Cảnh tượng không thể đảo ngược trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ sáng qua đã tạo ra một số cú sốc, một số nỗi buồn và một số mệt mỏi cho các đồng minh và đối thủ của Mỹ.
Khi Tổng thống Trump to tiếng, đỏ mặt và át cả tiếng người điều hành, Chris Wallace lẫn đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joseph R. Biden Jr., và khi ông Biden đáp lại bằng cách gọi ông Trump là “gã hề”, nhiều người tự hỏi liệu sự hỗn loạn của sự kiện này sẽ khiến thế giới nghĩ gì về nền dân chủ Mỹ?
“Tất nhiên, trọng tài cuối cùng sẽ là cử tri Mỹ,” Ulrich Speck, một nhà phân tích của Quỹ Marshall ở Berlin, cho biết. “Nhưng có một sự đồng thuận ở châu Âu rằng điều này đang vượt quá tầm kiểm soát và cuộc tranh luận này là một dấu hiệu cho thấy hình dạng xấu của nền dân chủ Mỹ”.
Theo Speck, các đồng minh luôn có ý thức rằng ở Mỹ, dù có bất đồng chính trị nhưng vẫn có “có một nền cộng hòa và xung đột sẽ được giải quyết bằng tranh luận và thỏa hiệp” và “quyền lực luôn gắn liền với một số loại đạo đức”. Nhưng quan điểm đó hiện đang bị nghi ngờ. Speck nói: "Cuộc tranh luận thực sự không có tí tranh luận gì cả, mà là hai người chỉ theo đuổi chiến lược của họ".
Nhiều nhà phân tích châu Âu đổ lỗi cho ông Trump về vụ lộn xộn. Markus Feldenkirchen của tờ báo Der Spiegel của Đức đăng trên Twitter: “Cuộc tranh luận là một trò đùa, một điểm trừ, một sự xấu hổ cho đất nước", đồng thời dẫn chứng: "Gào lên, những lời lăng mạ, hai người ngoài 70 tuổi cắt lời nhau như những đứa trẻ 5 tuổi - và một người điều hành mất hết kiểm soát". Và Feldenkirchen cho rằng chính Trump là người khởi xướng điều này.
John Sawers, một cựu quan chức ngoại giao người Anh và là người đứng đầu một công ty phân tích rủi ro, nói ngắn gọn: “Phản ứng của riêng tôi là nó khiến tôi thất vọng về nước Mỹ. Đất nước mà chúng ta tìm kiếm để lãnh đạo thế giới đã rơi vào một cuộc ẩu đả xấu xí".
Jeremy Shapiro, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, hiện là giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nói rằng người nước ngoài có thể sẽ coi cuộc tranh luận “như một dấu hiệu khác của sự suy thoái của nền dân chủ Mỹ”.
Shapiro đánh giá: Cả đồng minh và đối thủ đều “thấy Trump và nền văn hóa chính trị đã tạo ra ông ấy báo trước sự suy tàn của nền dân chủ Mỹ và văn hóa Mỹ” và ông nói thêm: “trong phản ứng trong dịch coronavirus, Mỹ không chỉ vắng mặt trong vai trò lãnh đạo toàn cầu mà còn kém cỏi trong cả việc đối phó với dịch ngay trong nước".
Ông Shapiro nói, sự thô thiển của cuộc tranh luận sẽ gây tai tiếng ở nước ngoài. “Trên sân khấu đó, Biden gọi tổng thống Mỹ là một gã hề và một kẻ nói dối, điều mà Biden vốn không thể làm cách đây 4 năm trong bất kỳ hoàn cảnh nào” Shapiro phân tích. “Việc ông ấy cảm thấy mình phải làm như vậy là một dấu hiệu cho những người bên ngoài thấy rằng văn hóa Mỹ đang trong một chu kỳ suy thoái”.
Thomas Gomart, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nói rằng cuộc tranh luận đã củng cố ấn tượng “rằng Mỹ đã rút lui khỏi sân khấu toàn cầu và thu mình”. Theo Gomart, ông Trump “đã dứt khoát rời bỏ vị trí của một nhà lãnh đạo toàn cầu và Joe Biden cũng có thể ngầm làm như vậy”.
Ông Gomart cho biết cuộc tranh luận cho thấy tinh thần đảng phái sâu sắc của nước Mỹ ngày nay, ngay cả khi đối mặt với đại dịch. “Hai người đàn ông đó cùng thế hệ, cùng thế giới nhưng họ là hai bộ mặt của một xã hội phân cực sâu sắc".
Nicole Bacharan, một nhà phân tích chính trị và lịch sử người Mỹ gốc Pháp sống ở Pháp, chia sẻ quan điểm đó. Bà thấy "mất tinh thần", bởi những gì chứng kiến trong cuộc tranh luận: "Nó gửi một hình ảnh đáng buồn về Mỹ, về nền dân chủ Mỹ và vai trò của nước này trên thế giới.
Bà Bacharan nói rằng các sự kiện này dường như sẽ làm gia tăng sự lo lắng của người châu Âu. Bà nói: “Các nhà lãnh đạo châu Âu thức dậy vào sáng hôm sau và nghĩ rằng: Sự lãnh đạo của Mỹ đã tam thời kết thúc, ngay cả khi Biden được bầu và cố gắng xây dựng lại những gì Trump đã phá hủy".
Bà nói thêm, những thiệt hại đã xảy ra đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ mất nhiều năm để sửa chữa. “Sự thật là, các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy đơn độc vì họ biết rằng những gì Trump đã tháo dỡ không thể được xây dựng lại nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Đối với những người khác, Putin, Bolsonaro, Erdogan, họ hẳn đang tự nhủ với bản thân những gì chúng ta đã biết: Họ có thể làm mọi thứ, bởi vì Mỹ không còn là quốc gia lãnh đạo nữa”.
Tại Singapore, nơi tự hào về nền quản lý kỹ trị và một hình thức dân chủ cẩn trọng, cựu đại sứ Bilahari Kausikan không xem cuộc tranh luận tổng thống như một sân khấu chính trị.
"Tranh luận? Tranh luận gì?” Kausikan đưa câu hỏi. “Sự kiện này không nhằm mục đích thay đổi suy nghĩ hoặc làm sáng tỏ các vấn đề. Đó chỉ là một hình thức giải trí có tác dụng đối với cả người đương nhiệm lẫn kẻ thách thức. Nó gói gọn tất cả những gì đã xảy ra với nền chính trị Mỹ”.
Người Nhật là những người theo dõi chính trị Mỹ sát sao và ông Trump là một người được biết đến nhiều, nhưng giọng điệu của cuộc tranh luận này vẫn là một điều gì đó gây sốc. Nhiều người đã sửng sốt khi ông Biden có lúc đã nói với ông Trump rằng “hãy im đi, ông bạn”. Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, nói. “Nếu tổng thống nói như vậy, mọi người hãy coi đó là lẽ tự nhiên nhưng đối với một người tử tế như Biden mà nói thì điều đó hơi ngạc nhiên”.
Ông Trump được nhiều người hâm mộ ở Nhật Bản. Một tweet về cuộc tranh luận tuyên bố rằng "có vẻ như Trump sẽ tái đắc cử, gần như chắc chắn" đã được thích khoảng 9.000 lần và được tweet lại 1.000 lần. Một bài đăng trên mạng xã hội khác đã chất vấn đài truyền hình NHK vì đã cắt bỏ “những cảnh tồi tệ của Biden” và nói rằng các biên tập viên “cố tình dịch sai lời nhận xét của Trump”.
Yujin Yaguchi, giáo sư Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Tokyo, nói rằng sinh viên tiếng Anh ở Nhật Bản thường xem các cuộc tranh luận tổng thống để nghiên cứu kỹ thuật hùng biện. “Những gì chúng tôi thấy hôm nay thì không thể sử dụng được,” ông Yaguchi nói một cách lịch sự. "Hầu hết mọi người ở Nhật Bản sẽ mất tinh thần bởi phong cách tranh luận như bùn".
Anh Tú (theo The New York Times)
The New York Times là thời báo uy tín tại Mỹ nhưng bị Tổng thống Trump coi là tờ báo thiên vị đảng Dân Chủ