Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ ra tận chân cầu thang máy bay đón 3 công dân Mỹ được CHDCND Triều Tiên trả tự do về đến Mỹ, nhưng ít nhất 5 tù nhân Mỹ ở Iran đang đối mặt với tương lai bấp bênh vì ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA).

Ông Trump sẽ giải cứu được tù nhân người Mỹ ở Iran?

Trần Trí | 11/05/2018, 18:13

Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ ra tận chân cầu thang máy bay đón 3 công dân Mỹ được CHDCND Triều Tiên trả tự do về đến Mỹ, nhưng ít nhất 5 tù nhân Mỹ ở Iran đang đối mặt với tương lai bấp bênh vì ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA).

Hiện có ít nhất 5 công dân Mỹ có quốc tịch kép bị giam ở Iran, nhưng các chuyên gia nói có thể còn cónhiều tù nhân hơn, vì nhiều gia đình không muốn công khai sự việc.

Gia đình 5 tù nhân người Mỹ vận động chính phủ trong vô vọng

1- Anh Xiyue Wang, 32 tuổi, một sinh viên người Mỹ gốc Trung Quốc tốt nghiệp đại học Princeton, bị Iran bắt tháng 8.2016, khi anh đang là nghiên cứu sinh đề tài lịch sử cổ Iran để lấy bằng tiến sĩ. Năm 2017, Wang bị kết án 10 năm tù vì “tội do thám” nhưng anh phủ nhận.

Ngày 11.5 (giờ Mỹ), gia đình anh Wang sẽ tổ chức một cuộc mít-tinhđể kêu gọi chính phủ Trump và Iran cùng hợp tác làm việc để thả anh. Người vợ Hua Qu nói rất lo cho mạng sống của chồng mình.

Người phát ngôn của đại học Princeton cho biết trường hy vọng anh sẽ sớm được trở về Mỹ đoàn tụ với vợ con và hoàn tất việc lấy bằng tiến sĩ.

2- Luật sư Jared Genser của hai cha con Baquer - Siamak Namazi nói gia đình 2 tù nhân này hôm 9.5 đã gặp các quan chức cấp cao Nhà Trắng và một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ.

Luật sư và gia đình Namazi từ chối bình luận về hành động của Tổng thống Trump. Siamak, 46 tuổi, là giám đốc một công ty dầu khí, bị Iran bắt hồi tháng 10.2015. Qua năm sau, ông Baquer bị bắt khi đến Iran tìm cách vận động thả con trai.

Ông Baquer và con trai đều bị Iran kết án 10 năm tù, vì tội "hợp tác với quốc gia thù địch Iran”, nhưng hai cha con đều phủ nhận tội.

Em trai Babak của Siamak tuyên bố: “Với tôi, quan trọng nhất là cha và anh tôi về nước an toàn và lập tức, trước khi trở nên quá trễ”. Anh hoan nghênh 3 công dân Mỹ được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trả tự do và về Mỹ cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng anh cũng tan nát cõi lòng vì cha và anh vẫn còn bị nhốt ở Iran.

Luật sư Genser cho biết chính phủ cho ông và gia đình Namazi biết: quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA là “rất có ích trong việc phát một tín hiệu rõ ràng đến Iran”.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 9.5: chính phủ “có trao đổi với nhiều bên, cố gắng giải quyết các trường hợp này”, nhưng không cho biết chi tiết với cớ “chuyện nhạy cảm”.

Luật sư Genser nói vì không có đối thoại trực tiếp, gia đình Namazi kêu gọi Tổng thống Trump mở kênh đối thoại với Iran để xử lý vấn đềnày, và hiện không biết chính phủ có nỗ lực đáp ứng lời đề nghị hay không.

Người ủng hộ đặc biệt quan ngại sức khỏe của ông Baquer, 82 tuổi. Hồi tháng 9, ông đã phải chịu mổ tim lúc đang ở tù.

Hồi đầu năm nay, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói với kênh tin tức ABC News: Iran không muốn giữ một vụ tương tự Otto Warmbier (sinh viên 22 tuổi người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ 17 tuổi, đến tháng 6.2017 được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê sâu và qua đời 6 ngày sau khi về nước).

3- Morad Tahbaz, 62 tuổi, là công dân Mỹ bị Iran bắt gần đây nhất. Ông là một doanh nhân Mỹ gốc Iran và là chủ nhiệm Quỹ Di sản tự nhiên Vịnh Ba Tư (PHWF). Tháng 1.2018, ông cùng những người khác thuộc PHWF bị Iran bắt và bị cáo buộc “làm gián điệp”. Qua tháng 2, một thành viên người Canada gốc Iran bị chết trong tù.

Chính phủ Mỹ không xác nhận vụ bắt Tahbaz, viện lý do quan ngại riêng tư, nhưng hồi tháng 2.2018 có cho ABC News biết: chính phủ “biết những thông tin một công dân Mỹ bị bắt giữ ở Iran”.

4- Karan Vafadari, một người Mỹ gốc Iran làm chủ một gian triển lãm nghệ thuật ở Tehran. Sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt người vợ Afarin Neyssari (có quyền thường trú dài hạn ở Mỹ) ngay tại sân bay Iran, Vadafari đến Iran tìm vợ hồi tháng 7.2016. Hai vợ chồng bị buộc tội uống rượu và tổ chức tiệc tùng có cả đàn ông lẫn đàn bà tham dự. Hai vợ chồng sau đó bị buộc tội “làm gián điệp” và đều phủ nhận tội.

5- Công dân Mỹ Bob Levinson (nay 70 tuổi) mất tích ở Iran từ năm 2007 đến nay. Gia đình hy vọng cựu đặc vụ Cục điều tra liên bang (FBI) này vẫn còn sống.

6- Công dân Mỹ Robin Shahini đã được Iran cho đóng tiền bảo lãnh tại ngoại, nhưng không rõ anh có được rời khỏi Iran hay không.

Jason Rezaian, một nhà báo Mỹ bị Iran bỏ tù 18 tháng cho đến tháng 1.2016, gần đây nói với CNN rằng anh không thấy các công dân Mỹ có quốc tịch kép được tha, sau khi ông Trump rút khỏi JCOPA.

Trong một bài viết trên báo Washington Post, Rezaian cho biết các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “hiện không có đàm phán có ý nghĩa nào” nhằm giải cứu các tù nhân người Mỹ. Rezaian viết: “Cho đến nay, việc bỏ rơi họ sẽ là một trong những thất bại to lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Trump”

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên, gửi thư điện tử cho báo Guardian, nhấn mạnh chính phủ đang “sử dụng tất cả các biện pháp có trong tay” để bào chữa cho các tù nhân Mỹ, nhưng không cho biết thêm chi tiết: “Chúng tôi đã kêu gọi Iran lập tức thả các công dân Mỹ bị giam nhốt trái phép ở Iran”.

Hành động của ông Trump tạo cớ cho Iran có thêm “chốt thí”

Theo Newsweek, các nhà lãnh đạo Mỹ vàIran chỉ trích lẫn nhau.Chủ tịch Quốc hội Iran nói ông Trump không đủ năng lực tâm thần để hiểu thỏa thuận, còn quan chức Nhà Trắng trách Iran hành động quân sự ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif hồi tháng 4 có nói với kênh thời tin tức CBS News: “Nếu ông Trump đổi thái độ với Iran”, thì Tehran có thể xem xét trao đổi tù nhân, như một thỏa thuận mà Tổng thống Barack Obama đã đồng ý năm 2016.

Ông Zarif nói: “Bạn không nên bước vào đàm phán mà phơi ra sự không tôn trọng một quốc gia, chính phủ và nhân dân quốc gia đó, bằng cách tuyên bố ảo tưởng về chuyện thay đổi chế độ”.

Nhiều chuyên gia và các nhà hoạt động nhân quyền mau chóng chỉ ra quan hệ xuống cấp giữa Washington với Tehran sẽ khiến khó có thể đòi tự do cho công dân Mỹ bị giam nhốt ở Iran.

Bà Jasmin Ramsey, đại diện Trung tâm nhân quyền ở Iran (trụ sở ở Mỹ) nói với Newsweek: “Dĩ nhiên khó mà đoán trước, nhưng khi ông Obama ký JCPOA năm 2015, có cả thỏa thuận trao đổi tù nhân. Nay cơ hội ấy là bằng không. Bất kỳ sự liên lạc nào cũng sẽ bị hạn chế, thậm chí lại bị cắt như đã từng cắt. Việc đàm phán trao trả tù nhân nay không còn”.

Bà Ramsey còn nói cộng đồng quốc tế nên bảo đảm không dung dưỡng thói quen xấu của Iran là bắt công dân nước ngoài và có quốc tịch kép làm quân thí chốt chính trị. Những người này bị Tehran tuyên án không xét xử, và trách nhiệm số 1 hiện thuộc về Iran có xét xử họ một cách tự do và công bằng hay không.

Iran rất hạn chế trong việc xét quyền lợi của những công dân có quốc tịch kép này, và Iran không công nhận quốc tịch kép. Tôi không thể tưởng tượng các tù nhân đang cảm nhận thế nào về quan hệ xuống cấp giữa Mỹ với Iran”.

Chủ nhiệm Hadi Ghaemi của Trung tâm trên đồng ý, nói hành động của ông Trump khiến các công dân Mỹ gốc Iran bị nguy hiểm nặng hơn: “Không hề có lý do nào để Iran có cử chỉ thiện chí với Mỹ ngay lúc này.

Bà Wendy Sherman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ tham gia đàm phán JCPOA với Iran, nói quyết định của Tổng thống Mỹ có thể khiến các tù nhân Mỹ phải chịu những bản án lâu năm hơn, và sẽ mất nhiều thời gian trước khi những người bị bắt hoặc mất tích ở Iran có thể về Mỹ: “Tôi đau lòng khi nói hành động của Tổng thống khiến cuộc đấu tranh này khó khăn hơn”.

Bà Holly Dagres, một nhà bình luận Mỹ gốc Iran và điều hành trang tin chống Iran, nói hành động của Tổng thống Trump tạo cớ cho phe cứng rắn ở Iran không chỉ giam nhốt công dân Mỹ lâu hơn, mà còn có thể bắt thêm nhiều công dân nước ngoài có quốc tịch kép, để sử dụng như chốt thí trong việc Iran đàm phán chính trị với phương Tây”.

Trung Trực (theo Newsweek. Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump sẽ giải cứu được tù nhân người Mỹ ở Iran?