Cuộc sống càng ngày càng tốc độ đã biến con người thành một cỗ máy. Tâm hồn mong manh trở thành vô cảm khi phải đối diện thường xuyên với cơm áo gạo tiền. Đôi khi tôi cũng mơ được lánh đời như Thi sĩ đồi trăng, mà đâu dễ...

Thi sĩ đồi trăng

01/08/2017, 06:05

Cuộc sống càng ngày càng tốc độ đã biến con người thành một cỗ máy. Tâm hồn mong manh trở thành vô cảm khi phải đối diện thường xuyên với cơm áo gạo tiền. Đôi khi tôi cũng mơ được lánh đời như Thi sĩ đồi trăng, mà đâu dễ...

Thi sĩ đồi trăng là cách tôi gọi cả hai cha con nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Đức Vân. Thi sĩ Cha thì đã quá lừng danh. Ông chính là Sơn Núi, một tên tuổi cá tính của thơ Việt. Cuộc đời ông là một câu chuyện ly kỳ thật khó kể hết. Thế nhưng có lẽ gay cấn nhất là việc ông bỏ phố thị đưa cả gia đình lên núi ở. Tôi là kẻ hậu sinh, chỉ biết đứng xa "kính nhi viễn chi" kính trọng ông.

Tôi chỉ thân với Nguyễn Đức Vân, một cậu con trai ông, xuất gia và ăn chay trường từ trên núi xuống. Anh là người có vẻ ngoài khá giống cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, ít kẻ để ý trong tâm hồn chàng trai ấy bay bổng bồng bềnh cùng mây trời gió núi. Có lẽ cái tên Vân cũng chính là Mây vận vào thơ, nhạc, hoạ. Khi Vân từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn, chúng tôi đã quen nhau. Hơn 15 năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa hiểu hết tâm hồn lãng tử tài hoa đi mây về gió ấy...

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

Vân kể, bố anh hoàn toàn "thất vọng" khi không cấm cản được cậu con trai mình đam mê và làm thơ. Không chỉ thơ mà còn là hội hoạ, âm nhạc. Nhưng phải chăng, nghệ thuật là "giời định"? Bởi thế, thật khó mà gọi Nguyễn Đức Vân chính xác là gì? Nhà thơ? Nhạc sĩ? Tu sĩ? Người yêu cái đẹp? Kẻ xuất gia lánh nạn trần thế? Hình như trong con người này hội tụ khá đầy đủ các tư chất nghệ thuật. Cũng đã có khá nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ý Nhi đến Trần Văn Khê, Thanh Thảo… viết về anh và thơ anh.

Ai cũng đọc ra trong thơ, nhạc Nguyễn Đức Vân có chút tài hoa, khí khái lĩnh hội từ người cha là Sơn Núi - một quái kiệt trong làng văn nghệ.

Nguyễn Đức Vân có vẻ ngoài khá giống cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama

Hiện nay, cả hai cha con đang ở trên khu đồi hoang bạt ngàn của thị trấn Bảo Lộc. Vân lập một “an gác tự” như tịnh cốc nhỏ giữa núi để cân bằng trạng thái tinh thần, trồng sim, dưỡng tâm làm thơ và viết nhạc. Và chàng nổi tiếng trong giới bởi những giai thoại “quẩy thơ” xuống núi. Chẳng là hàng năm, đôi lần Vân về Sài Gòn và thường những lúc đó tập trung bạn bè để đọc thơ. Có những trận đọc xong thì rụng rời tay chân, khí cốt tiêu tán thành thử phải quay ngay về núi “dưỡng thương”. Nhưng như Vân nói, còn hạnh phúc tiêu dao nào hơn khi tiếng lòng của Bá Nha đã tìm được Tử Kỳ để chia sẻ. Thổ huyết đọc thơ chừng cũng đáng!

“Ma quỷ cuồng khùng ta không sợ / Âm thầm ta nhớ những bài thơ”… (Nguyễn Đức Vân)

Không ai có thể tưởng tượng được Vân xuống núi bằng chiếc xe tay ga nhỏ như “con cóc” mà thoạt nhìn ai cũng dễ nhầm là món đồ chơi trẻ con. Hỏi Vân làm sao có thể vượt dặm trường thiên lý đèo cao dốc đổ bằng chiếc xe cà tật cà tàng như thế, Vân cười khà khà: “Chiếc xe chỉ là hình thức thôi! Tôi chạy bằng năng lượng của thơ”. Quả đúng như thế thật! Trong tâm hồn con người tiêu sái đó hình như không có gì ngoài thơ nhạc. Anh nói chỉ cần lên xe hình dung cảnh anh em bạn bè yêu thơ ca thân quen quay cuồng chia sẻ những bài thơ mới là lập tức “hứng chí”, xe ta “bon bon trên dặm đường dài”. Xa xôi cỡ nào cũng đến.

Thơ không chỉ khiến cho Vân quên ăn quên ngủ mà còn bay bổng uốn lượn. Và trên đường đi, lúc hứng khởi bài thơ vụt hiện như được chắp thêm đôi cánh giai điệu thành bài hát là Vân cất tiếng ca luôn. Tuy kiến thức nhạc lý tự học bõ bèm dăm nốt nhưng Vân cứ hát tràn, hát tới chẳng cần phải lệ thuộc nó. Và nhiều ca khúc của anh ra đời trên con đường thiên lý.

Thi sĩ và khách hành hương giữa đồi núi Bảo Lộc

Vân chia sẻ hạnh phúc khi người đầu tiên nghe những bài nhạc đó một cách thích thú chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Vị nhạc sĩ cũng là một người bạn văn nghệ thân quen với cha anh, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Khi ông Duy áng chừng bài hát đó “nghe được” là Vân quyên tiền để ra đĩa CD nhạc. Tưởng Vân nói chơi ai dè làm thiệt (!). Đến nay Vân đã ra được hai đĩa CD nhạc, ước chừng khoảng 20 ca khúc anh viết và phổ thơ là “Đồi trăng Phương Bối”, “Màu yêu thương”… Những ca sĩ hát nhạc anh cũng là những tên tuổi như Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Thùy Dương…

Nguyễn Đức Vân và nhạc sĩ Phạm Duy

Trong lần quẩy thơ xuống núi gần đây nhất, Vân gọi điện hồ hởi muốn gặp tôi để khoe việc sẽ in 1 tập thơ mới “Cánh hoa vừa hé” với lời đề tựa của nhà thơ Thanh Thảo. Và anh sẽ ra mắt một CD nhạc mới “Hoa trái ngày thơ” gồm 15 ca khúc viết cho thiếu nhi. Ông Thanh Thảo so sánh thơ Nguyễn Đức Vân như “một cơn mưa bình thản” mà ông bất ngờ gặp vào giữa buổi đang trưa, bởi thơ ca, âm nhạc tuy khởi tự đáy lòng nhưng đó còn là một duyên nghiệp khiến ta không thể không theo và cũng không thể sớm chiều dứt bỏ. Trong một lần ngẫu hứng, anh viết hai câu chết lặng: “Ma quỷ cuồng khùng ta không sợ / Âm thầm ta nhớ những bài thơ”…

Thi thoảng hai cha con thi sĩ Sơn Núi (trái) và Nguyễn Đức Vân (phải) cùng họp mặt với anh em văn nghệ

Cứ thế, một gánh thơ nhạc băm bổ dặm dài từ núi xuống và một chiếc xe cà tàng con cóc, Vân hiện diện như một cơn mưa bình thản giữa cuộc đời…

Sài Gòn, cuối tháng 7.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi sĩ đồi trăng