Hy vọng việc nới lỏng các hạn chế đi lại sẽ thúc đẩy thương mại du lịch nội địa của Trung Quốc vào mùa hè này đã trở thành cơn ác mộng với hàng chục ngàn khách du lịch sau các vụ phong tỏa nhanh chóng trên khắp đất nước - từ Tân Cương đến đảo nhiệt đới Hải Nam - khiến họ mắc kẹt.
Đại dịch dường như lắng xuống khi bắt đầu kỳ nghỉ học vào tháng 7 và chính quyền các cấp đã tránh khuyến nghị ở tại chỗ từng đưa ra trong hai mùa hè qua với hy vọng rằng sự phục hồi của du lịch sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế sau các đợt phong tỏa hà khắc ở Thượng Hải cùng các thành phố lớn khác.
Do đó, khách du lịch đã đổ đến các điểm nóng trong kỳ nghỉ, những đường phố và cửa hàng một lần nữa nhộn nhịp với du khách nhưng sau đó lại xảy ra một loạt các đợt bùng phát dịch liên quan biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao trên khắp đất nước.
Song không giống những năm trước, chính quyền địa phương đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nhanh chỉ vì ghi nhận một số ca COVID-19 sau khi các biện pháp tương tự đã ngăn chặn đợt bùng phát dịch ở thành phố Thâm Quyến vào tháng 3.
Những đợt phong tỏa này thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, nhưng có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng, khiến khách du lịch không chắc khi nào hoặc bằng cách nào họ có thể về nhà.
Cissy Zhu (32 tuổi, giáo viên tiểu học đến từ thủ đô Bắc Kinh) lo sợ sẽ mất việc khi trở thành một trong số hàng chục ngàn du khách bị mắc kẹt ở Hải Nam sau đợt phong tỏa nhanh trên đảo nhiệt đới mà không có thông báo nào vào ngày 6.8.
Giáo viên trên khắp đất nước bị cấm đi du lịch trong kỳ nghỉ học như một phần sự kiểm soát COVID-19, nhưng Cissy Zhu cho biết cô từng không rời Bắc Kinh trong hơn 2 năm rưỡi và “không thể cưỡng lại sự cám dỗ của một tuần dài kỳ nghỉ ở bãi biển sau khi con gái cầu xin hàng tháng trời”.
Gia đình 5 người của Cissy Zhu đến Tam Á vào ngày 31.7, một ngày trước khi dịch bệnh bùng phát trong thành phố.
“Tôi rất háo hức khi bắt đầu một kỳ nghỉ nhiệt đới. Vào ngày hôm sau, tôi choáng váng trước lệnh của chính quyền cấm chúng tôi rời khỏi khách sạn. Nó là sự kiện đột ngột, hoàn toàn bất ngờ", Cissy Zhu nói.
Tam Á hiện có 11.000 ca mắc COVID-19, hơn một nửa trong số đó không có triệu chứng và ban đầu tất cả chuyến du lịch ra khỏi tỉnh đều bị cấm, khiến 150.000 du khách bị mắc kẹt ở đó, theo hãng tin Tân Hoa xã.
Du khách phải tự sắp xếp, trả tiền cho chỗ ở của mình và với việc nhà chức trách chỉ đảm bảo chỗ ở bằng nửa giá, họ có nguy cơ hết sạch tiền.
Sau 7 ngày lưu trú, Cissy Zhu và gia đình cô chuyển đến một khách sạn rẻ hơn để tiết kiệm tiền. “5 người chúng tôi phải ở trong một căn phòng rộng 20 m2 thêm 8 ngày nữa”, Cissy Zhu nói.
Các nhà chức trách bắt đầu cho phép khách du lịch rời Hải Nam và Cissy Zhu cuối cùng có thể bắt chuyến bay về nhà vào ngày 22.8 sau khi thực hiện hơn 15 bài xét nghiệm COVID-19.
Trong thời gian phong tỏa, Cissy Zhu lo lắng rằng cô có thể mất việc nếu không thể trở lại hai tuần trước khi năm học bắt đầu vào ngày 1.9. Ngay cả bây giờ, cô vẫn lo lắng: “Dịch bệnh ở Hải Nam vẫn đang bùng phát. Nếu Bắc Kinh siết chặt kiểm soát những người trở về từ Hải Nam, tôi có thể bị đưa đến một địa điểm cách ly trong vài ngày tới. Đáng lẽ tôi chưa bao giờ trải qua kỳ nghỉ xa Bắc Kinh”.
Một số khách du lịch đã cố gắng thoát ra trước khi lệnh cấm được thông báo, nhưng đây vẫn là một quá trình đầy căng thẳng và khó khăn.
Al Liu (46 tuổi, kỹ sư đến từ thành phố Quảng Châu) cho biết: “Tôi biết việc đi lại sẽ khó khăn, nhưng không ngờ đó là một cơn ác mộng”.
Al Liu cùng gia đình và bạn bè đi du lịch đến tỉnh Ili Kazakhstan - một khu vực rộng lớn giáp Kazakhstan, Nga và Mông Cổ - vào ngày 4.8, khi một người bán bia cảnh báo anh rằng một số khu vực đang bị phong tỏa.
Họ quyết định bỏ trốn, lái xe suốt 14 giờ không ngừng để đến sân bay ở Urumqi, nơi họ bắt chuyến bay về nhà.
“Tôi vẫn có thể cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi trở lại Quảng Châu. Chúng tôi đã mất 1/3 kỳ nghỉ của mình. Thế nhưng, tôi nghĩ vẫn tốt hơn là bị mắc kẹt và không biết khi nào thì cuộc phong tỏa mới kết thúc”, Al Liu nói.
Đợt bùng dịch phát hiện tại ở Tân Cương bắt đầu với hai ca COVID-19 không có triệu chứng ở Ili Kazakhstan vào ngày 30.7 và số ca bệnh kể từ đó đã tăng lên khoảng 3.000 trong toàn khu vực, thu hút 20 triệu du khách trong 20 ngày đầu tháng 7.
Dù 99% ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, nhiều khu vực của Ili Kazakhstan và thành phố Korla, Urumqi đã được áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Hiện tại, khách du lịch sẽ chỉ được phép rời khỏi Ili Kazakhstan nếu khu vực họ đang ở có nguy cơ thấp và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 7 ngày cộng với một xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Thế nhưng, 69 khu vực riêng biệt trong các tỉnh rộng lớn hơn được coi là có nguy cơ cao, đồng nghĩa không ai được phép rời đi.
Al Liu nói: “Một số người bạn của tôi vẫn còn mắc kẹt ở Ili Kazakhstan, không có manh mối khi nào thì việc phong tỏa sẽ kết thúc”.
Al Liu nói rằng trước đây anh đã đi du lịch đến các vùng khác Trung Quốc khi các quy tắc đại dịch cho phép, nhưng nguy cơ bị phong tỏa bây giờ làm tăng thêm rủi ro.
Wang Yijie (36 tuổi, nhà phát triển phần mềm tại Bắc Kinh) quyết định ở lại thủ đô Trung Quốc thay vì mạo hiểm đến thăm cha mẹ cô ở thành phố Tô Châu. Một yếu tố khác là đợt nắng nóng hiện tại trên thung lũng sông Dương Tử, nhiệt độ đã tăng trên 40 độ C trong nhiều ngày qua.
“Cha mẹ thuyết phục tôi ở lại để tránh sự tra tấn của sóng nhiệt và tôi đã nghe theo”, Wang Yijie nói.
Wang Yijie cho biết cô đã cố gắng đưa con trai đi chơi ở ngoại ô Bắc Kinh và thấy các khách sạn tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần do nhu cầu lưu trú tăng đột biến.
“Rốt cuộc tôi đã đưa con trai đến Universal Beijing Resort vào tuần trước, chỉ để chứng kiến những dòng người dài vô tận.
Dù vậy, Wang Yijie nói: “Sau khi trải qua kỳ nghỉ ở Bắc Kinh trong gần 3 năm, tôi quyết tâm thực hiện một chuyến đi đường dài vào lần tới. Tôi sẽ đưa con trai tôi leo núi và vượt sông, bất kể các biện pháp kiểm soát COVID-19 đang bật hay tắt”.