Nếu ví cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một trận chiến thì bài phát biểu chấp nhận thua cuộc (concession speech) chính là hiệp ước hòa bình.

Ông Trump có phát biểu nhận thua vì tương lai các con?

Cẩm Bình | 07/11/2020, 09:00

Nếu ví cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một trận chiến thì bài phát biểu chấp nhận thua cuộc (concession speech) chính là hiệp ước hòa bình.

Tổng thống Donald Trump quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đài CNN dẫn nguồn thạo tin tiết lộ ông Trump không hề có ý chấp nhận thất bại nên chẳng chuẩn bị bài phát biểu thua cuộc.

Diễn biến bầu cử đang vô cùng bất lợi cho Tổng thống Trump khi đối thủ Joe Biden lật ngược tình thế rồi gia tăng khoảng cách ở ba bang chiến trường Pennsylvania, Nevada, Georgia. Đương kim lãnh đạo vài ngày qua liên tục đưa ra cáo buộc gian lận phiếu bầu vô căn cứ, đồng thời tiến hành cuộc chiến pháp lý hòng can thiệp công tác kiểm phiếu.

Song, nhà báo Scott Farris, người viết nhiều sách về các chính trị gia, đặc biệt là Tổng thống Mỹ, lại lạc quan về khả năng ông Trump nhận thua.

“Richard Nixon từng cáo buộc bị John Kennedy giở trò tại Texas và Illinois, tuy vậy ông ấy hiểu rằng nếu không hành xử đúng thì sự nghiệp chính trị trong tương lai sẽ kết thúc. Donald Trump chắc chắn cũng nhận thức được. Là một kẻ thất bại hành xử tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến những người con - cũng có tham vọng chính trị riêng - của ông”, nhà báo Farris nhận định.

201019-election-live-blog-main-cover.jpg
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỷ 2020 rất kịch tính - Ảnh: NBC News

Truyền thống nhận thua

Tất nhiên, nguy cơ Tổng thống Trump từ chối phát biểu thua cuộc hay không gửi lời chúc mừng đối thủ vẫn rất lớn. Giới phân tích cảnh báo làm vậy không chỉ phá vỡ truyền thống tồn tại suốt 124 năm mà còn làm suy yếu kết quả bầu cử, khiến căng thẳng chính trị vốn rất trầm trọng leo thang.

Giáo sư William Howell, Trưởng khoa Chính trị học đại học Chicago, cho biết: “Bài phát biểu thua cuộc là hình thức khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Việc người thua công nhận kết quả và kêu gọi lực lượng ủng hộ công nhận rất quan trọng cho nền dân chủ Mỹ”.

Hiến pháp cùng luật pháp Mỹ không quy định chuyện phát biểu thua cuộc. Đây là truyền thống bắt nguồn từ phép lịch sự tối thiểu năm 1896: Chính trị gia William Jennings Bryan gửi điện tín chúc mừng đối thủ William McKinley đắc cử tổng thống. Trong điện tín ghi rõ: “Ý chí nhân dân chính là luật”.

Truyền thống kéo dài từ năm 1896 đến nay dưới nhiều hình thức như phát biểu qua sóng truyền thanh, đăng tin trên báo, phát biểu trực tiếp qua truyền hình, gọi điện. Hơn 1 thế kỷ qua đã có 32 bài phát biểu thua cuộc.

gettyimages-514881786_custom-8e08bb5ee354cb3e52ef8c7e0d2606c399798614-s1600-c85.jpg
Chính trị gia William Jennings Bryan là người mở đầu cho truyền thống phát biểu chấp nhận thua cuộc - Ảnh: Getty Images

Một trong những bài phát biểu đáng nhớ nhất thuộc về Thượng nghị sĩ John McCain năm 2008: “Người dân đã lên tiếng. Tiếng nói của họ rất rõ ràng. Cách đây ít lâu, tôi vinh dự gọi cho Thượng nghị sĩ Barack Obama để chúc mừng ông được bầu làm Tổng thống Mỹ tiếp theo. Tôi cam kết dùng hết khả năng bản thân giúp ông ấy đưa đất nước vượt qua khó khăn mà chúng ta phải đối mặt”.

Tổng thống đương nhiệm thua cuộc trong lần tái tranh cử gần đây nhất là George H. W. Bush có bài phát biểu như sau: “Chúng ta tôn trọng sự uy nghiêm của hệ thống dân chủ. Nước Mỹ phải luôn tiên phong, vì vậy chúng ta cùng ủng hộ tổng thống (Bill Clinton) và chúc điều tốt lành cho ông ấy”.

4 năm trước, ứng viên đảng Dân chủ - Hillary Clinton tỏ ý thất vọng nhưng kêu gọi lực lượng ủng hộ cho ông Trump cơ hội chứng minh năng lực lãnh đạo. Bà cũng khẳng định: “Nền dân chủ Mỹ coi trọng việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”.

Kịch tính nhất là năm 2000, cựu Phó tổng thống Al Gore gọi điện chúc mừng đối thủ George W. Bush một ngày sau bầu cử, nhưng nhanh chóng rút lại vì kiểm phiếu ở Florida cho kết quả sát sao. Bế tắc kéo dài 36 ngày, phải nhờ đến phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ mới xác định ông Bush chiến thắng.

ap_081104057237-1-768x533.jpg
Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu chấp nhận thua cuộc năm 2008

Nhà báo Farris cho biết từng có vài bài phát biểu thể hiện thái độ khá hằn học, như lời chính trị gia Barry Goldwater gửi đến Lyndon Johnson năm 1964 hay George McGovern gửi đến Richard Nixon năm 1972, vì mối quan hệ cá nhân giữa họ không tốt.

Bài liên quan
Trung Quốc mong không phải đối đầu với Mỹ dù ông Trump hay Biden đắc cử
Trung Quốc hy vọng rằng sẽ không phải đối đầu với Mỹ bất kể ông Trump hay Biden trở thành tổng thống tiếp theo, Đại sứ Trung Quốc tại Seoul (Hàn Quốc) cho biết hôm 6.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump có phát biểu nhận thua vì tương lai các con?