Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (TTDBKTTV TƯ), cơn bão số 7 có tên quốc tế là Sarika sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh Đông Bắc Bộ. Ngay cuối ngày 17.10, hai tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng đã họp bàn công tác phòng, chống bão số 7.
Quảng Ninh: Dừng tất cả các cuộc họp để chỉ đạo phòng, chống bão số 7
Cuối giờ chiều ngày 17.10, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 7 (Sarika). Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá đây là một cơn bão mạnh và có diễn biến phức tạp, do vậy sau khi UBND tỉnh họp với Chính phủ triển khai công tác phòng, chống, UBND tỉnh đã ban hành Công điện và phân công các lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương. Ông Long yêu cầu, sau cuộc họp này, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình để triển khai các phương án phòng, chống trên tinh thần đôn đốc, kiểm tra là chính.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là cơn bão có sức gió mạnh, đúng vào thời điểm nước triều cường và đổ bộ vào đêm nên nguy hiểm lớn đến tài sản, tính mạng con người. Quảng Ninh lại là địa phương có nhiều đê, vùng trũng, thấp, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn, do vậy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến hệ thống đê diều trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó đồng chí đặc biệt lưu ý đến hệ thống đê Hà Nam, các tuyến đê tại Vân Đồn, Tiên Yên...
Đối với các phương tiện tàu thuyền, ông Đọc chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi, kêu gọi các phương tiện đánh bắt cá xa bờ nhanh chóng tìm nơi tránh, trú bão; dừng cấp phép các phương tiện ra khơi, vận chuyển khách du lịch tham quan trên Vịnh và ra các tuyến đảo; vận động người dân chằng buộc, gia cố các bè nuôi trồng thủy sản; di dời người dân trông coi tại các lều trại, bè nuôi trồng thủy sản vào bờ; hỗ trợ nhân dân chằng buộc nhà cửa, di dời người dân tránh xa các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá, những khu vực trũng thấp ven biển; đảm bảo an toàn cho lao động tại các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đọc cũng yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương tập trung chỉ đạo, tuyên truyền về hướng đi của cơn bão số 7 trên hệ thống thông tin báo, đài, loa phát thanh tại các thôn, khu để người dân chủ động phòng, chống; các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan; các Bí thư các địa phương chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy về công tác chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 7. Đồng thời, ông Đọc cũng yêu cầu các lãnh đạo tỉnh, các thành viên trong BTV Tỉnh ủy được phân công theo dõi địa bàn trực tiếp chỉ đạo, nắm tình hình công tác phòng, chống bão tại các địa phương.
Ngoài ra, ông Đọc cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang huy động lực lượng tại chỗ, thường trực đảm bảo quân số, phương tiện hỗ trợ nhân dân phòng, chống bão; cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng tham gia ứng cứu.
Ông Đọc nhấn mạnh: “Bão số 7 có hướng di chuyển phức tạp, sức gió mạnh, do vậy, tỉnh sẽ dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai chỉ đạo công tác phòng, chống bão”.
Cũng trong chiều ngày 17.10, Quảng Ninh đã thành lập 6 đoàn công tác do đích thân các lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 7.
Hải Phòng: yêu cầu khẩn trương thu hoạch lúa mùa
Tại Hải Phòng, cũng trong chiều 17.10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ trì cuộc họp với các ngành, đơn vị và lực lượng chức năng thành phố bàn biện pháp phòng chống cơn bão số 7, cơn bão này được đánh giá là mạnh nhất năm 2016 dự kiến đang có khả năng đổ bộ vào Hải Phòng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng đã có Công điện chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó bão số 7. Theo Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố, đến thời điểm hiện tại đã tổ chức kiểm đếm và thông báo cho 2.740 phương tiện (với 8.069 lao động), 741 lồng bè (với 1231 lao động) về tình hình và diễn biến của cơn bão số 7 để chủ động tránh trú.
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ đã chỉ đạo đưa toàn bộ thuyền nan lên bờ tránh bão trước 10 giờ30 ngày 17.10.2016; vận động tuyên truyền 283 lượt phương tiện về đất liền tránh bão; đưa 88 phương tiện (với 79 lao động) về đất liền tránh bão.
Các quận, huyện trên địa bàn đều đã thông báo và huy động tối đa nguồn lực để khẩn trương thu hoạch diệc tích rau màu và lúa mùa đã chín, tiêu cạn nước trên hệ thống kênh mương; chủ động triển khai các phương án đối phó với bão số 7, đặc biệt là các địa bàn có khu nhà cao tầng đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập khi có bão; chú trọng đảm bảo an toàn cho các công trình…
Ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: Hiện lúa mùa đã chín được 60 - 70% nhưng bà con mới thu hoạch được khoảng 20 đến 30%, do đó các ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện Công điện chỉ đạo của UBND thành phố; bên cạnh đó cần huy động tối đa các nguồn lực khẩn trương hỗ trợ bà con nhân dân thu hoạch diện tích lúa, rau màu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đặc biệt các doanh nghiệp có công nhân là con em vùng nông thôn ưu tiên bố trí cho các công nhân này được nghỉ để về nhà hỗ trợ gặt lúa.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trước 17 giờ ngày 18.10.2016 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, cấm biển dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển trước 17 giờ 18.10.2016.
Chủ tịch đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn hệ thống đê, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mực nước đệm trong hệ thống thủy lợi, thoát nước đô thị. Trước 15 giờ ngày 18.10.2016 phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khu nhà xung yếu và lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố dự kiến sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 19.10.2016. Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.
Theo thống kê, thành phố dự kiến sẽ huy động 43.641 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, PCTT&TKCN; huy động 1048 xe ô tô các loại, 532 tàu xuồng, 23 xà lan, 54 máy phát điện, 210 phao bè, 923.165 chiếc bao tải cát, lương thực, thuốc men, lều bạt… chủ động sẵng sàng ứng phó bão số 7.
Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn mưa từ200-300mm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 22 giờ ngày 17.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 22 giờ ngày 18.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 150N và từ Kinh tuyến 107,0E đến Kinh tuyến 115,0E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên: phía Bắc Vĩ tuyến 16N và phía Đông Kinh tuyến 108,5E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ đêm nay (17.10), ở phía Đông Vịnh Bắc Bộ bắt đầu có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-10, giật cấp 11-12; sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 22 giờ ngày 19.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-12.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15; sóng biển cao từ 4-6m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu nhanh.
Cảnh báo từ đêm 18.10 đến gần sáng ngày 20.10 sẽ xuất hiện mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn: 200-300mm/cả đợt.
Nam Phong