Dự án khơi thông sông Cổ Cò chảy qua địa phận 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 1.245 tỉ đồng. Hai địa phương đã tổ chức họp bàn và thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam trước tháng 9.2020.

Quảng Nam - Đà Nẵng chốt phương án khơi thông sông Cổ Cò

22/04/2019, 15:49

Dự án khơi thông sông Cổ Cò chảy qua địa phận 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 1.245 tỉ đồng. Hai địa phương đã tổ chức họp bàn và thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam trước tháng 9.2020.

Một đoạn sông Cổ Cò chảy qua Đà Nẵng

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn về tình hình phối hợp giữa hai địa phương trong dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng thuộc danh mục các dự án của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp khoảng 245 tỉ đồng cho đầu tư công trung hạn.

Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTVT và các đơn vị liên quan triển khai các bước chuẩn bị đầu tư của dự án; dự kiến trong tháng 5 sẽ phê duyệt tất cả hồ sơ.

Về phía Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết dự án sông Cổ Cò dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 340 tỉ đồng.

Qua trao đổi tại buổi làm việc, hai địa phương thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam trước tháng 9.2020.

Đối với các công trình hạ tầng hai bên bờ sông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng hai địa phương cần thống nhất các chuẩn thiết kế kỹ thuật như: thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông… đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông khu vực này. Đồng thời cần có sự hài hòa, tương đồng trong thiết kế các cầu qua sông và hệ thống kè, trên tiêu chí đề cao tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.

Ủng hộ các đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng việc đồng bộ trong thiết kế hạ tầng, cảnh quan dọc tuyến và kế hoạch khai thác lòng sông Cổ Cò giữa Đà Nẵng và Quảng Nam là vô cùng cần thiết.

Ông Chinh đề nghị các sở, ngành chức năng của 2 địa phương phối hợp làm việc, đề xuất phương án chung thống nhất trên toàn tuyến nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường sông.

Tại cuộc họp, 2 địa phương cũng thống nhất phương án thành lập Ban điều phối dự án khơi thông sông Cổ Cò do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm đồng trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chức năng có liên quan của 2 địa phương.

Lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam chốt phương án khơi thông sông Cổ Cò

Con sông quan trọng

Sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam), được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cả hai địa phương. Con sông này từng là tuyến đường thủy an toàn nối liền phố cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng trong những thế kỷ trước.

Hiện nay, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn được thông suốt như trước kia. Tuy vậy, trong các quy hoạch liên quan của Đà Nẵng và Quảng Nam, sông Cổ Cò đều đóng vai trò rất quan trọng.

Chẳng hạn, trong quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quy mô 2.700 ha (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, sông Cổ Cò được định vị là khu vực ranh giới phía Đông, đồng thời là điểm nhấn để góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khi dòng sông này được nạo vét khơi thông.

Quy hoạch cũng nêu rõ: “Khai thông hệ thống sông Cổ Cò từ Cửa Đại (Hội An) đến Non Nước và sông Hàn (Đà Nẵng) làm trục không gian chủ đạo của đô thị, tạo mặt nước và hành lang cây xanh, vùng cảnh quan và nghỉ ngơi cho đô thị”.

Tiếp đến, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể 2.600ha không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An. Mục tiêu của quy hoạch nhằm định hướng phát triển không gian trọng tâm và kết nối các không gian còn lại, làm cơ sở phát triển hạ tầng hai bên bờ sông, gồm ba trọng điểm chính và hai khu vực phụ trợ.

Theo đó, khu A là khu vực phát triển khu phức hợp, thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn); khu B thuộc khu vực An Bàng, phường Cẩm An, TP.Hội An và khu C thuộc khu vực Cồn Tiến, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. Hai khu vực phát triển kết nối gồm khu D, thuộc khu vực ngã ba Thống Nhất, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn và khu vực bãi tắm Cửa Đại hiện hữu, thuộc phường Cửa Đại, TP.Hội An.

Khu vực phát triển du lịch chiếm gần 1.200ha, các khu đô thị mới 433,5ha, các khu vực cây xanh trung tâm hơn 205ha…

Đối với Đà Nẵng, vai trò sông Cổ Cò cũng được đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt là việc kết nối tuyến du lịch sông nước từ sông Hàn vào đến sông Thu Bồn - TP.Hội An thông qua sông Cổ Cò.

Năm 2012, lãnh đạo TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất kế hoạch đầu tư tập trung, dứt điểm khớp nối quy hoạch 600m đoạn sông Cổ Cò nằm trên địa giới hành chính của hai địa phương. Tuy nhiên sau đó, mới chỉ có một số đoạn thuộc địa bàn Đà Nẵng được tiến hành khơi thông.

Đến giữa năm 2017, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã tiến hành triển khai thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò với chiều dài 14km. Trong đó, chiều dài qua địa bàn TP.Hội An là 9,5km, chiều dài còn lại đi qua thị xã Điện Bàn.

Tin, ảnh: Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Nam - Đà Nẵng chốt phương án khơi thông sông Cổ Cò