Theo các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu mới đây đã có thể trả lời câu hỏi, tại sao trong các khu rừng xích đạo ẩm ướt của vùng Amazon, các cơn mưa thường bắt đầu sớm hơn 2-3 tháng so với thời điểm những cơn gió mùa bắt đầu mang lại không khí ẩm từ đại dương tới.
Hóa ra, cây cối trong các khu rừng tự tạo ra độ ẩm cần thiết để có mưa. Các dữ liệu vệ tinh cho thấy rằng việc tăng độ ẩm trong không khí trùng với việc tăng số lượng lá màu xanh trong rừng rậm Amazon. Các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng độ ẩm được đưa vào không khí từ các cây cối. Theo đó, nước bốc hơi liên tục qua các lỗ khí - cơ quan đặc biệt nằm chủ yếu ở mặt dưới lá cây.
Để chứng minh điều này, nhà khí hậu học Rong Fu ở trường Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) cùng các đồng nghiệp đã tiến hành quan sát bằng vệ tinh Aura của NASA. Vệ tinh này được thiết kế để nghiên cứu bầu khí quyển của Trái đất.
Cây cối nhận nước từ đất và lá cây gây bốc hơi nước mà không làm thay đổi thành phần đồng vị của nước. Trong khi đó, nước bốc hơi từ bề mặt của đại dương chứa đơteri (deuterium) ít hơn đáng kể (đơteri là các nguyên tử hydro mà trong hạt nhân có không chỉ proton mà cả neutron). Các phân tử nước như vậy bốc hơi kém hơn. Kết quả là hơi nước từ rừng cây nặng hơn một chút so với hơi nước xuất hiện trên các đại dương. Các thiết bị của vệ tinh Aura có thể ghi nhận được sự chênh lệch đó.
Như vậy, nhà khí hậu học Rong Fu và các đồng nghiệp đã nhận thấy không khí phía trên rừng Amazon có hơi nước chứa nhiều đơteri hơn so với trong khối không khí đến từ đại dương. Nồng độ tối đa của đơteri được quan sát thấy ở cuối của mùa khô trước khi những cơn mưa bắt đầu.
Theo các nhà khoa học, những cơn mưa do cây cối khởi xướng bắt đầu gây ra một phản ứng dây chuyền. Sau khi bắt đầu mưa, không khí nóng lên và tăng cường lưu thông. Điều này gây ra những thay đổi trong các hướng gió và đưa không khí ẩm ướt từ đại dương vào.
Vũ Trung Hương