Sau bài “Tiếng dân và lòng dân” (báo Một Thế Giới ngày 19.8.2018, mục Chuyện hôm nay), cùng ngày, ông Võ Văn Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có phản hồi gửi tới tòa soạn. Một Thế Giới đã đăng tải nguyên văn bài phản hồi dưới tiêu đề “Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi về bài báo Tiếng dân và lòng dân”.

Phản hồi với phản hồi của ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi

21/08/2018, 07:08

Sau bài “Tiếng dân và lòng dân” (báo Một Thế Giới ngày 19.8.2018, mục Chuyện hôm nay), cùng ngày, ông Võ Văn Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có phản hồi gửi tới tòa soạn. Một Thế Giới đã đăng tải nguyên văn bài phản hồi dưới tiêu đề “Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi về bài báo Tiếng dân và lòng dân”.

Ông Võ Văn Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi

>> Người dân phản đối nhà máy rác ở Quảng Ngãi

>> Mạng xã hội lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác

>> Tiếng dân và lòng dân

>> Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"

Thực ra, bài “Tiếng dân và lòng dân” không thảo luận về việc bên nào đúng, bên nào sai trong vụ việc trên, mà chủ đề của nó là cách ứng xử, hành xử của công quyền với các phản ứng của dân chúng. Bài viết này bàn tiếp chủ đề đó.

Tôi đồng ý với ông Hào rằng “Đối thoại (chứ không phải đối đầu) vẫn là lựa chọn tốt nhất để hóa giải mọi bất đồng, mâu thuẫn”.

Để đối thoại, nhất là đối thoại xã hội, được thực hiện và đạt kết quả như mong muốn, không thể chỉ có ý muốn là được, mà phải có kiến thức, có kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức đối thoại. Và cần nhất là tinh thần cầu thị, tinh thần hoài nghi rằng bên nào cũng có thể đúng, bên nào cũng có thể sai, vậy mới cần đối thoại để hiểu nhau hơn, và cùng góp ý tìm một giải pháp tối ưu. Tuyệt đối cần bỏ hết mọi thành kiến, định kiến trước khi đối thoại.

Trước hết là xác định mục tiêu đối thoại. Mục tiêu đối thoại phải là một mục tiêu mở, thí dụ tìm giải pháp cho một vấn đề xác định. Mục tiêu không thể là áp đặt giải pháp do một bên đề ra. Thí dụ cụ thể cho việc đang xảy ra ở Quảng Ngãi: mục tiêu nên là tìm giải pháp cho xử lý rác thải rắn cho địa phương. Mục tiêu không thể là: “tuyên truyền thuyết phục để người dân hiểu rõ” rằng “nhà máy không có lý do gì để di dời hết”, “nhà máy ở đây chỉ có lợi cho người dân” và do đó “phải bảo vệ để nhà máy hoạt động”. Đặt mục tiêu như vậy là đặt mục tiêu đóng, là chốt một cái khóa chết (dead lock), không gợi mở, không mời gọi ý tưởng và sáng kiến của các bên đối thoại. Mục tiêu đó ngay từ đầu đã giết chết đối thoại.

Theo ông Hào trình bày, tôi hiểu rõ người dân phản đối nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ. Số người tham gia không ít. Chú ý rằng Việt Nam chưa có luật biểu tình, nên con số người dân tham gia phản đối có thể còn đông hơn, bởi vì còn nhiều người đồng quan điểm nhưng không thể, không dám biểu lộ ý kiến. Điều này để ước lượng rằng một số đông dân chúng phản đối nhà máy. Con số đông này nói lên lập luận phản đối đáng được lưu tâm về tính hữu lý của nó. Nhà máy được đầu tư và vận hành bởi một doanh nghiệp đã vay 40 tỉ đồng và bỏ ra thêm 15 tỉ xây dựng nhà máy, cũng theo ông Hào.

Như vậy đang có tranh chấp giữa hai bên, một bên là doanh nghiệp và một bên là dân chúng. Dân chúng không đồng tình với cách xử lý chất thải của doanh nghiệp. Tôi nghĩ, và cũng rất thông thường tại các quốc gia khác trên thế giới, là nhà nước nên đứng ra ngoài tranh chấp này. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò trung gian, tổ chức, bảo vệ an ninh cho dân chúng đối thoại với doanh nghiệp. Khi nhà nước đóng vai trò đó, xã hội sẽ có ít nhất là 4 cái lợi dưới dây:

1) Sự đối thoại sẽ thực chất hơn, cầu thị hơn vì doanh nghiệp biết mình không được chống lưng bởi thế lực nào, ngoại trừ sự hữu hiệu của kế hoạch kinh doanh và khả năng thuyết phục của dự án mình.

2) Dân chúng sẽ bước vào đối thoại với tinh thần thoải mái bởi vì không còn nghi ngờ về mối liên hệ phía sau giữa doanh nghiệp và một thế lực nào đó trong công quyền!

3) Trong vai trò tổ chức, trung gian, chính phủ sẽ có vị thế đứng bên ngoài, đứng trên mọi tranh chấp của hai bên, dễ được sự kính nể, tin tưởng của hai bên, do đó có thể có tiếng nói hòa giải, trọng tài khi cần thiết (thực ra tòa án chính là địa chỉ đúng để xử lý các tranh chấp. Để đi sâu vấn đề này thì cần bàn thêm về vai trò và vị thế của tòa án nhưng giờ chưa phải lúc thích hợp để nói về điều này).

4) Khi chính phủ đứng ngoài các bên, sự tranh chấp chỉ là tranh chấp dân sự giữa hai bên, dân chúng và doanh nghiệp. Phía phản đối sẽ không còn được xem là “thế lực chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền”. Xã hội khỏe biết bao nhiêu! Dân chúng, chính phủ, chính quyền hợp tác với nhau trong một sự phân vai rõ rệt. Dân chúng nào cũng muốn có một chính quyền mà họ tin vào năng lực và tính liêm chính để họ cộng tác xây dựng xã hội chung!

Kết thúc bài này, tôi xin được nhắc lại lời ông Hào: “Không có việc gì là không thể làm được, nếu chúng ta đều có thiện chí, khoan dung, lắng nghe và thấu hiểu”. Chỉ thêm: lắng nghe và thấu hiểu phải từ hai (nhiều) phía liên quan. Nếu một bên luôn được bảo vệ, thông cảm, còn một bên phải “lắng nghe và thấu hiểu”; nếu một bên luôn có “phân tích, đánh giá, chủ trương đúng đắn” còn một bên bị lên án là nguyên nhân khiến “cuộc sống của hàng chục ngàn con người nơi đây bỗng nhiên bị đảo lộn”, và bị ám chỉ là bị tác động bởi các trang mạng của “bọn kền kền Việt Tân, VOA, RFA”... thì e rằng chưa dễ để có đối thoại bình đẳng, thiện chí và tìm được "tiếng nói chung".

Không có đối thoại để tìm "tiếng nói chung" hôm nay, ắt có thể dẫn đến tích tụ nguy cơ khó lường cho ngày mai. Đó là mối lo lớn của nhiều người dân!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản hồi với phản hồi của ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi