Bộ Tài chính đề xuất thu phí đối với nước thải sinh hoạt là 15% thay vì 10% trên giá bán của 1 mét khối nước sạch đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn…

Đề xuất tăng phí nước thải sinh hoạt với cơ sở rửa xe, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện

18/04/2019, 18:10

Bộ Tài chính đề xuất thu phí đối với nước thải sinh hoạt là 15% thay vì 10% trên giá bán của 1 mét khối nước sạch đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn…

Ảnh minh họa từ Internet

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Theo đó, Bộ này đề xuất chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm.

Cụ thể, đối với các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm sẽ phải đóng phí 2 triệu đồng/năm. Cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm đến dưới 10m3/ngày đêm phải đóng phí 1,5 đồng/năm. Còn cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm phải đóng phí 1 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, một số địa phương như Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang cho rằng quy định cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Bởi vì nước thải của những cơ sở này "có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn".

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định căn cứ vào quy định hiện hành, trường hợp nước thải của cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn.

Về miễn phí phí nước thải sinh hoạt, quy định sẽ miễn thu phí đối với trường hợp nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí).

Tuy nhiên, một số địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp nước tuần hoàn. Tỉnh Hòa Bình cho rằng việc miễn phí đối với nước thải của nhà máy thủy điện (gồm cả nước thải từ hoạt động của đơn vị quản lý thủy điện) là không hợp lý. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng không cần quy định miễn phí đối với trường hợp này.

Đáng lưu ý, quy định cũng đề ra mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án. Trong đó, phương án 1: Giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Phương án 2, quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Riêng mức phí áp dụng đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn là 15% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, HĐND cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thu được năm 2016 là 1.287 tỉ đồng, năm 2017 là 2.102 tỉ đồng, góp phần tăng cường kinh phí cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Bộ Tài chính đánh giá số thu này mới đáp ứng một phần yêu cầu bảo vệ môi trường từ nước thải gây ra (phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải), mà chưa có nguồn để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.

Đánh giá tác động cụ thể hơn của dự thảo đối với thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định về cơ bản các đề xuất sẽ không điều chỉnh tăng mức thu phí, do đó cơ bản số thu ngân sách không tăng.

Theo cơ quan này, đối với các cơ sở có lượng xả thải thấp dưới 20m3/ngày hiện nay rất khó thu vì phải nộp chung một mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm, dẫn đến phản ứng của đối tượng này là không nộp, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ trong các làng nghề, hoặc có quy mô hộ gia đình là không thu được.

Vì vậy, việc quy định đóng phí cố định theo các mức khác nhau áp dụng đối với cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày sẽ đảm bảo tính khả thi, bình đẳng hơn trong nghĩa vụ nộp phí của từng nhóm đối tượng xả thải, góp phần tăng thu ngân sách từ đối tượng này.

Đối với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng, Bộ Tài chính cho biết dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ thu phí cho các Sở TN-MT ở địa phương thu phí đối với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng tương tự như cơ chế thu phí đối với nước thải sinh hoạt sẽ bao quát đối tượng chịu phí và sẽ có tác động tích cực đối với ngân sách địa phương từ quy định mới này.

Đặc biệt, đối với các cơ sở rửa, sửa chữa ôtô, xe máy khi bị áp dụng riêng mức phí thay vì tính chung theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán nước sạch sinh hoạt đầu vào dự kiến sẽ làm tăng số thu phí từ đối tượng này tại địa phương.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tăng phí nước thải sinh hoạt với cơ sở rửa xe, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện