Hãng tin AP chỉ ra nhờ trang bị robot mà năng suất của nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh, qua đó giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái.
Khoa học - công nghệ

Robot giúp kinh tế Mỹ thoát nguy cơ suy thoái

Cẩm Bình 25/02/2024 13:09

Hãng tin AP chỉ ra nhờ trang bị robot mà năng suất của nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh, qua đó giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái.

Năm ngoái đơn vị sản xuất linh kiện dập kim loại Batesville Tool & Die phải tuyển dụng 70 lao động để đáp ứng nhu cầu cao từ khách hàng. Tuyển được người tại một cộng đồng nông thôn chỉ có 7.300 dân trên địa bàn bang Indiana là việc vô cùng khó khăn, đặc biệt khi phải cạnh tranh với hai đối thủ tên tuổi là Honda và Cummins Engine.

“Chỉ dùng ngón tay một bàn tay cũng đếm hết được số người thất nghiệp trong thị trấn. Thật điên rồ”, Giám đốc Batesville Tool & Die Jody Fledderman cho biết. Cuối cùng họ chỉ tuyển được 40 lao động.

Công ty đã trang bị robot có thể bắt chước người thật. Hệ thống thị giác trên robot cho phép theo dõi những gì chúng đang làm.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ khác cũng mạnh tay sắm robot như Batesville Tool & Die, khi tình trạng thiếu lao động kéo dài dai dẳng. Song song đó họ cũng đào tạo đội ngũ lao động hiện có cách sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất được nhiều hàng hơn với chi phí ít hơn. Hệ quả là năng suất tăng vượt mong đợi, thúc đẩy kinh tế đất nước tăng trưởng tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, bất chấp lãi suất cao thường gây ra suy thoái.

Với giới chuyên gia kinh tế, năng suất tăng mạnh giống như “liều thuốc thần kỳ”. Sản lượng mỗi giờ của lao động cải thiện khi doanh nghiệp triển khai công nghệ mới, nhờ vậy doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận và tăng lương mà không phải tăng giá bán, lạm phát có thể được kiểm soát.

robot00.jpg

Lý giải cho “cú ngược dòng” của kinh tế Mỹ

Nhà kinh tế Joe Brusuelas (công ty tư vấn RSM) cho biết: “Lần gần nhất chúng tôi thấy tình trạng như vậy là vào cuối những năm 1990”. Thời kỳ đó năng suất tăng nhờ máy tính xách tay, điện thoại cùng internet được sử dụng rộng rãi, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức thấp vì lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát mặc dù kinh tế cùng thị trường việc làm tăng trưởng nóng.

Ở lần này, Fed tăng lãi suất đến 11 lần để kéo lạm phát giảm từ 9,1% xuống 3,1%. Tuy nhiên lãi suất cao đem đến không ít khó khăn cho nền kinh tế.

Một năm trước nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái là không thể tránh khỏi. Chủ tịch Fed Jerome Powell năm 2022 cũng cảnh báo nỗ lực kiềm chế lạm phát sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Vậy mà tháng trước ông lại đưa ra nhận định khác: “Chúng ta có một thị trường lao động rất mạnh mẽ và lạm phát đang giảm”. Fed vẫn chưa hạ lãi suất, nhưng họ tin rằng lạm phát sắp giảm về mức mục tiêu 2%.

Lý giải hợp lý nhất chính là năng suất cao hơn của doanh nghiệp như Batesville Tool & Die trong năm qua. Theo nhà kinh tế Sal Guatieri (công ty tài chính BMO Capital Markets): “Phần lớn áp lực lên tài chính doanh nghiệp - yếu tố buộc họ tăng giá bán - đã bị vô hiệu hóa bởi tăng năng suất”.

Thời kỳ trước đại dịch, tốc độ tăng năng suất hằng năm chỉ ở mức khiêm tốn 1,5%. Mọi thứ thay đổi khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái bởi đại dịch bằng tăng trưởng mạnh bất ngờ, doanh nghiệp chạy đua tuyển lại lao động họ sa thải. Thiếu hụt lao động khiến tiền lương tăng vọt. Lạm phát cũng tăng theo do doanh nghiệp, bến cảng chịu sức ép trước số lượng đơn hàng tiêu dùng ngày càng nhiều. Trong cảnh không tuyển được nhân công, hàng loạt công ty tiến hành tự động hóa. Đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D) cùng các hình thức sở hữu trí tuệ khác bắt đầu tăng tốc.

“Trái ngọt” đến vào khoảng một năm trước. Tốc độ tăng năng suất từ 3,6% (quý 2/2023) lên 4,9% (quý 3/2023) trước khi giảm về 3,2% (quý 4/2023).

Giám đốc điều hành đơn vị sản xuất linh kiện máy móc Reata Engineering & Machine Works Grady Cope cho biết: “Với chúng tôi năng suất là điều bắt buộc. Nhưng công ty không thể tuyển dụng đủ nhanh giữa thời điểm thị trường việc làm bùng nổ, mà khách hàng lại chẳng muốn trả nhiều tiền hơn”.

Vì vậy công ty quyết định trang bị robot cùng nhiều công nghệ tiên tiến khác để sản xuất được nhiều hàng hơn với chi phí ít hơn. Giờ đây phần mềm phụ trách gửi báo giá trong vòng 24 giờ thay vì tốn 2 tuần như trước.

Giới chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hy vọng năng suất tiếp tục tăng, với động lực thúc đẩy tiềm năng là trí tuệ nhân tạo (AI). AI chỉ mới bước đầu thâm nhập văn phòng, nhà máy, kho hàng, đóng vai trò trợ lý. Các công ty đang tìm hiểu xem trí tuệ nhân tạo còn có khả năng đảm nhiệm thêm công việc gì nữa.

Ba học giả Erik Brynjolfsson (Đại học Stanford), Danielle Li và Lindsey Raymond (Viện Công nghệ Massachusetts) qua nghiên cứu 5.200 nhân viên hỗ trợ khách hàng tại một công ty lớn hàng đầu nước Mỹ ghi nhận người sử dụng chatbot AI tạo sinh làm việc hiệu quả hơn đồng nghiệp không dùng khoảng 14%. Họ xử lý nhiều cuộc gọi hơn đồng thời hoàn thành chúng nhanh hơn. Chatbot cung cấp gợi ý trao đổi với khách hàng cũng như trích dẫn tài liệu nội bộ hữu ích.

Tự động hóa không có nghĩa máy móc cướp mất việc làm của con người. Lịch sử đã chứng minh tiến bộ công nghệ tạo ra nhiều việc làm hơn. Cần có con người để chế tạo, nâng cấp, sửa chữa và vận hành máy móc phức tạp. Lao động sẽ được đào tạo cho công việc này.

Tại Reata Engineering & Machine Works, công nhân tiếp nhận khóa đào tạo sử dụng số thiết bị mới. Một lao động 19 tuổi dùng công cụ AI đơn giản hóa tài liệu phục vụ công tác đào tạo.

Bên cạnh robot, người lao động được hạnh phúc hơn cũng cứu kinh tế Mỹ. Thiếu hụt lao động cho phép họ lựa chọn, tìm đến công việc có mức lương cao hơn, do đó họ hạnh phúc và làm việc hiệu quả.

Kiệt sức với công việc của một cảnh sát, cư dân bang Michigan Justin Thompson bèn chuyển sang làm quản lý vận hành cho một hãng bay mặc dù chẳng có kinh nghiệm ở lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên kinh nghiệm phụ trách hậu cần lúc còn phục vụ cho thủy quân lục chiến của ông lại trở nên hữu ích. Công nghệ cũng giúp ông rất nhiều: Thompson làm việc thông qua máy tính xách tay, iPad, máy in di động cùng phần mềm. Ông đang rất hài lòng.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Robot giúp kinh tế Mỹ thoát nguy cơ suy thoái