Rừng bần ngập mặn ở hai thôn Hòa Bình, Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) bị tàn sát không thương tiếc khiến người dân bức xúc, lo lắng, sợ sạt lở, bị lũ cuốn. Nhiều người đấu tranh thì bị dọa nạt, đòi trả thù, trong khi cấp xã buông lỏng quản lý khiến rừng bị bức tử.

Quảng Bình: Ai bức tử rừng bần?

14/08/2017, 05:21

Rừng bần ngập mặn ở hai thôn Hòa Bình, Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) bị tàn sát không thương tiếc khiến người dân bức xúc, lo lắng, sợ sạt lở, bị lũ cuốn. Nhiều người đấu tranh thì bị dọa nạt, đòi trả thù, trong khi cấp xã buông lỏng quản lý khiến rừng bị bức tử.

Năm 2016 xã kiểm tra để đền bù sự cố môi trường biển và xác nhận không có hồ nuôi trồng thủy sản

Phá rừng đào ao vì tin đồn đền bù?

Đoạn sông Kiến Giang chảy qua xã Tân Ninh được trồng bần thành rừng để che chắn làng từ hàng trăm năm nay. Mỗi người dân sinh ra ở đây đã được giáo dục cách giữ gìn từng cây bần để đối phó với mưa lũ hằng năm. Ông Trần Ngọc Chuyển cho biết: “Nếu không có rừng bần thì thôn Hòa Bình hay Quảng Xá cũng khó tồn tại được. Nhờ có rừng bần mà cả hai làng trù phú”. Nhưng chẳng may, cánh rừng ngập mặn xung yếu, có cảnh quan đẹp lại đang bị tàn sát không thương tiếc.

Ông Dương Quang Huỳnh, người có hồ nuôi cá tự khoanh trong rừng bần cho biết: “Không biết ai đồn là đào ao hồ xong cứ khai bị nhiễm độc, ảnh hưởng bởi Formosa là được đền bù nên người ta ra đào ồ ạt”. Cụ ông Nguyễn Văn Dược bức xúc: “Họ phá kiệt bần, ra nói làm như vậy là sai, đừng phá bần mà trôi nhà trôi người vào mùa lũ, kẻ phá quát nạt rồi nói trồng lại lo gì. Họ ngoạm cả vào đê quốc gia, rứa mà địa phương không xử lý gì cả, nhìn rừng bần bị bức tử mà xót xa vô cùng”. Bà Nguyễn Thị Mãn cho hay, đền bù do Formosa gây ra đã hết rồi, các hộ này có đào lên thì cũng không ai đền được. Cứ nghe tin đồn mà phá nát rừng bần làm hại cả làng là thất đức.

Năm 2017, rừng bần bị phá tan hoang vì tin đồn có đền bù từ Formosa

Một cán bộ UBND xã Tân Ninh cho biết, có 12 hộ ra đào hồ nuôi trồng thủy sản trong vòng một tháng nay. Họ đồn đoán cứ có hồ là được đền bù, nhưng chứng thực niêm yết của xã cuối năm 2016 đã nói rõ những hộ này có giấy tờ cấp mặt nước nuôi thủy sản nhưng khi đi thực tế là không có hồ nên không thể bồi thường. Qua tìm hiểu, được biết 12 hộ của Hòa Bình, Quảng Xá phá rừng ngập mặn đắp hồ là có thật. Họ được UBND huyện Quảng Ninh cấp phép nuôi cá từ năm 1994 đến 2014 là hết hạn, có hộ đến năm 2015. Trong thời gian này, trong số 12 hộ này có hộ nuôi, có hộ không nuôi, không đào đắp hồ, đùng một cái thì mới đây họ đào ồ ạt, tàn sát rừng bần chỉ vì tin đồn vu vơ.

Tại khu vực hiện trường, hàng chục hồ nuôi trồng thủy sản được đào sơ sài, qua loa, mục đích không phải để nuôi mà với một dụng ý khác dẫn đến nhiều hồ đào cạn, nhiều hồ đào qua loa, đắp đê không chắc chắn, không đúng kỹ thuật nuôi trồng khiến bần bị triệt hạ, chết trụi hàng loạt.

Nhiều hồ đào không theo quy cách hồ nuôi trồng thủy sản

Dọa người trồng 5.000 cây bần

Cụ Nguyễn Văn Cử (ở thôn Hòa Bình), người đi đầu trồng bần và giữ bần cho biết: “Tui bảo vệ bần kiên cường lắm nhưng vẫn bị dọa giết. Hồi trước, tui trồng trong vùng Hà cạnh sông Kiến Giang 300 cây, thôn trả thù lao 50.000 đồng, ở phía ngoài sông Kiến Giang tui trồng gần 5.000 cây, xã thù lao 500.000 đồng. Tiền không lớn nhưng công lao của tui, của dân làng Hòa Bình hay Quảng Xá thì lớn lắm. Rứa mà bây chừ lần hồi từng năm người ta cứ phà dần, phá mòn bức tường bảo vệ làng như vậy”. “Cách đây mấy năm, bần cao vút, thân cây hai người ôm không xuể, người ta đào hồ, khoanh bần lại, tui ra bảo vệ bần họ nói bần của làng chứ của ông đâu mà dám. Một mình tui làm không nổi với họ, nhiều lần tui làm mạnh, đám phá bần dọa giết, trả thù, rồi ném mìn xuống hồ cá nhà tui. Có năm tui thề “đổ máu” với chúng”, cụ Cử chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mãn ở thôn Quảng Xá thì nói: “Phản ánh phá rừng bần cứ lo sợ cán bộ gây đủ thứ chuyện khi cần lên xã chứng thực giấy tờ. Nhiều người cũng ngại như rứa, nhưng chừ họ phá quá khiếp, phá còn hơn cả trận bão lớn mấy năm trước thì sức đâu mà bảo vệ làng trước thiên tai mùa lũ sắp tới nên ai cũng phản ứng”. Còn ông Nguyễn Văn Được cho biết: “Chúng tôi yêu cầu bảo vệ rừng bần ngập mặn là để cả làng an toàn chứ không phải vì mục đích nào khác. Ngày trước chỉ cần chặt một cành thôi đã bị phạt. Nếu không bảo vệ rừng bần bên sông Kiến Giang một cách nghiêm túc thì mất làng như chơi”.

Ông Lài, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh cho biết: “Việc phá rừng bần kéo dài nhiều năm, nhiều người đứng ra phản đối, kiến nghị bao nhiêu lần mới có đoàn về kiểm tra thì tình hình lắng xuống nhưng kẻ phá bần lại tiếp tục khi thấy ít động tĩnh. Người đấu tranh bảo vệ bần nhiều lúc bị cô lập, như tôi đây cũng từng bị đe dọa”.

Nhiều hộ cho đào hết hệ sinh thái dưới bần

Trách nhiệm đến đâu?

Khi đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, ông nhận lỗi việc quản lý không chặt chẽ, chưa sâu sát tình hình khiến việc phá rừng bần diễn ra một tháng trời. Tuy nhiên, về tin đồn đào hồ để chờ Formosa đền bù thì ông Thọ bác bỏ vì cho rằng việc đền bù đã thực hiện xong. Nhưng nhiều người dân đánh giá việc này đang bị lãnh đạo xã né tránh với lý do trách nhiệm chính trị là phải đảm bảo an toàn trật tự trên địa bàn trong và sau khi đền bù do Formosa gây ra. Nay xuất hiện tin đồn này, cấp ủy và chính quyền xã Tân Ninh phải giải trình nguyên nhân trước cấp trên nên chối bay đi.

Ngoài ra, ông Thọ cho biết xã đã đình chỉ việc đào hồ nuôi trồng thủy sản, kiểm kê lại số bần hiện tại. Chết cây nào thì các hộ dân phải trồng lại cây đó. Những hộ dân có diện tích đất chỉ 1.000 m2 mà đào lên 5.000 m2 phải hoàn trả lại mặt bằng, trồng bần lại đúng vị trí.

Có hộ đào lấn đến 5.000 m2 hồ mà không bị xử lý

Ông Thọ thừa nhận có 12 hộ dân đã hết hạn được nhà nước giao đất 20 năm, có hộ hết hạn từ năm 2014, có hộ hết hạn năm 2015. Nghĩa là các hộ này hết quyền sử dụng đất đã 3 năm trở lại đây nhưng chính quyền địa phương không tiến hành rà soát, không có thông báo cho các hộ dân, không giám sát chặt chẽ khiến cho việc phá rừng bần diễn ra như ở chốn không người.

Ông Thọ nói lý do không biết việc phá rừng bần ngập mặn là do mỗi ngày đi làm từ sớm, tối mịt mới về; trong khi đó các hộ phá bần là láng giềng trong xóm nhà ông, nơi bần bị phá cách nhà ông chỉ mấy trăm bước chân.

Anh Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Bình: Ai bức tử rừng bần?