Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc cấp sổ đỏ dinh họ Vương hoàn toàn không phải là thu hồi đất giao cho lãnh đạo hay cá nhân nào.

Phó chủ tịch Hà Giang: Sẽ thu hồi 'sổ đỏ' dinh thự Vua Mèo

Trí Lâm | 23/08/2018, 18:44

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc cấp sổ đỏ dinh họ Vương hoàn toàn không phải là thu hồi đất giao cho lãnh đạo hay cá nhân nào.

Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình gửi đơn lên Thủ tướng về việc tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ khu dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc cấp sổ đỏ này là không đúng, đồng thời cho biết sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà Sở Tài nguyên Môi trường cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn năm 2012.

Theo ông Trần Đức Quý, năm 2012, địa phương rà soát các địa điểm thuộc quyền quản lý nhà nước để cấp sổ đỏ. Sau đó, tỉnh cấp sổ đỏ dinh vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn để phụ trách quản lý đất đai và di tích. "Hoàn toàn không phải chúng tôi cấp sổ đỏ dinh họ Vương là thu hồi đất giao cho lãnh đạo hay cá nhân nào”, ông Quý khẳng định và cho biết sẽ rà soát để làm rõ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Quý cũng cho hay, nếu gia đình ông Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ.

Lãnh đạo Hà Giang thông tin thêm, năm 2002, khi gia đình họ Vương chuyển ra ngoài để phục vụ trùng tu di tích, nhà nước đã hỗ trợ 500 triệu đồng. Riêng gia đình ông Vương Quỳnh Sơn (bố ông Vương Duy Bảo) nhận 320 triệu đồng; sáu hộ còn lại mỗi hộ nhận 30 triệu đồng và đất để dựng nhà.Thời điểm đó, quan điểm của Bộ Văn hóa là công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia không đồng nghĩa quốc hữu hóa dinh vua Mèo.

Còn theo ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo, văn hóa người Mông khi đó không có văn tự thừa kế, chỉ truyền miệng với nhau, mỗi lời nói đều có giá trị rất lớn và họ tộc phải tuân thủ. Do đó, việc cơ quan chức năng mà đòi hỏi văn tự thừa kế khu nhà Vương thì rất vô lý.

Được biết, ngày 21.7, ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình, người mà năm 1945 Bác Hồ kết nghĩa anh em,có đơn kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương.

Trong đơn, ông Vương Duy Bảo cho biết, tòa dinh thự họ Vương người H’Mông tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Sự việc này mãi đến năm 2002 gia đình mới biết vì chính quyền đòi đưa anh em ông ra khỏi ngôi nhà đề trùng tu, tôn tạo làm bảo tàng.

Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương là bố ông Bảo, tức ông Vương Duy Sơn gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Văn hóa thời kỳ đó.Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương vào cuộc xử lý.

Bộ Văn hóa Thông tin sau đó kết luận, quyết định công nhận di tích của Bộ không quốc hữu hóa dinh thự, không tước quyền sở hữu của những người trong gia đình họ Vương và người họ Vương được thừa kế hợp pháp. Đến năm 2008 thì ông Vương Duy Sơn qua đời tại Hà Nội, Chủ tịch nước chỉ đạo đưa về chôn cất trước tòa dinh thự họ Vương.

Nhưng mới đây gia đình ông Vương Duy Bảo cho biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.

Theo ông Bảo, thông tin này khiến bà con, họ hàng trong gia đình họ Vương rất bức xúc. “Để tránh sự việc dẫn đến những diễn biến xấu, tôi đại diện chủ sở hữu họ Vươngkhẩn thiết mong Thủ tướng giúp giải quyết sự việc trên để trả lại quyền sử dụng mảnh đất, gắn với tòa dinh thự đã hơn 100 năm nay của họ Vươngchúng tôi”, ông Bảo viết trong thư.

Trước đó, trả lời thắc mắc của ông Bảo, Sở TN-MT tỉnh Hà Giang cho rằng việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là đúng, theo cácQuyết định 3316/QĐ-UBND ngày 11.11.2006 của UBND tỉnh Hà Giang về quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng; Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai năm 2003 quy định đất có di tích lịch sử - văn hóa – danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải bảo vệ nghiêm ngặt; Khoản 1, Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành Luật Đất đai quy định: Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích.

Tuy nhiên, nói với phóng viên báoMột Thế Giới, nhiều luật sư cho rằng Sở TN-MT viện dẫn những quy định này để cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là không đúng pháp luật.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn Luật này. Tuy vậy, ngay chính khoản 2 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng quy định rất rõ: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”.

Ngay cả trường hợp thuộc cộng đồng dân cư thì khoản 3 Điều này cũng quy định: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cộng đồng dân cư”.

Điều 5 Luật Di sản văn hóa cũng quy định Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Điều 14 Luật này cũng khẳng định tổ chức, cá nhân có các quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa.

Như vậy, ông Vũ cho rằng nếu dinh thự vua Mèothuộc sở hữu tư nhân (hoặc cũng có thể thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư họ Vương – cần làm rõ thêm) hàng trăm năm nay rồi thì mặc dù dinh thự này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia thì đó vẫn thuộc sở hữu tư nhân (hoặc của cộng đồng dân cư họ Vương).

Do đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp cho những chủ sở hữu này chứ không thể cấp cho cá nhân, tổ chức nào khác. Việc cấp sổ đỏcho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với nguồn gốc dinh thự này cũng như không đúng với các căn cứ xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất theo quy định.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ tịch Hà Giang: Sẽ thu hồi 'sổ đỏ' dinh thự Vua Mèo