Ngày 17.9, Phong trào Hamas tuyên bố sẽ làm hòa với chính quyền Tổng thống Palestine, giải tán Ủy ban hành chính dải Gaza, đồng ý đàm phán với Phong trào Fatah và tổ chức tổng tuyển cử, nhằm kết thúc bất đồng lâu nay giữa hai bên.
Lần bầu cử mới nhất ở Palestine vào năm 2006, với phần thắng bất ngờ thuộc về cánh Hamas nhưng cũng mở ra chuyện đổ vỡ chính trị.
Năm 2007, cánh Fatah thuộc chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas đã có cuộc chiến ngắn ngày và từ đó, Hamas kiểm soát Dải Gaza.
Từ năm 2011, những nỗ lực hòa giải giữa hai bên và lập chính quyền đoàn kết chia sẻ quyền lực ở Dải Gaza và khu Bờ Tây đều liên tục thất bại. Năm 2014, Hamas và Fatah đồng ý lập một chính phủ hòa giải, nhưng bất chấp thỏa thuận này, Hamas vẫn điều hành Dải Gaza.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Hamas nói họ đồng ý giải tán chínhquyền điều hành Dải Gaza, để cho phép chính phủ hòa giải làm nhiệm vụ điều hành khu vực này, và đồng ý tổ chức tổng tuyển cử và đàm phán với cánh Fatah.
Mahmoud Aloul, một quan chức Fatah,cẩn trọng hoan nghênh đề xuất của Hamas: “Nếu đó là tuyên bố của Hamas, thì là một dấu hiệu tích cực. Phong trào Fatah chúng tôi sẵn sàng cam kết hòa giải”.
Ngày 11.9, Hamas đã tuyên bố sẵn sàng gặp cánh Fatah ở Cairo (Ai Cập) để thực hiện thỏa thuận hòa giải. Hai ngày sau, một quan chức cấp cao Fatah nói Hamas phải tuân thủ nhiều điều kiện thì mới diễn ra cuộc gặp.
Azzam al-Ahmad, một ủy viên ban chấp hành trung ương Fatah, tuyên bố trên đài phát thanh PA: “Sẽ không có cuộc gặp hoặc đối thoại nào, cho đến khi Hamas tuyên bố giải thể chính quyền Dải Gaza , và giao lại trách nhiệm điều hành cho Chính quyền Palestine”.
Dự kiến trong vài ngày tới, ông Ahmad và một nhóm quan chức Fatah sẽ đến Cairo, để bàn chuyện hòa giải với các quan chứcHamas.
Theo người phát ngôn Hamas, thủ lĩnh mới Ismail Haniyeh của Hamas đã đến Cairo ngày 9.9 để nói chuyện với các quan chức Ai Cập, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông ở vai trò thủ lĩnh.
Vài tháng qua, Hamas tìm cách hàn gắn quan hệ với Ai Cập, nước nắm quyền kiểm soát một cửa khẩu biên giới và dưới thời Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, Ai Cập rất cảnh giác mối quan hệ giữa Hamas với tổ chức Anh em Hồi giáo. Sau nhiều cuộc biểu tình phản đối,Tướng Sisi đã lật đổ tổ chức Anh em Hồi giáo rồi làm tổng thống.
Người phát ngôn Hamas nói cuộc nói chuyện với Ai Cập sẽ chú trọng việc dỡbỏ sự bao vây, hàn gắn quan hệ với tổ chức đối thủ Fatah do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas làm thủ lĩnh.
Israel từng ký thỏa thuận hòa bình với Ai Cập năm 1979, điều phối chặt chẽ về an ninh, đang theo dõi nỗ lực hòa giải giữa Hamas với Ai Cập.Mỹ cùng Israel và EU đều xếp Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Mang hy vọng gây sức ép Hamas từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza, Tổng thống Abbas đã ngưng trả tiền cho Israel bán điện cho Dải Gaza. Vì thế, khu vực này chỉ có điện không quá 4 giờ/ngày.
Bích Ngọc (theo Reuters)