con lợn?

Một Thế Giới | 21/01/2016, 04:54

Kể cả Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, chăn nuôi là ngành bất lợi nhất trong số 6 nhóm ngành hàng nông nghiệp Việt Nam sau hội nhập...

Đối với các chuyên gia kinh tế, năm 2016 được xem là năm bản lề cho nền kinh tế Việt Nam khi đã đặt một chân lên bậc thềm hội nhập với việc hoàn tất thỏa thuận trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng.
Còn với các ngành nghề được dự đoán chịu tác động lớn thì năm 2016 là khoảng thời gian cần gấp rút chuẩn bị cho cuộc đọ sức toàn diện sắp diễn ra. Xét trên khía cạnh đó, ngành chăn nuôi Việt Nam đang bận rộn nhất, khi đây được xem là lĩnh vực sẽ chịu nhiều sức ép và thiệt thòi nhất sau khi TPP và các FTA đi vào hoạt động. 
Thậm chí, chăn nuôi Việt Nam còn được dự báo sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần. Nhưng trên thực tế, vẫn còn những hy vọng trước thềm TPP.
Một bức tranh bi quan
Không khó hiểu khi hầu hết các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam là đối tượng chịu nhiều sức ép nhất và đối mặt với nhiều bất lợi nhất sau khi TPP đi vào hoạt động. Kể cả Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, chăn nuôi là ngành bất lợi nhất trong số 6 nhóm ngành hàng nông nghiệp Việt Nam sau hội nhập. 
Đó là vì sự chênh lệch khủng khiếp về trình độ phát triển giữa ngành chăn nuôi Việt Nam và ngành chăn nuôi các nước thành viên TPP khác. Dù thực tế, hầu hết các ngành thuộc nền nông nghiệp Việt Nam đều lạc hậu hơn đáng kể so với nền nông nghiệp các nước khác trong TPP, nhưng sự chênh lệch trong ngành chăn nuôi lớn hơn tất cả.
Hầu như tất cả thông số cơ bản nhất trong ngành chăn nuôi đều thể hiện rõ điều này. Trước hết là chi phí và giá cả. Ở những mặt hàng trọng yếu nhất của chăn nuôi như thịt bò hay thịt gà, chi phí và giá thành của Việt Nam luôn cao hơn đáng kể so với sản phẩm của các nước khác trong TPP. Chẳng hạn, theo tính toán của Viện chăn nuôi, chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn trong nước là 2,08 USD, trong khi ở Mỹ là 1,41 USD; giá thành sản xuất 1 kg thịt bò trong nước là 2,53 USD thì ở Úc chỉ 1,77 USD. Một ví dụ khác là thịt gà công nghiệp, chi phí sản xuất ở Malaysia là 1,15 USD/kg, ở Thái Lan là 1,2 USD/kg, ở Ấn Độ là 1,1 USD/kg, ở Hàn Quốc là 1,34 USD/kg, còn tại Việt Nam tới 1,6 USD/kg.
Ngoài chi phí và giá thành, các chỉ số khác cũng không đứng về phía ngành chăn nuôi Việt Nam, chẳng hạn như năng suất. Nếu như ở Mỹ chỉ cần 1 công nhân để quản lý một nông trại nuôi 1.000 lợn thì ở Việt Nam phải cần đến 15-20 người. Để quản lý một trại gà 20.000 con ở Thái Lan chỉ cần 1 người, trong khi ở Việt Nam cần đến 4 người. 
Cùng với đó, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện đắt hơn so với các nước thành viên TPP khoảng 10%, chủ yếu do không có nguồn cung nguyên liệu trong nước, buộc phải nhập khẩu. Việt Nam đang phải nhập tới 90% lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu đạm như khô đậu tương, bột thịt xương, bột cá; Vitamin và các khoáng vi lượng thì nhập 100%.
Đó là lý do vì sao, ở thời điểm hiện tại, giá thành sản xuất các sản phẩm chủ đạo của ngành chăn nuôi như thịt bò, thịt lợn hay thịt gà ở Việt Nam đều cao hơn các quốc gia TPP khác khoảng từ 25-30%. Trong giai đoạn trước khi TPP đi vào hoạt động, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn tạm thời an toàn do các sản phẩm chăn nuôi nước ngoài vẫn bị áp thuế nhập khẩu khá cao, như thịt lợn 10-15% hay thịt gà 10-25%. 
Nhưng khi mà TPP đã đi vào thực hiện và hầu hết các loại thuế liên quan đều giảm về 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam chính thức lâm nguy. Theo tính toán, một kg thịt bò Úc sau khi trừ đi các chi phí về thuế, vận chuyển, kiểm dịch, phí giết mổ chỉ có giá thành khoảng 170.000-180.000 đồng/kg; trong khi giá 1kg thịt bò sản xuất trong nước không thấp hơn 200.000 đồng/kg, chưa kể chất lượng thịt bò nội lại không bằng thịt bò nhập khẩu của Úc.
Vẫn còn những hy vọng
Có nhiều lý do để giải thích sự chênh lệch quá lớn giữa ngành chăn nuôi Việt Nam và ngành chăn nuôi các nước khác trong TPP. 
Ngoài những lý do chung gây nên sự tụt hậu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam như sản xuất và chăn nuôi manh mún, thiếu dây chuyền sản xuất hiện đại quy mô lớn nên giá thành và chất lượng không thể cạnh tranh nổi với nước ngoài, thuế phí trong nước quá cao, một nguyên nhân chủ đạo tạo nên khoảng cách là Việt Nam không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này. 
Ví dụ về quỹ đất, con giống và thổ nhưỡng khí hậu. Hầu hết các cường quốc chăn nuôi trên thế giới như Mỹ hay Úc đều là những quốc gia có quỹ đất thuận lợi cho chăn nuôi ở quy mô khổng lồ, thổ nhưỡng khí hậu rất thích hợp cho những giống vật nuôi có chất lượng hàng đầu trên thế giới về sản lượng thịt và sữa...
Nhưng, không phải tất cả đều chỉ là một màu đen đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Vẫn còn những tia sáng hy vọng. 
Trước hết là về mặt thời gian. Sau khi đàm phán các điều khoản và quy định của TPP kết thúc, thời gian ước tính để tất cả các quốc gia phê chuẩn hiệp định này là từ 1-2 năm; sau khi đi vào thực hiện thì các cường quốc chăn nuôi cần phải mất khoảng 7-8 năm mới có thể chiếm lĩnh được thị phần, chủ yếu là do ngành chăn nuôi của các nước này cần thời gian để nâng cao quy mô sản xuất và mức cung ứng đủ lớn. Nghĩa là ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn sẽ còn khoảng 10 năm nữa để nỗ lực cải thiện.
Thực tế, cơ hội dành cho chăn nuôi Việt Nam tạo dựng được chỗ đứng tại trước hết là thị trường trong nước không phải ít. 
So với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn có những lợi thế nhất định. Ví dụ về thói quen sử dụng của người Việt Nam. Theo thống kê, người Việt Nam không ưa chuộng thịt bò nhập khẩu đông lạnh và nhiều mỡ, điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực thịt gà khi lượng tiêu thụ thịt gà công nghiệp chỉ bằng 2/3 lượng thịt gà thả vườn vốn ít mỡ hơn. 
Ngoài ra, phần lớn lượng sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam vẫn là ở các vùng ngoại ô và nông thôn, vốn thích hợp với thịt giết mổ tại chỗ hơn là thịt nhập khẩu đông lạnh vốn khó có điều kiện bảo quản tại các vùng này. Theo thống kê, khoảng 70% lượng thịt bò tiêu thụ tại Việt Nam hằng năm là ở các vùng ngoại ô và nông thôn, chỉ có 30% là tiêu thụ ở các thành phố lớn.
Chính vì thế, nếu như ngành chăn nuôi Việt Nam chuyển hướng sử dụng các dây chuyền hiện đại quy mô lớn để tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh vẫn khá rộng cửa. 
Vì dù có ưu thế về chăn nuôi quy mô lớn hơn, nhưng sản phẩm chăn nuôi của Mỹ hay Úc lại ít hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam, chưa kể dù thuế nhập khẩu giảm về 0% thì các chi phí về vận chuyển và giết mổ, kiểm dịch, của sản phẩm chăn nuôi ở các nước này vẫn sẽ là một khoản không nhỏ. Nếu ngành chăn nuôi Việt Nam có thể hạ giá thành nhờ sử dụng dây chuyền chăn nuôi hiện đại quy mô lớn, bất lợi về giá cả sẽ được thu hẹp đáng kể. 
Đó là lý do vì sao dù bị đánh giá là ngành chịu nhiều thiệt thòi nhất sau khi TPP đi vào thực hiện, ngành chăn nuôi hiện nay lại được các doanh nghiệp lớn trong nước để mắt đến và đầu tư với quy mô lớn, như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk hay gần nhất là BIDV.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạnh tranh sao khi Việt Nam tốn 15-20 người để chăm 1.000 con lợn?