Hai xã Phương Mỹ, Phương Điền (Hương Khê) là vùng “rốn lũ” của Hà Tĩnh và người dân nơi đây quá quen với việc “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, đó là lũ lụt tự nhiên, còn lụt do thủy điện xả gấp thì người dân bị đưa vào thế bị động hoàn toàn.

Tại rốn lũ Hương Khê: Hố Hô xả lũ khiến dân chạy vắt giò lên cổ

Trí Lâm | 16/10/2016, 15:42

Hai xã Phương Mỹ, Phương Điền (Hương Khê) là vùng “rốn lũ” của Hà Tĩnh và người dân nơi đây quá quen với việc “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, đó là lũ lụt tự nhiên, còn lụt do thủy điện xả gấp thì người dân bị đưa vào thế bị động hoàn toàn.

Lũ lên quá nhanh!

Thời điểm này, nhiều xã của huyện Hương Khê vẫn bị cô lập, xung quanh mênh mông nước lũ. Đường sá, hoa màu hiện nằm sâu dưới hơn 3 mét nước và chưa biết bao giờ nước rút vì hiện tại vẫn đang mưa lớn. Nước ngập nhà, người dân lóp ngóp trèo lên trú ẩn tại gian gác nhỏ giáp mái, sống dựa vào số lương thực ít ỏi được tích trữ. Còn số vật nuôi ít ỏi không bị lũ cuốn trôi được nhốt trong chuồng phao, nổi theo nước.

Phương tiện di chuyển duy nhất của người dân cũng như các đoàn cứu trợ trong những ngày này là thuyền. Nước sạch, mì tôm, đồ ăn… được chuyển đến từng gia đình một cách khó khăn. Nhiều gia đình cho biết nếu thời tiết tiếp tục mưa, gió thì họ sẽ hết thức ăn trong vài ngày tới.

Lũ ngập sát nóc nhà dân

Nhớ lại trận lũ hôm qua, bà Hồ Thị Kiều, xóm 6, xã Phương Điền vẫn chưa hết bất ngờ. Bà Kiều cho biếtngày 14 mưa lớn và khoảng 11 giờ đêm nước lên. Khi đó chồng và con trai bận đưa đàn gia súc vào khu đồi cao tránh lũ, một mình bà ở nhà dọn đồ đạc, đóng bè. Tuy nhiên, nước lên quá nhanh, một thân một mình cuống cuồng thu dọn nên không cứu hết được đồ đạc và vật nuôi.

“Ở đây năm nào cũng có lũ nhưng chậm. Năm nay do thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, không theo lịch nên nước lên quá nhanh, người dân phản ứng không kịp. Giờ đây chỉ biết ngồi ở nhà nhìn lũ và mong lũ rút sớm chứ không làm gì khác được. Giờ mà nước lên cao hơn nữa thì cả nhà phải đi vào rừng, bỏ lại tất cả vì nhà chỉ cao đến mức này thôi” – bà Kiều nói.

Căn gác mái chỉ chừng 5m2 là nơi sinh hoạt và tập kết đồ đạc của người dân những ngày lũ

Anh Nguyễn Văn Đại ởxã Phương Điền cũng cho biết: “Mưa quálớn, khoảng 2 giờ sáng nước đã lên cao và người dân đánh kẻng gọi nhau chạy lũ trong mưa gió và rất lạnh. Phải nói rằng nước lũ năm nay lên nhanh không tưởng được, rất ghê gớm. Gió lớn nên thuyền đi lại cũng hết sức khó khăn. Người dân trắng đêm chạy lũ, rất gian nan”.

“Tôi có vườn bưởi khoảng 100 cây và bây giờ thì đã ngập hết dưới lũ, thiệt hại rất nhiều. Ở đây thì nhiều gia đình cũng bị thiệt hại như vậy. Chúng tôi mong muốn thủy điện xả lũ cần phải có thông báo để người dân có thể chủ động trong việc di chuyển, hạn chế được thiệt hại” – anh Đại nói.

Anh Nguyễn Văn Thiện (Phương Mỹ, Hương Khê) đã sống ở căn giáp mái nhỏ hẹp, chất đầy đồ đạc vài ngày nay chia sẻ: “Khi biết lũ về, tôi gọi người nhà nhanh chóng chạy lũ nhưng nước lên quá nhanh, nhiều đồ đạc không kịp cứu. Nhưng nguy hiểm nhất là những người già, nếu cứ để tình trạng này tiếp tục xảy ra thì sẽ rất nguy hiểm. Vài ngày tới, nếu nước lũ vẫn dâng cao thì việc duy trì cuộc sống sẽ khó khăn bởi thiếu nước sạch và lương thực”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền xác nhận điều này và cho biết, do thủy điện xã lũ khiến cho nước dâng quá nhanh, người dân đánh kẻng kêu nhau chạy lũ nhưng không thể chạy kịp. Hiện nay, chính quyền xã đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để hỗ trợ người dân.

Do thủy điện xả lũ

Hầu hết người dân và chính quyền các xã đều xác nhận việc lũ lên nhanh chính là do thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, người dân không biết thông tin để chủ động.

Ông Nguyễn Văn Minh thông tin, chỉ mấy tiếng đồng hồ nước ngập khắp nơi nhưng để nước rút thì mất cả tuần, có khi lâu hơn. Việc xả lũ bất ngờ này chính quyền không hề được biết và hoàn toàn bị động. Trong khi đó, phía thủy điện chưa hề có ai lên tiếng chia sẻ, thăm hỏi bà con bị nạn.

“Người dân nơi đây sống với lũ đã quen, tuy nhiên, nhà máy thủy điện xả lũ bất ngờ thì họ không bao giờ chủ động được” – ông Minh nói.

Ông Nguyễn Đức Ninh ở xãPhương Điền cho biếtchạy lũ trong tình huống bất ngờ rất vất vả và nguy hiểm. Rất mong muốn phía thủy điện khi xả lũ có giải pháp thông báo hữu hiệu để người dân có thể chủ động chạy lũ kịp thời, tránh được thiệt hại. Dân đã nghèo mà cứ mỗi lần chạy lũ lại chịu thiệt hại thì rất mệt mỏi, chưa nói đến những nguy hiểm về tính mạng. Do đó, việc xả lũ của nhà máy thủy điện cần phải có trách nhiệm hơn.

Ông Nguyễn Đức Ninh (xã Phương Điền, H.Hương Khê) trèo mái nhà để nhận đồ tiếp tế

Khoảng 17 giờ ngày 14.10, nhà máy thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước. Lập luận của phía nhà máy thủy điện là nếu không xả lũ sẽ có nguy cơ vỡ đập và việc xả lũ này tiếp tục đúng quy trình.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên thủy điện này khiến người dân “vắt chân lên cổ” chạy lũ. Năm 2010, 2012, 2013 việc xả lũ bất ngờ đã khiến người dân chạy không kịp, có năm nước ngập lút mái nhà.

Còn đây là trường học. Nhiều công sở, nhà dân cũng rơi vào cảnh tương tự

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cũng xác nhận rằng việc xả lũ của thủyđiện Hố Hô không hề có thông báo với chính quyền địa phương dù đã có quy định nhà máy phải thông báo bằng văn bản trước.

Theo ông Huấn, đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại cho phó chủ tịch huyện vào buổi chiều nên địa phương bị động. Khi chưa mưa thì không xả, lại xả lúc mưa lớn khiến nước dâng nhanh, huyện đề nghị dừng xả từ 1-2 tiếng cho nước rút bớt nhưng nhà máy không chấp thuận.

Giải pháp nào cho dân vùng lũ?

Theo Chủ tịch xã Phương Điền, những ngày lũ về, chính quyền xã, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đã cùng nhau hỗ trợ người dân. Cán bộ xã trực tiếp đến thăm hỏi, đưa đồ cứu trợ cho nhiều gia đình; trụ sở xã, trạm y tế, trường học là nơi tạm trú cho những nhà dân bị ngập.

Cùng với đó, chính quyền xã cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trực 24/24, cấp thuốc khử trùng và có giải pháp để chống dịch bệnh khi lũ rút, ổn định lại đời sống. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ứng cứu cấp bách, vấn đề là phải giúp cho người dân thoát khỏi cảnh lũ hoặc sống chung được với lũ một cách an toàn.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biếtgiải pháp tốt nhất là tái định cư và trong những năm qua, địa phương đã di chuyển được hơn 60 hộ. Còn nhiều hộ tại đây không di chuyển được vì khu tái định cư cách xa vùng đất đai canh tác, trong khi tập quán của người dân là gắn với đất đai canh tác. Đây là bài toán khó.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền, Hương Khê đi trao đồ cứu trợ cho người dân vùng lũ

Như vậy, những hộ dân không thể tái định cư cần có giải pháp để sống chung với lũ. Khảo sát của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới cho thấyhầu hết những người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đều mong muốn cho nhà vượt lũ để chu động hơn, giảm thiệt hại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng để thực hiện điều này không hề đơn giản.

“Nhà vượt lũ thì xã Phương Mỹ có 50 cái, Phương Điền có 11 cái. Chỉ những hộ nghèo mới được Chính phủ hỗ trợ xây nhà với mức 7 – 8,4 triệu đồng trong khi giá thành mỗi nhà vượt lũ khoảng 40 triệu đồng. Đối với những gia đình không thuộc diện hộ nghèo thì phải tự túc, ngân sách xã cũng không đủ” – ông Minh nói.

Một vấn đề khá quan trọng là nước sạch. Ông Minh cho rằng đây là điều rấtkhó, trong khingười dân rất cần nước sạch. Những ngày này, người dân phải bơi thuyền đi xa, đựng nước vào can để đem về sinh hoạt một cách tiết kiệm. Ông Minh mong muốn được các cấp quan tâm, hỗ trợ cho người dân, chứ sức của xã thì khó làm được điều này.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại rốn lũ Hương Khê: Hố Hô xả lũ khiến dân chạy vắt giò lên cổ