Kế hoạch năm 2023, Bộ TT-TT sẽ hướng dẫn phát triển Đội ứng cứu sự cố cho một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển nền tảng hỗ trợ.

Phát triển nền tảng hỗ trợ, bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thu Anh | 23/12/2022, 15:08

Kế hoạch năm 2023, Bộ TT-TT sẽ hướng dẫn phát triển Đội ứng cứu sự cố cho một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển nền tảng hỗ trợ.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT-TT, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng năm 2022 ước đạt 4.853,4 tỉ đồng, tăng trưởng 26,15% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động (phân tổ theo tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân) năm 2022 ước đạt 1.854.018 tỉ đồng, tăng 13,7% so với năm 2021.

Theo Bộ TT-TT, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10.8.2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia được ban hành theo quy định của Luật.

Chiến lược thể hiện rõ quan điểm an toàn an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm, phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm, phổ cập dịch vụ là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

phat-trien-nen-tang-ho-tro-bao-dam-an-toan-thong-tin-mang.png
An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, Bộ TT-TT nhận định, lĩnh vực an toàn thông tin mạng vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Điển hình như nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin cấp tỉnh còn thiếu, hầu hết cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm về ATTT chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc rà soát đánh giá xử lý các sự cố an toàn thông tin.

Nguồn nhân lực và trình độ kỹ năng về an toàn thông tin cho công chức, viên chức chuyên trách CNTT còn thiếu và yếu...

Giải pháp được đưa ra là đầu tư nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách/kiêm nhiệm về ATTT dần đáp ứng chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin theo quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTTTT và có chính sách để thu hút, giữ chân nhân lực giỏi về ATTT.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, theo Bộ TT-TT, thay vì chỉ phát động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện rà soát, bóc gỡ mã độc trên thiết bị đầu cuối, Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 đã tìm ra một hướng làm mới là truy tìm và xử lý ngăn chặn triệt để truy cập tới 76 website chuyên phát tán mã độc và chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam.

Do nguồn phát tán mã độc bị ngăn chặn nên tình hình lây nhiễm mã độc đã giảm đi đáng kể. Kết thúc Chiến dịch năm 2022, số lượng địa chỉ IP botnet trung bình tháng 11 chỉ còn 479.115 địa chỉ, giảm 45% so với cuối năm 2021.

Lên kế hoạch năm 2023, Bộ TT-TT cho biết, sẽ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Hướng dẫn phát triển Đội ứng cứu sự cố cho một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, bảo đảm an toàn thông tin mạng. Xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành đội ứng cứu sự cố và Phát triển nền tảng hỗ trợ.

Định hướng đến năm 2025, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo vệ cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và phát triển doanh nghiệp, sản phẩm an toàn thông tin mạng.

Đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20 - 30%/năm.

Phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản thông qua sử dụng các nền tảng "Make in Vietnam" để bảo vệ người dân trên không gian mạng trước các nguy cơ, mối đe dọa về an toàn thông tin và lừa đảo trực tuyến. Tạo niềm tin số để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng lên môi trường mạng, tạo thành công cho chuyển đổi số. Dữ liệu và thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức và người dân được bảo đảm an toàn trên không gian mạng.

Bài liên quan
Security Bootcamp 2022 tiếp tục kết nối đội ngũ làm về an toàn thông tin trên cả nước
Năm 2022 Security Bootcamp sẽ tiếp tục xây dựng và kết nối đội ngũ những người làm về an toàn thông tin trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nền tảng hỗ trợ, bảo đảm an toàn thông tin mạng