Thật bất ngờ, đêm nhạc Saigon Rock Club Reunion của Câu lạc bộ Saigon Rock tổ chức nhân dịp Rocker, nhạc sĩ Hải Nguyễn từ Mỹ trở về giao lưu tại Bar Saigon Ranger đã đem lại rất nhiều cảm hứng và niềm vui cho những fan yêu Rock.

Rock Sài Gòn tại sao không?

DDVN | 04/11/2016, 06:20

Thật bất ngờ, đêm nhạc Saigon Rock Club Reunion của Câu lạc bộ Saigon Rock tổ chức nhân dịp Rocker, nhạc sĩ Hải Nguyễn từ Mỹ trở về giao lưu tại Bar Saigon Ranger đã đem lại rất nhiều cảm hứng và niềm vui cho những fan yêu Rock.

Và câu hỏi tại sao bao lâu rồi mới thấy Rock truyền lửa đam mê đúng nghĩa? Sài Gòn được mệnh danh là thành phố trẻ “300 năm”, náo nhiệt, nhịp sống sôi động bởi rất nhiều bạn trẻ hội tụ từ mọi miền đất nước về đây học tập, vui chơi và lập nghiệp. Vì thế, một trong những hình thái ngỡ rất hợp cho giới trẻ ấy chính là nhạc Rock.

Tuy vậy, thật ngạc nhiên khi biết Rock chưa thực thụ là một sân chơi phổ biến trong giới trẻ và vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển ở phía trước. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với Rocker Hải Nguyễn, Chủ nhiệm Saigon Rock Club xung quanh đề tài thú vị này. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: - Chào Rocker Hải Nguyễn! Được biết anh là một nhạc sĩ đã gắn bó rất lâu với sân khấu ca nhạc ở Sài Gòn. Anh từng là trưởng ban nhạc 126 nổi tiếng một thời.

Anh hãy giới thiệu về con đường chơi nhạc của mình?

Rocker Hải Nguyễn: Xin chào!Suốt chặng đường hơn 25 năm gắn bó với âm nhạc, tôi muốn giới thiệu một chút về những ngày đầu của mình.

Tôi đam mê âm nhạc từ lúc còn là một cậu bé, suốt ngày sống trong không gian âm nhạc là một chiếc máy hát đĩa than. Vào những năm đầu thập niên 70s, các nhạc cụ nhập ngoại là những gì rất xa vời với chúng tôi, nên chúng tôi gồm có người anh kế và 2 người bạn cùng xóm tự làm lấy các nhạc cụ cho mình bằng cách cắt chiếc thùng phuy làm hai (thùng đựng xăng hồi đó dành cho quân đội), và lấy những tấm lót áo giáp cũng của quân đội may nối lại thành mặt trống, cymbal thì kiếm những vật dụng linh tinh tạo thành. Anh tôi là người khéo tay nên có thể chế tạo thêm trống snare và một chiếc pedal, tôi thế là cùng với cây đàn thùng, ngoài giờ học chúng tôi đắm chìm vào những giai điệu Pháp nhẹ nhàng của Christopher, sau đó chuyển qua nhạc Mỹ Steppenwolf rồi thêm Deep Purple... và cứ vậy chúng tôi lớn lên bằng các giai điệu và các món đồ tự tạo như vậy.

* Âm nhạc thường gắn với việc giải trí, tìm sự cân bằng, làm thăng hoa tâm hồn mỗi người sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng liệu còn có ý nghĩa nào khác? Ví như nâng cao nhận thức và nghệ thuật chẳng hạn?

- Rất khó để giải thích tường tận âm nhạc là gì và vai trò của âm nhạc với đời sống ra sao, chỉ biết rằng âm nhạc có thể xoa dịu tâm hồn ta mỗi khi ta buồn chán, lau khô những giọt nước mắt hoen trên mi mỗi khi ta đau đớn, thấm đẫm tâm hồn mỗi khi ta cô đơn, là nơi chốn tìm về mỗi khi ta lạc lõng, và là cách để chuyển tải đến đám đông một cách hiệu quả nhất những điều ta muốn nói, cũng có thể nói rằng âm nhạc là một trong những phát minh vĩ đại nhất mà con người từng tạo ra.

* Nếu nhận xét “Sài Gòn đúng nghĩa phải là cái nôi nhạc Rock, nhạc trẻ?”. Theo anh nhận định này đúng hay sai? Tại sao?

- Rock là một hình thái âm nhạc mà giới trẻ có thể dùng để bày tỏ những xung đột trong tâm hồn, hay những bất cập trong cuộc sống trước mắt, và Sài Gòn là một thành phố trẻ năng động, tập trung nhiều người trẻ trên cả nước, với bề dày hoạt động âm nhạc trong quá khứ và là nơi có rất nhiều ban nhạc cho nên nói Sài Gòn là cái nôi của Rock cũng không sai. Tất nhiên còn nhiều thể loại âm nhạc khác cùng phát triển nơi đây.

* Được biết anh có ý định hình thành ban nhạc Rock Alpha sau thời gian dành cho công việc đệm đàn cùng ban nhạc ở các sân khấu? Tại sao anh chọn thể hiện Rock mà không là gì khác? Thành viên ban nhạc? Những tay rocker chính?

- Xin nói lại cho rõ, Tích Hà là người đầu tiên thành lập ban nhạc để chơi Rock trước từ năm 1986 với Tích Hà ở vị trí guitar, Hải Nguyễn chơi bass, Lam Đằng keyboard, Kim drum, thời gian này Tích Hà viết bài “Lãng quên” là bài original đầu tiên của ban nhạc, và theo những biến thiên của dòng đời, chúng tôi mới về chơi đàn ở vũ trường và các tụ điểm. Sau khi các bạn đi định cư ở nước ngoài, các vị trí mới được thay thế cho đến nay: Hà Phái Ngọc guitar, Hải Nguyễn bass, Minh Dũng keyboard, Quang Vinh drum, bổ sung thêm Đình Cường vocal. Khi ta trẻ, dòng máu nóng sùng sục sôi trong huyết quản, năng lượng tràn trề, ưa những gì mạnh bạo và ồn ào, Rock với ca từ gãy gọn, chất nhạc mạnh mẽ và nóng bỏng thật thích hợp với chúng tôi lúc đó, nên chúng tôi chọn Rock là lẽ đương nhiên. (Tích Hà bây giờ là Leader của ban nhạc The Headline, một ban nhạc rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Canada)

* Rock có phải là thể loại âm nhạc “đẳng cấp” không, theo anh? Về kỹ thuật ngón, giai điệu, về trình diễn? Những tên tuổi Rocker “đỉnh” nhất hiện nay theo nhận xét của anh?

- Rock cũng chỉ là một thể loại âm nhạc trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhân loại, và thể loại âm nhạc nào cũng đòi hỏi một sự khổ luyện để đạt tới một trình độ nhất định nào đó, cho nên không thể nói thể loại âm nhạc nào là đẳng cấp hơn. Rock chia ra rất nhiều nhánh mà cách chơi cũng như cách hát hoàn toàn khác hẳn, ở Việt Nam đất chật người ít nên các bạn trẻ cũng gói gọn trong vài thể loại như Classic Rock, Oldschool, Indie Rock, Heavy Metal, Alternative Rock, Nu Matel, Thrash Metal, Progressive Metal, Melodic Death Metal, Death Metal, Black Metal, Hardcore...

* Là người sáng lập Saigon Rock Club đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, anh có thể kể lại vài kỷ niệm từ ngày thành lập?

- Saigon Rock Club (SRC) được thành lập vào năm 2005, đến năm 2008 tôi đã phải cùng gia đình đi định cư ở Mỹ, trong 3 năm đó, chúng tôi đã tổ chức 2 Rock show lớn Đêm Saigon Rock 1 và 2, và 3 Rock show nhỏ hơn Metal Rainbow 1, 2 và 3. Năm 2006 sau khi thành lập và sinh hoạt được 1 năm, chúng tôi đã tổ chức show ra mắt Câu lạc bộ SRC tại sân Phan Đình Phùng, có sự tham dự của ban nhạc Bức Tường từ Hà Nội vào tham gia biểu diễn, show này có bán vé và thành công ngoài dự kiến với hơn 4.500 fans về dự. Năm sau 2007, chúng tôi tổ chức show lớn ở ngoài sân vận động Tao Đàn với 13 ban nhạc và hơn 10.000 fans về dự. Đây có thể nói là một Rock show lớn nhất và kéo dài nhất (6 tiếng) sau năm 75. Sài Gòn có 10 ban nhạc tham dự mà cho đến nay nhiều band không còn biểu diễn nữa: Rock Alpha, Da Vàng, Microwave, Atmosphere, Sagometal, Disgusted, End Of Road, Titanium, Lazzy Doll, Negative, Nuranium đến từ Hà Nội, Black Friday đến từ Huế, Đà Nẵng có Silent. Thời gian đầu gặp nhiều trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng bản thân thấy rất vui vì dù sao Rock cũng đã bước ra ánh sáng và được nhiều người biết đến hơn.

* Thời hoàng kim của Câu lạc bộ Rock có bao nhiêu band đã tham gia? Những kỷ niệm đáng nhớ khi giao lưu Rock cùng các câu lạc bộ của Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng?

- Kể từ ngày thành lập, thường khoảng 2-3 tháng chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt và kết nạp thành viên mới, chủ đề là thể loại nhạc mà các thành viên mới theo đuổi, rồi sau đó là buổi biểu diễn ra mắt của các bạn, mỗi buổi sinh hoạt như vậy cũng lôi kéo được khoảng hơn 100 fans đến dự, và đến 2008 chúng tôi đã có 12 ban nhạc là thành viên SRC. Có sự khác biệt là thời điểm trước khi SRC được thành lập, nhạc Rock chỉ chơi underground, tức là chỉ một số ít người mê Rock đến xem các buổi diễn hiếm hoi của các nhóm Rock, cho đến khi SRC được thành lập và ra mắt bằng một show hoành tráng với hơn 4.500 fans tham dự, cộng thêm ảnh hưởng của các báo, đài đưa tin, thì hầu như Rock đã có một chỗ đứng trong nền âm nhạc của thành phố Sài Gòn và cả nước, bằng chứng là sau đó thì Câu lạc bộ Rock Hà Nội được thành lập (HRC), rồi tới Đà Nẵng (DRC), Huế, Cần Thơ, Nha Trang, sau nữa là Đà Lạt. Sau sự kiện đó, các tỉnh thành đã biết đến SRC và mời các thành viên của SRC tham gia biểu diễn các lễ hội cấp quốc gia của họ như Festival Hoa Đà Lạt 12/2005, Festival Huế 2006, Lễ hội Cồng chiêng ĐakLak, Rock show Cần Thơ.

Tuy có vấp phải định kiến ở vài nơi, nhưng các buổi diễn vẫn diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt, các Rock fans ở Huế đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, khi nhận lời mời tham dự Festival Huế. Liệu có thích hợp không khi đem một chương trình nặng nề như vậy ra một nơi nổi tiếng là cổ kính, êm đềm như dòng Hương giang lững lờ trôi, và chúng tôi bay ra Huế với nỗi băn khoăn như vậy trong lòng. Tối đến khi bước ra sân khấu vừa mở màn bài đầu tiên là một biển người trước mặt chúng tôi bắt đầu sục sôi lên với sự cuồng nhiệt chưa từng thấy, họ cứ thế quậy tưng bừng cho đến bài cuối của chương trình trong cái nóng hầm hập của mùa hè miền Trung (lúc đó fans chưa biết Mosh pit). Mấy két nước chai dành cho ban nhạc để bên sân khấu đành phải phân phát hết cho các fan đứng gần đó vì thời tiết quá nóng, ước gì mình có đủ nước cho mọi người. Thật là một kỷ niệm đẹp mãi không phai trong tôi.

* Một số chương trình và dự án âm nhạc của anh và bạn bè Rocker dự định sẽ làm ở Mỹ để duy trì tình yêu âm nhạc và tương lai...

- Ở Mỹ công việc của tôi rất bận rộn và chiếm nhiều thời gian nên mỗi năm tôi chỉ có thể tổ chức một show, để chính là tụ họp các anh em lại chơi với nhau, Tích Hà mỗi năm đều bay qua họp mặt với anh em. Tôi đang có kế hoạch cho một show sắp tới tại Sài Gòn: SRC 14th Anniversary, có thể trong năm tới hoặc năm sau nữa để chuẩn bị tốt hơn. Cám ơn Rocker, nhạc sĩ Hải Nguyễn vì cuộc trao đổi về Rock rất thú vị và tâm huyết này! Chúc anh chị sức khỏe, thành công với các dự định âm nhạc sắp tới của mình.

Nguyễn Hữu Hồng Minh / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rock Sài Gòn tại sao không?