Những người biểu tình tại Paraguay đã xông vào tòa nhà Quốc hội nước này và đốt nó sau khi Thượng viện bí mật sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Horacio Cartes ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Paraguay: Người biểu tình đốt tòa nhà Quốc hội vì Thượng viện bí mật sửa hiến pháp

Hà Ngọc Bách | 01/04/2017, 16:28

Những người biểu tình tại Paraguay đã xông vào tòa nhà Quốc hội nước này và đốt nó sau khi Thượng viện bí mật sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Horacio Cartes ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Clip bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Paraguay - nguồn YouTube:

Hiến pháp của Paraguay được thông qua hồi năm 1992, cấm tất cả những lãnh đạo nước này được tái cử. Biện pháp quyết liệt này được áp dụng do đất nước Nam Mỹ này chỉ mới thoát khỏi một chế độ độ tài vào năm 1989.

"Một cuộc đảo chính đã được thực hiện, chúng tôi sẽ kháng cự và chúng tôi kêu gọi mọi người ở cạnh bên mình", Thượng nghị sĩ đối lập Desiree Masi tuyên bố.

Lực lượng cứu hỏa đã kiểm soát được ngọn lửa tại tòa nhà Quốc hội bùng lên vào nửa đêm ngày 31.3 (giờ địa phương). Tuy nhiên, các cuộc bạo động và biểu tình vẫn đang diễn ra ở các vùng khác của thủ đô Asuncion và những khu vực khác trên toàn Paraguay.

Trước đó, truyền hình địa phương chiếu những cảnh quay cho thấy tòa nhà Quốc hội Paraguay tràn ngập trong lửa, người biểu tình và cảnh sát thì đụng độ trên đường phố. Cảnh sát đã dùng biện pháp mạnh trấn áp bạo loạn gồm cả súng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay.

Một số chính trị gia, nhà báo đã bị thương theo truyền thông địa phương. Bộ trưởng Nội vụ Tadeo Rojas cho hay một số cảnh sát cũng bị thương trong thời gian bạo động.

Một Hạ nghị sĩ đã phải nhập viện cấp cứu vì bị trúng đạn cao su của cảnh sát khi tham dự cuộc biểu tình chống lại việc sửa đồi hiến pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Tadeo Rojas kêu gọi mọi người bình tĩnh và tránh các hành động bạo lực.

"Dân chủ không thể chinh phục hay được bảo vệ bằng bạo lực và mọi người phải biết rằng chính phủ này sẽ dốc hết sức để bảo vệ trật tự của đất nước. Chúng ta không được cho phép những kẻ man rợ phá hủy sự hòa bình, bình yên và hạnh phúc của người Paraguay", ông Rojas tuyên bố.

Sự bất ổn chính trị tại Paraguay lại ngẫu nhiên trùng hợp với một sự kiện quốc tế hiếm hoi tại nước này. Hàng ngàn doanh nhân và quan chức Nam Mỹ sẽ đến Asuncion trong tuần này để tham dự hội nghị thường niên của Ngân hàng phát triển liên Mỹ.

Trong khi từ lâu Paraguay đã chìm trong những bất ổn chính trị thì quốc gia 6,8 triệu dân này đang có mức phát triển kinh tế khá tốt dưới thời ông Carter vì vị lãnh đạo này thu hút các công ty nước ngoài đến đầu tư bằng cách giảm thuế.

"Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tránh gây bạo động và giải quyết mọi thứ thông qua đối thoại", Đại diện của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tại Nam Mỹ ông Amerigo Incalcaterra nói.

Bất ổn chính trị tại Paraguay sẽ là một mối lo lắng cho hai nước láng giềng lớn của nước này là Brazil và Argentina. Brazil hiện cũng đang trong vòng xoáy của bất ổn chính trị liên quan đến những cáo buộc tham nhũng của những chính trị gia cấp cao.

Cải cách hiến pháp bí mật

Trước cuộc bạo động, trong ngày 31.3 Thượng viện Paraguay đã thông qua sửa đổi hiến pháp trong một phiên họp kín đặc biệt. 25 nhà lập pháp đã thông qua sửa đổi hiến pháp, nhiều hơn 2 phiếu để biện pháp được thông qua.

Những người phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho rằng hành động này làm suy yếu chế độ dân chủ của Paraguay và cuộc bỏ phiếu kín của Thượng viện là bất hợp pháp.

Đề xuất cải cách hiến pháp này để được ban hành phải được Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, nhiều khả năng điều này sẽ được thực hiện khi Chủ tịch Hạ viện Hugo Velazquez cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức sáng 1.4, bất chấp bạo loạn.

Là một quốc gia Mỹ Latinh, Paraguay có một lịch sử chính trị không mấy tốt đẹp liên quan đến những lãnh đạo độc tài. Vì vậy, cũng giống như Peru và Chile nước này không cho lãnh đạo của mình tái cử. Nhiều nước khác tại Mỹ Latinh đã bỏ điều khoản cấm tái cử này như Colombia và Venezuela.

Đề xuất thay đổi hiến pháp sẽ được áp dụng cho Tổng thống đương nhiệm của Paraguay, một nhà tài phiệt giàu có trong ngành nước giải khát và thuốc lá được bầu hồi năm 2013.

Ông Lugo bị Quốc hội Paraguay phế truất hồi năm 2012, sau khi ông không thể duy trì được trật tự xã hội. Việc lật đổ chính trị gia cánh tả này khi đó bị nhiều nước Mỹ Latinh, đặc biệt là những nước có chính phủ cánh tả chỉ trích mạnh.

Hồi tháng 8.2016, một đề xuất cải cách hiến pháp tương tự đã bị Quốc hội Paraguay bác bỏ. Tuy nhiên, trong tuần này Quốc hội Paraguay lại thông qua một nghị quyết cho phép các đề xuất được đưa ra xem xét lại khôngcần phải chờ đến 1 năm như trước.

Hiến pháp hiện tại của Paraguay ra đời như thế nào?

Sau Chiến tranh Thế giới lần 2, tình hình chính trị ở Paraguay trở nên không ổn định với việc một vài đảng chính trị giao chiến để tranh giành quyền lực cuối thập kỷ 1940. Cuối cùng, những đấu đá quyền lực bùng phát thành nội chiến vào năm 1947.

Một loạt các chính phủ không vững chắc được lập ra cho đến năm 1954 khi nhà độc tài Alfredo Stroessner lên nắm quyền, ông tại nhiệm trong hơn ba thập kỷ sau đó. Paraguay bắt đầu hiện đại hóa trên một số phương diện dưới thời kỳ cầm quyền của Stroessner vốn đầy tai tiếng với các vụ lạm dụng hay ngược đãi.

Cuối thập niên 80, nền kinh tế sa sút và sự cô lập của quốc tế đã tạo cơ hội cho lực lượng đối lập đấu tranh dẫn tới bầu cử dân chủ vào năm 1988.

Lãnh đạo của PLRA, Domingo Laino là trung tâm của lực lượng đối lập vào nửa cuối thập kỷ 1980. Các nỗ lực của chính quyền nhằm cô lập ông như lưu đày vào năm 1982 đã phản tác dụng. Tuy nhiên chính quyền Stroessner đã bớt gay gắt vào tháng 4.1987 và cho phép ông Laino tới thủ đô.

Ông Laino sau đó đã lãnh đạo một hoạt động đấu tranh. Các cuộc biểu tình được tổ chức và nhanh chóng giải tán trước khi cảnh sát đến.
Để đối phó với phong trào, chính quyền buộc phải tổ chức Tổng tuyển cử vào tháng 2.1988. Tuy nhiên, cuộc bầu cử không thực sự minh bạch khi ông Strossner tái cử với số phiếu 89%.

Năm 1989, ông Stroessner bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Andres Rodriguez tiến hành. Với vị trí tổng thống tướng Rodríguez đã cải cách chính trị, luật pháp và kinh tế, tái lập mối quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Tháng 6.1992, hiến pháp lập ra một hệ thống bầu cử dân chủ và cải cách các quyền cơ bản. Vào tháng 5.1993, đảng Colorado do Juan Carlos Wasmony lãnh đạo đã được lựa chọn là tổng thống dân cử đầu tiên của Paraguay sau 40 năm.

Thiên Hà (theo Chanel News Asia)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Paraguay: Người biểu tình đốt tòa nhà Quốc hội vì Thượng viện bí mật sửa hiến pháp