Nhà phê bình, tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh vừa ra mắt sách “Đi tìm ẩn ngữ văn chương”. Lần đầu tiên mảng đề tài văn học miền Nam trước 1975 được hệ thống hóa một cách khoa học và đầy đủ để có thể chuyển tải cho người đọc những thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, mảng văn học đương đại cũng được ông chú trọng, giới thiệu.
Báo điện tử Một Thế Giới đã có một cuộc trao đổi với ông.
* Thưa ông, phê bình thời gian gần đây được xem là thiếu sinh khí khi chỉ đi sau, “vuốt đuôi” và ăn theo các sự kiện văn chương. Liệu ý kiến này có đúng?
Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh: Không phải chỉ phê bình gần đây mà phê bình của chúng ta từ xưa đến nay đều được/bị được xem là “cái đuôi”, “vuốt đuôi” ăn theo các sự kiện văn chương như anh nói. Ý kiến này không mới, lạ vì xưa nay phần lớn người ta vẫn nghĩ như thế và đây cũng là điều bình thường trong tiếp nhận văn học. Ý kiến này theo chúng tôi là vừa đúng, lại vừa chưa đúng. Tại sao tôi lại nói như thế, có phải vì tôi là người ba phải hay tôi chẳng chủ kiến?
Thưa không! Tôi nói như thế là xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn của đời sống văn học nước ta, một đất nước mà các hệ hình lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới, nhất là các lý thuyết văn học ở phương Tây vì nhiều lý do khác nhau rất ít hoặc chậm được du nhập vào nước ta. Và khi lý thuyết văn học đã vận động chậm, kém năng động thì không thể có một nền lý luận phê bình phát triển năng động và nhanh, có thể đi tiên phong hoặc ít ra cũng song hành cùng với các lĩnh vực khác trong đời sống văn học, đặc biệt là trong sáng tác.
* Nhận xét của ông thêm một lần nữa khẳng định suy nghĩ của tôi phê bình chúng ta ít chuộng cái mới hay các trào lưu lý thuyết mới. Gần như những cái mới các lĩnh vực của nghệ thuật đều ít nhiều được giới thiệu, bàn cãi, cập nhật thì rất hiếm hoi thậm chí không thấy đả động tới khi nói về địa hạt lý luận hay phê bình văn học?
Trong thực tế đời sống văn học nói chung cũng như đời sống lý luận phê bình nói riêng, cũng có những nhà phê bình tâm huyết và có tư tưởng cách mạng, luôn khao khát đổi mới và sáng tạo đã mạnh dạn tiếp nhận những lý thuyết văn học mới, lạ của nhân loại, trong đó có lý thuyết của các nước phương Tây để chuyển tải vào văn học và điều này đã thức nhận được nhiều vấn đề của đời sống văn học trong đó có sáng tác. Điều này nếu anh quan tâm nghiên cứu về đời sống văn học ở miền Nam trước 1975 sẽ thấy rất rõ. Như vậy, trong trường hợp này lý luận phê bình không những không “vuốt đuôi”, “theo đuôi” đời sống văn học như anh nói mà còn góp phần giúp nhận thức nhiều vấn đề của văn học trong đó có sáng tác.
Trong đời sống văn học của chúng ta trước kia cũng như hôm nay cũng có những trường hợp “đột biến gen” như thế. Có điều nó chưa thật nhiều, chưa có tính phổ quát, chưa đủ mạnh, chưa được trân quý, chia sẻ. Không những thế, có khi nó còn bị đối xử một cách “ghẻ lạnh”, bị phê phán, bị phản đối, thậm chí bị “chụp mũ”…
Một nền phê bình văn học quen sống trong những quán tính với những định chế có sẵn, không mạnh dạn và cởi mở trong tiếp nhận cái mới thì được/bị mọi người nghĩ “là nền phê bình thiếu sinh khí khi chỉ đi sau, “vuốt đuôi” và ăn theo các sự kiện văn chương” như thế cũng không “oan” chút nào. Song với tư cách là người được/bị số phận chọn làm công việc phê bình văn học, tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người hãy cảm thông và có cái nhìn khách quan, công bằng và khoa học về những người làm phê bình văn học, một công việc mà vinh quang thì chỉ là hư không mà những lời thị phi, chê bai thì lại là chuyện “nhãn tiền”.
Người viết phê bình luôn có những gặp gỡ, giao lưu trong những tọa đàm văn học. Đó là hơi thở cuộc sống
* Văn chương hôm nay đang có những thay đổi lớn về thị hiếu cũng như các giá trị thẩm mỹ. Báo hiệu nguy cơ đảo lộn những vinh danh, tấn phong một thời. Theo ông, vấn đề này có đáng lo ngại?
Theo tôi vấn đề này chẳng có gì đáng lo ngại mà phải xem nó là việc bình thường trong hoạt động tiếp nhận văn học. Mỗi thời kỳ văn học, thậm chí mỗi giai đoạn văn học có những môi trường văn hóa, xã hội, biến cố lịch sử khác nhau, nên nó tạo nên những trường tiếp nhận khác nhau. Không những thế, trên cơ sở lý thuyết mỹ học tiếp nhận hiện đại thì mỗi con người có một tầm đón đợi khác nhau mà tâm đón đợi đó bị chi phối bởi nhiều nhân tố như: trình độ học vấn, tâm lý, lứa tuổi, giới tính, văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội… mà những nhân tố này thì luôn biến đổi vì vậy sự thay đổi, khác biệt trong tầm đón đợi của mỗi người hay mỗi thời kỳ văn học cũng là điều tất yếu. Và xét về một phương diện nào đó thì đây là hiện tượng đáng mừng vì tình hình này cho thấy sự dân chủ và đổi mới trong việc nhìn nhận, tiếp nhận các hiện tượng văn học.
Mặt khác, sự thay đổi này buộc các nhà văn, các nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật phải tự đổi mới mình, biến đổi mình không thể viết theo lối mòn, theo kiểu “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” (Thơ Bà Huyện Thanh Quan) để rồi trở về với hoài niệm thậm chí cứ mãi “ăn mày dĩ vãng” (tên một tiểu thuyết của Chu Lai) mà phải sớm hòa nhập vào khí quyển của thời đại mới trong văn học. Không những thế, việc thay đổi hệ hình tư duy trong sáng tạo, trong tiếp nhận văn học này cũng là việc thực thi tinh thần của những giá trị đổi mới mà Đảng đã, đang xác lập từ 1986 đến nay.
Nhà phê bình Trần Hoài Anh đang ký tặng tác phẩm "Đi tìm ẩn ngữ văn chương"
* “Đi tìm ẩn ngữ văn chương” đã mạnh dạn đưa ra một số giá trị, “ẩn ngữ” từ văn học miền Nam trước 1975. Được biết, Trần Hoài Anh cũng là một trong số ít các nhà nghiên cứu từng có công trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về dòng văn học miền Nam còn ít nhiều dè dặt như những “vùng cấm” ít được nói đến. Lý do vì sao ông chọn “lãnh địa” khó này?
Thực ra việc dùng cụm từ đi tìm ẩn ngữ văn chương làm tựa đề cho tác phẩm tiểu luận phê bình của tôi cũng không có gì “huyền bí” đâu, nhà báo đừng nói thế kẻo mọi người tưởng là có cái gì “bí hiểm” cần khám phá, rồi lại suy diễn “lung tung”, vì nó không phù hợp, hoặc khác với tầm/ngưỡng đón đợi của họ. Nói điều này là tôi muốn nói rằng cái tựa đề cuốn sách của tôi chỉ là sự bắt nguồn từ những vấn đề của lý thuyết tiếp nhận văn học.
Trong quan niệm của tiếp nhận văn học, tác phẩm văn học bao giờ cũng mở ra với mọi thế hệ người đọc, luôn vẫy gọi mọi thế hệ người đọc. Vì vậy, như tôi đã nói ở trên là do tầm đón đợi khác nhau mà mỗi con người, mỗi thời đại lại có cách tiếp nhận khác nhau về một hiện tượng văn học. Vì thế, trong quan niệm của tôi, các hiện tượng văn học bao giờ cũng là một ẩn ngữ, nghĩa là nó luôn chứa trong bản thân nó những "bí mật" thú vị luôn kích thích sự tìm hiểu của người tiếp nhận, buộc người tiếp nhận phải khám phá, phải đồng sáng tạo trong quá trình tiếp nhận. Chính vì vậy, tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà phê bình Đặng Tiến trong tập tiểu luận Vũ trụ thơ của ông do nhà xuất bản Giao Điểm cho ra mắt ở miền Nam năm 1972 khi ông cho rằng: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm” (trích tr.9).
Còn việc anh hỏi tôi vì sao chọn văn học miền Nam trước 1975 làm đối tượng nghiên cứu trong luận án tiến sĩ của mình mà cụ thể là lĩnh vực lý luận – phê bình văn học ở miền Nam mà theo anh đó là một “lãnh địa” khó, là “vùng cấm” và còn dè dặt.
Trước tiên đây là một câu chuyện dài, không thể nói hết trong một bài trả lời phỏng vấn ngắn như thế này. Nhưng việc tôi nghĩ và chọn đề tài này là xuất phát từ yêu cầu của việc làm luận án tiến sĩ, nghĩa là luận án phải có cái mới, có đóng góp về mặt học thuật cho lĩnh vực nghiên cứu văn học. Khi tôi được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, hầu như các vấn đề quen thuộc trong đời sống văn học, các thế hệ “tiền bối” đã tranh thủ chiếm cứ hết “lĩnh địa rồi” nên việc tìm một đề tài mới để có đóng góp cho khoa nghiên cứu văn học là việc vô cùng khó. Song, chọn một đề tài mới thuộc bộ phận văn học miền Nam trước 1975 thì cũng không phải dễ chút nào. Mặc dù, sau 1986 với sự đổi mới tư duy do Đảng khởi xướng nhiều hiện tượng văn học như Tự Lực văn Đoàn, Thơ mới, Nhân Văn Giai phẩm và kể cả văn học miền Nam trước 1975 đã được nhìn nhận lại khá cởi mở. Nhưng đối với bộ phận văn học miền Nam, để nghiên cứu nó, các nhà phê bình vẫn còn khá dè dặt và thấy khó. Theo tôi, sự dè dặt và khó khăn đó không phải do lực cản nào cả vì đã có đường lối đổi mới của Đảng khai mở rồi, cái khó là làm thế nào để tìm lại tư liệu về văn học miền Nam vốn dĩ không còn nhiều vì đã mất mát và rơi rụng qua những biến cố của thời cuộc, đồng thời phải làm thế nào có cái nhìn công bằng, khách quan về bộ phận văn học vốn trước thời đổi mới đã bị đối xử không công bằng, thậm chí bị vùi dập không thương tiếc.
Điều may cho tôi là người thầy tôi chọn hướng dẫn luận án là PGS.TS Trương Đăng Dung lúc đó là Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam đã gợi ý cho tôi làm về văn học miền Nam vì lẽ đơn giản thầy bảo tôi là người sinh ra và học ở miền Nam sao không nghiên cứu về văn học miền Nam, một bộ phận văn học, theo thầy là có sự tiếp nhận rất tốt các trào lưu văn học phương Tây và “dũng cảm” nhận hướng dẫn tôi làm luận án này. Và từ đó, như một cơ duyên, tôi đã hoàn thành luận án và cho đến bây giờ và có lẽ sau này, tôi cũng tiếp tục nghiên cứu về bộ phận văn học này. Theo tôi nước ta nói chung còn nghèo, văn học ta cũng còn nghèo vì vậy chúng ta không nên lãng phí mà vội bỏ đi một bộ phận văn học rất phong phú đa dạng, rất nhiều giá trị ẩn tàng như văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Và việc nghiên cứu một cách thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần khoa học, khách quan, công bằng về những giá trị của bộ phận văn học miền Nam – một di sản của văn chương dân tộc như tiêu đề phần đầu trong tập sách “Đi tìm ẩn ngữ văn chương” mà tôi đã xác quyết là một việc làm rất cần thiết và cần sự chung tay, góp sức của mọi người.
Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh (giữa) và các nhà văn trẻ TP.Hồ Chí Minh
* Dòng văn học trẻ trong cuốn nghiên cứu mới nhất của ông cũng đã đưa ra nhiều ẩn ngữ, những giá trị mới về thơ và văn xuôi. Nhưng trong dòng chảy ồn ã và ít người quan tâm đến văn học như hôm nay, liệu ông quá tự tin hay quá cô đơn với những gì mình đã viết?
Cám ơn anh đã nêu ra một câu hỏi khá thú vị về vấn đề văn học trẻ cũng như tình hình văn học hiện nay. Đúng là trong thực trạng mà “cơm áo không đùa với văn chương” như thế này, thì những người làm văn học thật sự rất cô đơn và làm nhà phê bình không chỉ có cô đơn mà nhiều khi còn cô độc. Bởi những bài phê bình của mình viết ra đó là tâm huyết là trí não của mình nhiều khi vắt đến kiệt sức nhưng sách phê bình văn học vẫn cứ "im lặng ngủ quên" trên các quầy sách vì nó rất kén chọn người đọc. Không những thế, có khi sách của mình tặng cho bạn bè trong giới cũng chưa chắc người ta đã đọc vì sách phê bình vốn khô và “khó” nuốt nên đọc lại rất “khổ”. Vì vậy, những gì mình mong được chia sẻ thì không được ai chia sẻ nên cô đơn là “cái chắc”.
Còn nhà báo hỏi về việc tôi có tự tin về những gì mình viết, mình nghiên cứu hay không? Tôi xin trả lời là tôi tin, thậm chí còn yêu các đối tượng văn học mình nghiên cứu nữa. Vì theo tôi, không tin và yêu thì làm sao có thể sáng tạo được. Trong sáng tạo văn chương không tin yêu thì chỉ làm ra những thứ “văn chương giả cầy”. Và cái thứ văn chương dối trá, ngụy tạo ấy không thể tồn tại được vì nó không thể đánh lừa được người đọc. Tôi luôn sống với tinh thần của câu thơ Phùng Quán trong bài thơ lời mẹ dặn mà tôi rất tâm đắc: “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu”. Tôi sáng tạo văn chương cũng trong tinh thần yêu/ghét đó.
Riêng đối với văn học trẻ hiện nay mà tôi hằng yêu quý, trước khi trả lời vấn đề này tôi xin trao đổi với nhà báo là theo quan điểm của tôi, không nên gọi là văn học trẻ mà nên gọi là văn học của những người trẻ để khu biệt với văn học của những người già (Nghĩa là những người đã bước qua cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh). Nếu cần khu biệt văn học giữa các thế hệ thì nên gọi như thế. Còn trong đời sống văn học thì theo tôi chỉ có văn học đích thực và những giả văn học. Vậy thôi.
Về văn chương của những người trẻ thì tôi luôn quan tâm và song hành với họ, cụ thể là tôi thường đọc họ và những lần tổ chức Hội nghị hay hội thảo về nhà văn trẻ tôi đều tham gia với tư cách khách mời. Tất nhiên có lúc cũng thiếu tin ở họ. Mà cái “bệnh hư hỏng” của việc thiếu tin này là xuất phát từ ý thức chủ quan của mình, một người lớn tuổi lại làm nghề dạy học chỉ quen dạy bảo “người khác” ít chịu nghe ai “dạy bảo mình”. Nhưng từ hôm dự Hội nghị nhà văn trẻ TP.HCM lần thứ thứ 4 năm 2017, khi nghe các bạn viết văn trẻ chia sẻ những suy nghĩ của họ về nghề viết, về cuộc sống, về người đọc, về hành trình sáng tác của mình, tôi đã thức nhận ra nhiều điều về năng lực trí tuệ và cảm thức của những người viết trẻ trước cuộc sống và tôi tin ở họ và những gì họ sáng tạo ra. Tôi nghĩ đã đến lúc phải đổi gác và giao lại nền văn học tương lai của nước nhà cho những người viết trẻ để họ có trách nhiệm giữ gìn, vun bồi và phát triển. Hãy tin vào họ. Hãy thắp lửa văn chương trong trái tim họ để họ vững bước đi lên trong một thế giới đang toàn cầu hóa về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn chương mà thế hệ đi trước như chúng ta khó đáp ứng được, nếu chúng ta không muốn đất nước ta, nền văn học chúng ta tụt hậu so với nhân loại.
Tôi nói như thế liệu có võ đoán và lạc quan tếu không!? Hy vọng thời gian sẽ là câu trả lời công minh nhất.
* Xin cám ơn nhà phê bình, tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh về cuộc trao đổi này.
Nguyễn Hữu Hồng Minh (thực hiện)