Ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh lý về sàn chậu, nhất là sa sàn chậu. Theo đánh giá của các chuyên gia sở dĩ sự gia tăng về tình trạng mắc bệnh sa sàn chậu do sự thiếu hiểu biết của phụ nữ, cùng với đó là sự chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe của mình với căn bệnh trên.
Tại Hội nghị sàn chậu học TP.HCM lần thứ 13 với chủ đề“Phẫu thuật sửa chữa sa sàn chậu” diễn ra vào chiều 2.11, các chuyên gia y tế cho rằng sa sàn chậu đang là nỗi ám ảnh lớn của phụ nữ sau sinh.
Sa sàn chậu bao gồm: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng..., nhất là sa bàng quang gây ra tình trạng són tiểu ở phụ nữ sau sinh. Cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu.
Trong khi đó phụ nữ bước vào tuổi 40 tình trạng bị sa các cơ quan trong vùng chậu cũng đang gia tăng rất mạnh. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng...
“Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng căn bệnh sa sàn chậu ở phụ nữ là do những thói quen không tốt, sự thiếu hiểu biết và chủ quan trong việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe”, một chuyên gia về sản phụ khoa cho biết.
Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, trong 5 năm gần đây, "sàn chậu học" chính thức được công nhận là 1 chuyên ngành riêng trong y học và bắt đầu có những bước tiến vượt trội trong liệu pháp chẩn đoán và điều trị.
Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu cũng đã thay đổi hoàn toàn. Do đó tại một số bệnh viện chuyên khoa sản, niệu hiện nay đã triển khai các kỹ thuật nâng đỡ sàn chậu với ứng dụng Laser Er Yag. Đây được xem là bước tiến mới trong y khoa, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ bị bệnh. Rối loạn chức năng sàn chậu xuất hiện ngày càng nhiều ở phụ nữ khi cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Việcchọn lựa thủ thuật "trẻ hóaphụ khoa" bằng thiết bị laser ra sao là điều mà các bệnh nhân luôn quan tâm.
Hồ Quang