Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 5.10 đồng ý cắt giảm mạnh sản lượng dầu là động thái được cho sẽ giúp Nga có lợi thế trước các nước EU.

Quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC buộc EU ‘nối lại tình xưa’ với Nga?

Hoàng Vũ | 06/10/2022, 14:55

Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 5.10 đồng ý cắt giảm mạnh sản lượng dầu là động thái được cho sẽ giúp Nga có lợi thế trước các nước EU.

Theo Newsweek, động thái diễn ra bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước đề nghị OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá năng lượng toàn cầu. Trước đó, giá dầu đã giảm từ 120 USD xuống khoảng gần 90 USD chỉ trong vòng 3 tháng, giữa lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất cơ bản tại Mỹ tăng và đồng USD tăng giá. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tăng mạnh trở lại.

Ả Rập Saudi, nước lãnh đạo thực tế của OPEC, nói rằng việc giảm khai thác 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 2% tổng lượng cung toàn cầu, là cần thiết khi phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu yếu đi. Trong tháng 8, sản lượng khai thác dầu thô của OPEC thấp hơn kế hoạch khai thác khoảng 3,6 triệu thùng/ngày.

Quyết định này được đưa ra vài tháng sau khi nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt đối với dầu xuất khẩu của Nga. Mỹ trước đó nhiều lần kêu gọi OPEC không cắt giảm sản lượng. Washington cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu hiện không thuận lợi cho quyết định cắt giảm sản lượng.

Các chuyên gia nhận định, quyết định của OPEC đã gây áp lực ngày càng lớn đối với các quốc gia đã ban hành lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga và do đó, người dân châu Âu có thể chứng kiến ​​vật giá còn tăng cao hơn nữa. Giá cả leo thang có thể thổi bùng căng thẳng chính trị khi các quốc gia EU vốn đang vật lộn để tìm ra giải pháp và thậm chí có khả năng cân nhắc “dỡ bỏ” các lệnh trừng phạt với Nga.

“Hãy thử nhìn xem châu Âu đã được gì khi trừng phạt Nga. Nhiều nước EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga với hy vọng làm giảm lợi nhuận từ việc bán dầu của Moscow và do đó dẫn đến giảm nguồn lực cho cuộc chiến tại Ukraine”, Igor Lukes, giáo sư Đại học Boston (Mỹ), chuyên gia về lịch sử và quan hệ quốc tế nói với Newsweek.

Lukes dự đoán rằng các quốc gia gần Nga sẽ bị thiệt hại nhiều hơn những quốc gia khác, vì phải phụ thuộc vào dầu của Nga. Điều này sẽ dẫn đến một cách tiếp cận phân cực rõ ràng ở châu Âu, với một số quốc gia hoàn toàn phản đối hành động của Nga và những quốc gia khác tiếp tục ủng hộ Điện Kremlin.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối cuộc chiến của Nga và thậm chí yêu cầu ngừng bắn, nhưng ông sẽ không đi xa bằng việc thực hiện các lệnh trừng phạt. Orban từ chối thực hiện các biện pháp trừng phạt do Hungary phụ thuộc rất nhiều vào dầu khí của Nga. Theo một bài báo của ABC News, các nhà lãnh đạo Hungary cho biết một cuộc tẩy chay dầu mỏ Nga của EU sẽ tàn phá nền kinh tế của nước này và "phá hủy nguồn cung cấp năng lượng ổn định của Hungary".

Các chuyên gia khác tin rằng một số quốc gia châu Âu có thể “dọa” bỏ lệnh trừng phạt với Nga để hy vọng thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) có hành động mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các gói hỗ trợ trong bối cảnh giá cả tăng cao. Bằng cách đe dọa hủy bỏ các lệnh trừng phạt Moscow, các nước EU có thể khuyến khích EC cung cấp viện trợ, chẳng hạn như trợ cấp cho các quốc gia đang thiệt hại về kinh tế khi áp đặt lệnh trừng phạt.

Đức trước đó đã công bố khoản trợ cấp trong nước đối với nhiên liệu để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Elizabeth Carter, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire (Úc), không phải tất cả các nước châu Âu đều có đủ tiềm lực thực hiện các biện pháp tương tự. Do đó, các quốc gia EU này sẽ phải sử dụng “việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga” để thuyết phục EC can thiệp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ gặp các nhà lãnh đạo EU trong tuần này để thảo luận về việc áp giá trần khí đốt với hy vọng làm suy yếu chi phí năng lượng ngày càng tăng. Hầu hết các thành viên EU ủng hộ mức trần nhưng những nước khác như Đức, Đan Mạch và Hà Lan lo ngại mức trần có thể đe dọa nguồn cung.

Phó giáo sư Đại học American (Mỹ) Bill Davies cho biết, việc Đức trở nên phụ thuộc vào năng lượng của Nga và mối quan hệ của Hungary với Moscow đã ngăn cản EU có một cách tiếp cận thống nhất. Thêm vào đó, việc OPEC cho sản lượng dầu giảm có thể làm trầm trọng thêm cục diện EU đang bị chia rẽ.

“OPEC+ cắt giảm nguồn cung, điều đó sẽ làm gia tăng những căng thẳng vốn đã diễn ra giữa các nước thành viên EU. Điều này sẽ làm tổn thương các nền kinh tế châu Âu và gây áp lực lên sự gắn kết của châu Âu”, Davies nhận định.

Ông Davies tin rằng việc này có thể dẫn đến mối quan hệ thắt chặt trong các nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "Một quan điểm tích cực hơn có thể là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn dự trữ dầu của Mỹ có thể giúp đoàn kết cộng đồng NATO", ông nói.

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC buộc EU ‘nối lại tình xưa’ với Nga?