Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển ".
12 chỉ tiêu cho năm 2021
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28.12, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa 15; là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
Chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Phó thủ tướng cho hay nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội…
Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba
Trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép".
Theo đó, Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp diễn biễn dịch với phương châm “4 tại chỗ”. Chú trọng thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để.
Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã quán triệt chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường; chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Đồng thời chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai sớm các giải pháp cấp bách kiểm soát hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên diện tích lúa bị thiệt hại năm 2020 chỉ bằng 9,6% so với năm 2016…
Năm 2020, trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa từng có tiền lệ về tài khóa, tín dụng, bảo hiểm xã hội, giảm giá điện, giá cước viễn thông; Tăng cường bảo hộ công dân, tổ chức các chuyến bay đón hơn 75.000 người Việt Nam về nước an toàn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ luôn kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ; Khơi thông xuất khẩu, duy trì mức xuất siêu tăng dần qua các năm; xuất siêu kỷ lục năm 2020 dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch…
Cùng với đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, điển hình là ngành công nghiệp ô tô.
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng
Chính phủ đã đổi mới tư duy, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng kiến tạo, tạo hành lang, khuyến khích phát triển, một văn bản sửa nhiều văn bản, cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, ban hành văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ.
Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác rà soát mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản.
Song song với đó, ban hành cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài…
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Chính phủ tập trung hoàn thiện khung pháp lý; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm bớt chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế.
Chính phủ cũng quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân;tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong phối hợp xử lý công việc chưa cao; thiếu quyết liệt, chậm phản ứng trước những vấn đề phát sinh.
Năm 2021: 8 trọng tâm chỉ đạo, 185 nhiệm vụ
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển " và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Cụ thể là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá 15 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật.
Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, thu hút mạnh mẽ đầu tư; Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao; Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế…