Ngay sau khi ông Ba Quốc lên chiến khu, đại họa đã giáng xuống đầu gia đình ông. Vợ và người con trai thứ ba của ông ở Sài Gòn bị bắt.

'Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng': Đại họa giáng xuống đầu vợ con

H.V | 28/04/2023, 11:06

Ngay sau khi ông Ba Quốc lên chiến khu, đại họa đã giáng xuống đầu gia đình ông. Vợ và người con trai thứ ba của ông ở Sài Gòn bị bắt.

Bà Ngô Thị Xuân, vợ ông kể: “Suốt hai mươi năm tôi sống trong lo lắng, cứ mỗi lần ông về muộn là tôi lại thấp thỏm không yên, không biết tai họa sẽ giáng xuống lúc nào. Và ngày đó đã đến. Ông vừa đi thì mẹ con chúng tôi bị chúng bắt, tra tấn tàn bạo lắm. Con tôi bị đánh mặt mũi sưng vù, chân tay lở lói, ăn uống thì thiếu thốn nên cả người nó bị phù thũng. Tôi nhớ có lần chúng đưa đi thẩm vấn, tôi ngồi đằng này, con tôi ngồi đằng kia mà mẹ con tôi không nhận ra nhau. Thấy nó nhưng tôi không nghĩ đó là con của mình, mãi đến khi nó mở miệng nói thì tôi mới nhận ra nó”.

“Tôi thấy như thế nào tôi khai hết…”

Còn anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc thì kể: “Ban đầu chúng bắt mẹ con chúng tôi vào giam ở nhà giam của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, giam riêng mẹ tôi một nơi, tôi một nơi. Người hỏi cung là đại úy Phan Ngọc Sơn. Ngày đầu tiên chúng không hỏi gì hết. Đến tối, chúng đưa cho tôi một tờ giấy bảo làm bản tự khai, bảo tôi khai tất cả những việc tôi làm từ nhỏ đến lớn. Trước khi đi bố tôi dặn đi dặn lại là, tất cả những gì tôi đã làm thì phải khai cho hết, bố bảo không khai là không được vì tất cả những vân tay đều được in trong phim rồi.

Tôi khai: ‘Bắt đầu từ năm 1971, thấy bố mang máy chụp hình về, bảo chụp hình giùm bố, đó là những tài liệu về trận liệt, bố nói là chụp tài liệu cho Phủ Đặc ủy’. Chúng hỏi những việc bố tôi làm ở nhà, những ai thường đến nhà và địa chỉ những người đó ở đâu. Tôi thấy như thế nào tôi nói ra như thế, những gì không biết tôi nói không biết. Tôi chỉ không khai bố tôi là Việt Cộng thôi, vì trước khi đi bố tôi dặn nhất thiết không được khai chuyện đó.

Hằng ngày chúng làm cung và làm cung liên tục. Vài hôm sau khi bị bắt, khi tôi đi tắm thì nhìn thấy ông Vũ Văn Mùi, tôi hơi giật mình. Vợ ông Mùi và con trai ông Mùi cũng bị bắt. Trong trại giam, tôi nằm phòng chính giữa, con ông Mùi nằm phía bên phải, ông Mùi nằm phía bên trái, hai phòng ngoài là mẹ tôi và vợ ông Mùi nằm. Ông Mùi bị chúng đánh suốt một tuần lễ, người chỉ còn da bọc xương”.

“Ông Mùi khai đã đưa tài liệu cho bố anh?”, chúng tôi hỏi. “Ông Mùi là người giữ tài liệu gốc ở Bộ Tổng tham mưu, đưa cho bố tôi, ông ta chỉ biết bố tôi là người của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, tất nhiên là ông ta khai như vậy. Trong trại giam bà vợ ông Mùi còn phàn nàn với mẹ con tôi rằng: Đưa tài liệu cho ông Tá mỗi tháng chỉ được ông Tá cho một bao gạo, mà chồng tôi chỉ biết ông Tá làm cho Mỹ, không ngờ lại ra nông nỗi này”.

Anh kể tiếp: “Trong thời gian này tôi đang chuẩn bị thi tú tài. Những người trong Phủ Đặc ủy bảo với tôi: ‘Chúng tôi biết anh đang chuẩn bị thi tú tài, anh khai thì cứ khai, nhưng trong thời gian rảnh, chúng tôi sẽ mang sách vở đến cho anh học thi’. Và quả đúng như thế, họ bảo tôi viết thư gửi về nhà và cho người đến gặp anh tôi, cậu tôi để lấy sách vở mang vào cho tôi học thật.

ong-tuong-tinh-bao-bi-an-quote-4a.jpg

Hỏi cung liên tục hơn hai tháng, một hôm chúng đem những tấm hình tài liệu ra hỏi: ‘Có phải anh chụp những tấm hình này không?’. Tôi đáp: ‘Đúng là tôi chụp’. Chỉ vào hai dấu vân tay, chúng hỏi tiếp: ‘Dấu tay này là của ai?’. Tôi đáp: ‘Của bé Hạnh, em gái tôi’. Sau đó chúng bảo sẽ chở mẹ con tôi đi để thả về. Nhưng mẹ tôi nói với tôi rằng: ‘Chúng sẽ không thả đâu con’. Và đúng như mẹ tôi nói. Chúng đưa chúng tôi lên xe chở đi, đến khi chúng mở băng bịt mắt thì tôi thấy nguyên một dãy nhà tù, sau này tôi mới biết đó là Trung tâm Thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát”.

“Tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo chúng có đánh mẹ con anh không?” “Tại đây chúng không đánh, chỉ hỏi cung hai tháng thì kết thúc hồ sơ. Nhưng sang đến Trung tâm Thẩm vấn thì khác. Mẹ con tôi bị đánh tàn bạo. Người làm cung ở đây là đại úy Nguyễn Văn Hiệp. Gặp tôi là hắn đánh phủ đầu. Hiệp hỏi: ‘Mày có biết bố mày là Việt Cộng không?’. Tôi trả lời: ‘Không biết’. Hiệp: ‘Mày mà không biết bố mày là Việt Cộng hả?’. Hắn vừa nói vừa đánh tôi một trận nhừ tử. Chúng đưa tôi đến nhận diện giao thông viên. Hỏi: ‘Có biết người này không?’. Trả lời: ‘Không biết’. Mà thật sự là tôi không hề biết người đó. Lại đánh một trận nữa.

Đến hôm khác, hắn lại hỏi: ‘Người đưa bố mày đi là ai? Bây giờ ở đâu?’. Trả lời: ‘Không biết’. Lại bị đánh. Một hôm khác, hỏi: ‘Mày thấy bố mày bắt đầu chụp hình từ khi nào?’. Tôi khai như khai ở Phủ Đặc ủy. Hắn bắt tôi diễn lại việc chụp hình, tráng hình... Rồi tiếp tục đánh. Hôm khác lại hỏi: ‘Ngoài tài liệu của bố mày đưa cho mày chụp, còn có ai đưa tài liệu nữa không? Người ấy bây giờ ở đâu?’. Trả lời: ‘Không có ai nữa hết’. Lại đánh tiếp. Chúng thẩm vấn như vậy mãi cho đến hết tháng 11-1974 thì làm xong cung, lúc đó mới hết đánh”.

Chuyện hàng xóm và người giao liên

Anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc kể tiếp: “Trong thời gian mẹ tôi và tôi ở trong nhà giam, anh tôi ở nhà một mình nuôi hai đứa em. Trước anh tôi cũng học trường Lasan Đức Minh, đỗ tú tài 2 xong, do học giỏi, anh được cấp học bổng đi du học Colombia (Mỹ). Trường Đức Minh có hai người được học bổng du học đợt đó, nhưng bố tôi không cho đi, nên anh thi và đỗ vào trường Phú Thọ. Khi bố tôi bị lộ, mẹ tôi và tôi bị bắt, trường Phú Thọ chỗ anh tôi học không gây khó dễ gì cho anh tôi cả. Anh tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi dạy kèm. Giám học trường Lasan Đức Minh thấy hoàn cảnh gia đình tôi như vậy cũng giúp đỡ bằng cách giới thiệu cho anh tôi đi dạy thêm.

Trong những học trò mà anh tôi dạy có cả con của trung tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn II. Còn tại cư xá nhà tôi ở, phía dưới là nhà trung tá Ngọ, phi công. Bên cạnh là nhà ông Đán, trợ lý của linh mục Hoàng Quỳnh. Cạnh ông Đán là nhà ông Thụ, thiếu tá Biệt khu Thủ đô. Trên lầu là hai ông ở Bộ Nội vụ, cạnh đó là nhà ông Lộc, ông Phúc, ở Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Đối diện cầu thang nhà tôi là nhà đại tá Nguyễn Văn Y, trước là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia thời Ngô Đình Diệm, lúc đó đã về hưu...

ong-tuong-tinh-bao-bi-an-4a.jpg

Xung quanh toàn là những người như vậy cả, nhưng khi biết bố tôi là Việt Cộng rồi mà không ai có định kiến gì. Ngay cả những người ở Phủ Đặc ủy cũng kêu anh tôi đến dạy cho con họ. Có lẽ do cách sống, cách ăn ở của bố tôi làm ai cũng có cảm tình, nên khi biết ông là Việt Cộng rồi mà không ai sợ liên lụy cả. Chính vì vậy mà anh tôi mới có việc làm nuôi hai đứa em ăn học bình thường”.

Anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc sau này cũng trở thành sĩ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh đúng là con ông Tá “bụt”, hiền lành, chân chất, thấy ai tốt thì anh nói tốt, mà những chuyện tốt của người khác thì anh nhớ rất lâu.

“Còn việc bắt giam mẹ anh và anh, sau đó chúng xử lý như thế nào?” “Giam được sáu tháng, sau khi làm cung xong, một hôm chúng dẫn chúng tôi ra xe đưa qua Nha Cảnh sát Đô thành. Hai ngày sau chúng thả mẹ tôi ra, còn tôi chúng cũng thả ra nhưng kèm theo một tờ giấy yêu cầu đến trình diện tại Trung tâm Nhập ngũ 3. Về tới nhà, chúng yêu cầu mẹ tôi phải đăng một mẩu tin trên báo Đại Dân tộc, nội dung chúng viết sẵn như sau: Nhắn bố thằng Q. Gia đình vẫn bình yên. Bố về gấp! Q. là em trai tôi…” “Rồi anh có trình diện không?” “Không. Lúc đó tình hình đã rất lộn xộn rồi. Mấy tháng sau thì giải phóng.” “Có đăng báo không?” “Có chứ. Chúng bắt buộc phải làm như vậy.” “Anh có biết chúng bảo đăng báo như vậy để làm gì không?” “Có lẽ để dụ bố tôi về”.

Suốt hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, trong những tình huống bất đắc dĩ hoặc do yêu cầu bức bách của nhiệm vụ, ông Ba Quốc nhiều phen phải mạo hiểm, phải “liều”, nhưng ông vô cùng cẩn trọng. Theo chúng tôi biết, việc ông bị lộ là do một tình huống rủi ro ngẫu nhiên, không phải khiếm khuyết của bản thân ông hay của hệ thống liên lạc.

Bà Bảy Anh (Nguyễn Thị Bảy), người giao thông nội đô cho ông kể: “Chuyện anh Ba bị lộ là như thế này: Bữa đó có một cô giao liên trong cứ ra gặp tui để lấy tài liệu. Tui biết trên đường đi cô ấy không hề bị lộ. Nhưng trong lúc đi xe đến Củ Chi, thì tình cờ một cán bộ nào đó của mình bị tụi nó phát hiện bắt ngay trên xe, cho nên tất cả những người đi chung xe đều bị bắt hết. Biết cô giao liên bị bắt thì mấy ảnh trong cứ tức tốc cho liên lạc gọi tui vào trong cứ. Tui báo với mấy ảnh rằng cô ấy không biết tui ở đâu, nên tui biết chắc là tui không thể nào bị lộ được. Nhưng cấp trên đã bảo rút thì tui phải chấp hành. Cô ấy bị bắt và địch đã phát hiện ra chính tài liệu sau cùng mà tui nhận từ anh Ba giao cho cô ấy, từ tài liệu đó mà địch truy ra”.

Bà Bảy Anh chính là vợ ông Bảy Anh, người chỉ huy trực tiếp của ông Ba Quốc sau ông Ba Hội. Bà cũng lên căn cứ cùng lúc với ông Ba Quốc. Sau giải phóng bà mang quân hàm trung úy. Bà được thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 và ba Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng': Đại họa giáng xuống đầu vợ con