Nga đã thực hiện cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Ba Lan sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Chính quyền Ba Lan cho biết họ đã chuẩn bị trước tình huống này.

Phản ứng của Ba Lan sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt

Anh Tú | 27/04/2022, 06:40

Nga đã thực hiện cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Ba Lan sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Chính quyền Ba Lan cho biết họ đã chuẩn bị trước tình huống này.

Công ty Gazprom hôm 26.4, cho biết việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Ba Lan sẽ bị chấm dứt từ 20h hôm nay (giờ Ba Lan) theo quy định trong Nghị định do Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 31.3.2022. Quy định yêu cầu các công ty trong danh sách quốc gia không thân thiện phải thanh toán khí đốt do Gazprom cung cấp bằng đồng rúp. Do vậy, việc phía Ba Lan từ chối thực hiện khoản thanh toán bằng đồng rúp đã khiến Nga đóng đường ống dẫn khí.

Trước đó, vào ngày 26.4, Cao ủy Cơ sở Hạ tầng Năng lượng Chiến lược của Ba Lan, Piotr Naimski, đã công bố quyết định của Ba Lan liên quan đến việc không thanh toán bằng đồng rúp và nước này sẵn sàng cho các hành động của Nga bao gồm cả việc gián đoạn nguồn cung cấp.

Nhà phân phối khí đốt nhà nước của Ba Lan (PGNiG) xác nhận theo thông báo của Gazprom nguồn cung cấp khí đốt dọc theo đường ống Yamal sẽ ngừng lại. Cơ quan này cũng khẳng định việc dừng nguồn cung đã vi phạm hợp đồng của hai bên và thông báo sẽ yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại này.

Đồng thời, PGNiG nhấn mạnh rằng họ đã sẵn sàng để tiếp nhận khí đốt từ nhiều hướng khác nhau, bao gồm thông qua các kết nối khí đốt ở biên giới phía tây và phía nam và trạm LNG ở Świnoujście. Ngoài ra, Ba Lan còn khí đốt khai thác trong nước và dự trữ nhiên liệu trong các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất. Hiện tại, mức độ lấp đầy của nhà kho là khoảng 80% và cao hơn đáng kể so với giai đoạn tương ứng của những năm trước.

Phản ứng trước biện pháp của Nga, Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki đang ở Berlin cho biết: "Các kho chứa của chúng tôi đã đầy 76%. Đây là mức lấp đầy cao - hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu. Do đó, cũng trong giai đoạn chuyển tiếp này, trước khi đường ống dẫn khí Baltic đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ có thể sử dụng các nguồn lực của mình, cũng như lấy khí đốt từ tất cả các hướng khác có thể”.

Nước này đã lên phương án nhập khẩu Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và chờ đường ống Baltic dẫn khí đốt tự nhiên khai thác từ các mỏ khí đốt ở Biển Bắc của Na Uy sắp hoàn thành. Vì vậy, Warsaw hy vọng rằng vào cuối năm 2022, Ba Lan sẽ hoàn toàn độc lập khỏi các nguồn năng lượng của Nga.

Trước mắt, Thủ tướng trấn an: Tôi muốn nói rằng Ba Lan an toàn trên lĩnh vực cung cấp năng lượng và duy trì hoạt động ngành công nghiệp, chúng tôi có thể phải áp dụng các phương pháp bảo vệ bổ sung, triệt để, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó".

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản ứng của Ba Lan sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt