Báo The Wall Street Journal (WSJ) khẳng định Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực từ vùng sâu vùng xa, khi một cuộc bỏ phiếu nhất trí bầu ông là đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19 vào mùa thu 2017.

Ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực từ vùng sâu vùng xa

Trần Trí | 01/05/2017, 17:35

Báo The Wall Street Journal (WSJ) khẳng định Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực từ vùng sâu vùng xa, khi một cuộc bỏ phiếu nhất trí bầu ông là đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19 vào mùa thu 2017.

Tân Hoa Xã nêu một phiên họp của đảng ủy tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) hồi hạ tuần tháng 3, đã nhất trí bầu ông Tập là một trong những đại biểu đi dự đại hội Đảng. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin các đảng bộ cấp tỉnh nay bắt đầu chọn tổng cộng 2.300 đại biểu dự đại hội CPC,một tiến trình sẽ hoàn tất trong tháng 6 tới.

Vùng sâu vùng xa là bàn đạp củng cố quyền lực

WSJ nêu ở Trung Quốc, giai cấp lãnh đạo được chọn chứ không từ kết quả bầu cử. Nên sự nhất trí chọn ông Tập là đại biểu dự đại hội CPC là một kết quả đã biết từ trước, rằng ông sẽ có nhiệm kỳ 2 ở hai chức vụ Tổng bí thư CPC và Chủ tịch nước.

Vấn đề ở chỗ các nhà phân tích nói: ông Tập ứng cử đại biểu Quý Châu dự đại hội CPC là điều bất thường, vì ông không lớn lên và chưa hề giữ chức vụ nào ở tỉnh nghèo thuộc vùng sâu vùng xa và là vùng cao này.

Trước đại hội CPC năm 2007, ông Tập được bầu là đại biểu của Thượng Hải, nơi ông từng là bí thư thành ủy. Hiện ông là đại biểu quốc hội thuộc thành phố này.

Người tiền nhiệm của ông Tập, cựu Chủ tịch - Tổng bí thư CPC Hồ Cẩm Đào là đại biểu của tỉnh Giang Tô (nơi ông Hồ Cẩm Đào chào đời).

Là vùng sâu vùng xa và cũng là vùng cao, hàng chục năm qua, Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Nhưng vài năm qua, chính phủ nước này đầu tư hàng tỉ Nhân dân tệ vào Quý Châu, hỗ trợ mạnh để đầu tư công nghệ, nhằm phát triển một ngành dữ liệu lớn tại một tỉnh nổi tiếng hơn nhờ sản xuất phân bón và rượu Mao Đài.

Là Chủ tịch nước, ông Tập đã rất quan tâm sự phát triển của tỉnh Quý Châu. Năm 2015, ông từng thăm tỉnh này để giám sát nỗ lực phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Tân Hoa Xã nói việc ông Tập đại diện Quý Châu là một vinh dự lớn của tỉnh, và tỉnh càng có động cơ phấn đấu xóa nghèo.

Quý Châu còn có uy tín cao trong CPC, và đấy có thể là một yếu tố để ông Tập quyết định ứng cử đại biểu của tỉnh dự đại hội Đảng.

Giáo sư Minxin Pei ở đại học Claremont McKenna (bang California,Mỹ) nói: “Quý Châu là nơi mà số mệnh CPC có bước ngoặt trong cuộc Vạn lý Trường chinh”.

Ý ông nói cuộc hành quân giữa những năm 1930, khi quân cách mạng Trung Quốc đi bộ hàng ngàn dặm để thoát sự truy đuổi của quân Quốc dân đảng, rồi tìm được một hậu cứ để tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng vốn thành công vào năm 1949.

Lịch sử chính thức ghi nhận Quý Châu là một địa điểm lịch sử cách mạng, nơi mà Mao Trạch Đông trở thành lãnh đạo CPC.

Giáo sư Pei nói: “Mao Trạch Đông dẫn dắt đảng từ chiến bại đến chiến thắng sau đó. Ý nghĩa sâu sắc của việc chọn Quý Châu mang ý ông Tập cũng sẽ lãnh đạo CPC đến thành công”.

Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, ông Trần Mẫn Nhĩ

Ông Tập chỉ tin cậy "đệ tử" tuyệt đối trung thành

Quý Châu hiện có một người thân cận của ông Tập giữ chức Bí thư tỉnh ủy: ông Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, người Chiết Giang (đông Trung Quốc) và từng là một cán bộ cấp cao của tỉnh Chiết Giang, khi ông Tập làm bí thư tỉnh này (từ năm 2002 đến 2007).

Reuters nêu ông Trần lập được sự nghiệp chính trị nhờ trung thành với ông Tập, khi hai người làm việc với nhau ở tỉnh Chiết Giang.

Ông Trần được chỉ định làm phó bí thư tỉnh ủy Quý Châu hồi 5 năm trước, đến tháng 7.2015 được đưa lên chức bí thư tỉnh ủy, nên các nhà phân tích và các nguồn tin trong CPC nói với WSJ: ông Trần sẽ là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị.

Đại hội CPC lần thứ 19 diễn ra 5 năm một lần, là thời điểm để ông Tập củng cố quyền lực, bằng cách cơ cấu người thân cận vào hàng ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc, gồm 25 người được chọn vào Bộ Chính trị và 7 người vào Ban thường trực Bộ Chính trị.

Các nguồn tin có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc cho Reuters biết: Bí thư Trần có thể “nhảy thẳng” vào Ban thường trực Bộ Chính trị, điều cho thấy quyền lực của ông Tập rất lớn, có thể chọn người trung thành vào chức vụ cao để tuyệt đối làm theo chỉ đạo của ông, và ông sẽ gạt bỏ người của những bè phái đối thủ.

Hiện ông Trần chỉ là một trong 205 ủy viên trung ương đảng, và việc lọt vào Ban thường trực Bộ Chính trị phải trải qua hai bước nâng chức.

Tân Hoa Xã không nói đến Bí thư Trần, nhưng chắc chắn ông là một trong những đảng viên chọn ông Tập là thành viên đoàn đại biểu dự đại hội CPC.

Giáo sư Wu Qiang từng giảng chính trị ở đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nói: “Ông Tập đứng chung với Trần, người đã tích cực xóa nghèo và gặt hái được những kết quả ở một trong những chương trình làm việc của ông Tập. Ông ấy có thể được xem là người của ông Tập, ủng hộ các chủ trương của ông Tập”.

Kim Hương(theo The Wall Street Journal)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực từ vùng sâu vùng xa