Hơn 50 nhà lãnh đạo quốc phòng hôm 20.1 đã không đạt được thỏa thuận để gửi xe tăng cho Ukraine.

Phương Tây bế tắc trong việc thúc giục Mỹ, Đức gửi xe tăng cho Ukraine

Hoàng Vũ | 21/01/2023, 11:00

Hơn 50 nhà lãnh đạo quốc phòng hôm 20.1 đã không đạt được thỏa thuận để gửi xe tăng cho Ukraine.

Theo AP, các lãnh đạo NATO và khoảng 50 quốc gia khác đã dự hội nghị "Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine" tại căn cứ không quân Ramstein (Đức) trong ngày 20.1 để bàn về việc viện trợ vũ khí cho Kyiv. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận cung cấp xe tăng nào bởi sự do dự của Berlin.

Việc không đạt được thỏa thuận theo yêu cầu khẩn cấp từ Ukraine đã làm lu mờ các cam kết từ một số quốc gia - bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ và NATO phủ nhận bất kỳ sự bất đồng nào, đồng thời ca ngợi Đức vì những đóng góp về đào tạo và vũ khí rộng rãi cho Ukraine.

hop-gui-xe-tang.png
Các lãnh đạo NATO và bộ trưởng quốc phòng của nhiều quốc gia đã dự hội nghị "Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine" tại căn cứ quân sự Ramstein của Đức hôm 20.1 - Ảnh: AP

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm 20.1 cho biết 15 quốc gia sở hữu xe tăng Leopards của Đức đã thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Ông gọi cuộc họp là một "cuộc thảo luận tốt giữa các đồng minh" và cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận lại trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Đức sẽ cần phải đồng ý để xe tăng Leopards được trao cho Ukraine. Bất chấp lời kêu gọi từ các quan chức Ukraine, Đức cho đến nay vẫn chống lại áp lực gia tăng nhằm nhanh chóng cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kyiv, hoặc ít nhất là dọn đường cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Ba Lan, chuyển giao chúng từ kho dự trữ của chính họ.

Khi được hỏi về việc liệu Đức đã “làm đủ” cho Ukraine chưa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trả lời: “Có, nhưng tất cả chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa”. “Họ là một đồng minh đáng tin cậy và họ đã như vậy trong một thời gian rất dài. Và tôi thực sự tin rằng họ sẽ tiếp tục là một đồng minh đáng tin cậy trong tương lai”, ông nói.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hạ thấp tầm quan trọng trước mắt của xe tăng, lưu ý rằng các phương tiện chiến đấu Stryker và xe bọc thép Bradley của Mỹ đang được gửi đến sẽ mang lại cho Ukraine những khả năng mới trong cuộc chiến.

Về phần mình, phát biểu trước các phóng viên bên ngoài hội trường sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình càng sớm càng tốt”.

Pistorius cho biết ông đã lệnh cho Bộ Quốc phòng Đức xem xét kho xe tăng để có thể chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng được bật đèn xanh và có thể “hành động ngay lập tức”. “Đức sẽ cân bằng tất cả những ưu và nhược điểm trước khi chúng tôi quyết định những điều như thế. Tôi rất chắc chắn rằng sẽ có một quyết định trong thời gian ngắn nhưng tôi không biết quyết định đó sẽ như thế nào”, ông Pistorius nói thêm.

Ông Pistorius nói rằng các ý kiến ​​giữa các đồng minh còn trái chiều về vấn đề chuyển giao xe tăng cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh việc coi Đức đang “cản đường liên minh thống nhất” là “sai lầm”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Pistorius cũng bác tin Đức sẽ duyệt đề nghị tái xuất xe tăng Leopard 2 cho Ukraine nếu Washington đồng ý cung cấp M1 Abrams cho Kyiv. Ông Pistorius khẳng định Đức không đơn phương ngăn đồng minh chuyển Leopard cho Ukraine.

Mỹ trước đó đã từ chối cung cấp xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, viện dẫn những thách thức về hậu cần, bảo trì rộng rãi và phức tạp với các phương tiện công nghệ cao. Washington tin rằng sẽ hiệu quả hơn nếu gửi Leopard của Đức vì nhiều đồng minh có chúng và quân đội Ukraine sẽ cần ít huấn luyện hơn so với những chiếc Abrams.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc triển khai xe tăng phương Tây sẽ gây ra những hậu quả "tiêu cực rõ ràng".

“Tất cả các xe tăng này sẽ cần cả bảo trì và sửa chữa... vì vậy việc gửi chúng sẽ làm tăng thêm các vấn đề của Ukraine, nhưng sẽ không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến việc phía Nga đạt được mục tiêu của mình”, ông Peskov cho biết tại một cuộc họp báo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây bế tắc trong việc thúc giục Mỹ, Đức gửi xe tăng cho Ukraine