Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Der Spiegel của Đức hồi giữa tháng 7, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã bị đặt nhiều câu hỏi khó, đặc biệt là Mỹ hiện giờ có nên lặp lại chuyện Nixon ve vãn Trung Quốc để chống lại Nga.
2 phần trước cuộc phỏng vấn:
Ông Kissinger phân tích vì sao Tổng thống Putin ra tay với Ukraine
Ông Kissinger phân tích về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Mỹ
DER SPIEGEL: Đã 50 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon và ông bắt đầu chuyến đi lịch sử của mình tới Trung Quốc. Từ quan điểm của ngày nay, việc trì hoãn giải quyết xung đột Đài Loan vào thời điểm đó là một thành tựu hay một sai lầm?
Kissinger: Đó là cách duy nhất có thể để bắt đầu làm việc với Trung Quốc, và đó là điều cấp thiết để chấm dứt Chiến tranh Lạnh và cốt yếu để kết thúc Chiến tranh Đông Dương. Và nó đã tạo ra ít nhất 25 năm diễn biến hòa bình sau Chiến tranh Triều Tiên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ kéo theo những vấn đề mà chúng ta đã thảo luận - đó là bản chất của lịch sử Trung Quốc. Và đối với Đài Loan, tôi nghĩ việc Chủ tịch Mao Trạch Đông đồng ý với điều mà Trung Quốc chưa bao giờ đồng ý trong thời kỳ hậu chiến là một thành tựu khá lớn - đó là trì hoãn dàn xếp.
Không chỉ câu hỏi về Đài Loan vẫn chưa được giải quyết mà còn cả vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran. Ban đầu, ông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Tehran, nhưng cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi hiệp ước.
Thực chất mối quan tâm của tôi về thỏa thuận là nó không hề giải trừ hạt nhân quân sự đối với Iran. Nó chỉ mở lối để đạt được mục tiêu chậm hơn một chút - theo mong đợi của Iran. Do đó, nguy cơ xảy ra chiến tranh phủ đầu ở Trung Đông vẫn tiếp tục và thậm chí còn gia tăng, với lợi ích có chăng là thời gian kéo dài. Vì vậy, bây giờ, để trở lại với cùng một thỏa thuận mà người ta đã từ chối, mà không có bất kỳ cải thiện nào, thì cũng là thất bại trong tâm trí. Nó vẫn sẽ là một vấn đề nhức nhối, bởi vì những gì tôi đã nói về công nghệ cao được áp dụng ở đó: Làm thế nào để bạn tránh được những nguy cơ của việc đánh phủ đầu ngoài tầm kiểm soát?
Ông có sợ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông không?
Không, tôi sợ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một khi Iran khẳng định mình là cường quốc hạt nhân, các quốc gia như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cảm thấy phải đua theo. Và khi đó, các mối quan hệ của họ, cộng với mối quan hệ của tất cả họ với Israel, sẽ khiến khu vực trở nên bấp bênh hơn nhiều so với hiện nay.
Các chính trị gia đã tìm kiếm lời khuyên của ông trong nhiều thập niên, bao gồm các tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức từ Konrad Adenauer đến Angela Merkel. Nhưng ông cũng đã bị chỉ trích vì những hành động được thực hiện ở Chile. Khi nhìn lại hồ sơ chính trị của chính mình, ông đã sai và tính toán sai lầm ở đâu?
Bây giờ tôi sẽ không tham gia vào một cuộc tranh luận về Chile, về vấn đề mà tôi đã viết những phần dài trong hồi ký của mình. Nhưng sự công bằng của báo chí nên bao gồm thực tế là có một bối cảnh khiến sự việc xảy ra...
...Việc lật đổ Tổng thống Chile Salvador Allende xảy ra là kết quả của những diễn biến nội bộ Chile. Chúng tôi không hài lòng với việc ông ấy nhậm chức, nhưng vào thời điểm lật đổ, mọi đảng dân chủ trong quốc hội Chile đã ly khai khỏi Allende và điều đó đã tạo điều kiện khiến ông ấy bị lật đổ. Nhưng theo một nghĩa tổng quát hơn, các chính khách luôn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng lợi ích quốc gia trong những tình huống không rõ ràng. Và thật vui khi các nhà báo chỉ ra những sai lầm đã mắc phải hoặc tập trung vào kết quả của họ. Rõ ràng là không ai có thể khẳng định mình không bao giờ phạm sai lầm trong nhận định, nhưng cứ quay lại những chuyện 50 năm trước mà không trình bày bối cảnh thì không phải là một cách tranh luận công bằng.
Được. Vì chúng ta chỉ nói về Trung Đông, hãy quay trở lại cuộc tấn công Iraq của Mỹ. Đó có phải là một tính toán sai lầm?
Tôi đã ra khỏi chính phủ khoảng 20 năm khi cuộc tấn công xảy ra. Tôi đã thông cảm với nó. Tôi cảm thấy ý định của Tổng thống George W. Bush là muốn cho thấy rằng các chế độ ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố đang tạo ra sự bất an thường trực. Việc loại bỏ Saddam Hussein có nhiều lý do hợp lý và đạo đức. Nhưng cố gắng cai trị Iraq tương tự như sự chiếm đóng của Đức (sau Thế chiến thứ hai) là một sai lầm mang tính phân tích, bởi vì các tình huống không thể so sánh được. Cố gắng chiếm một đất nước đã vượt quá khả năng của chúng tôi.
Trước cuộc chiến ở Ukraine, đã có một cuộc tranh luận về việc liệu Mỹ có nên tìm cách xích lại gần Nga để gây áp lực với đối thủ của họ là Trung Quốc hay không. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu Washington có nên giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga hay không - như Nixon và ông đã làm 50 năm trước. Ông có nghĩ rằng Mỹ đủ mạnh để đối đầu với hai đối thủ lớn nhất của mình cùng một lúc?
Nếu đối đầu với hai đối thủ đồng nghĩa với việc mở rộng cuộc chiến ở Ukraine thành cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời vẫn giữ vị thế cực kỳ thù địch với Trung Quốc, tôi nghĩ đó sẽ là một hướng đi không khôn ngoan. Tôi ủng hộ những nỗ lực của NATO và của Mỹ nhằm đánh bại cuộc tấn công chống lại Ukraine và đặc biệt là để khôi phục Ukraine trở lại kích thước như khi chiến tranh bắt đầu. Và tôi có thể hiểu nếu Ukraine tiếp tục yêu cầu điều chỉnh bổ sung. Điều đó sau đó có thể được tiếp cận trong khuôn khổ của một cái nhìn lớn hơn về quan hệ quốc tế. Nhưng ngay cả khi đạt được điều này, mối quan hệ của Nga với châu Âu cần phải được giải quyết, cụ thể là câu hỏi liệu Nga có phải là một phần của lịch sử châu Âu, hay là một đối thủ lâu dài với các lãnh thổ khác. Đó sẽ trở thành một vấn đề chính. Và điều đó là một thứ độc lập với sự kết thúc của cuộc chiến ở Ukraine - điều mà tôi đã phác thảo đến nay vô số lần, và chưa bao giờ nói rằng bất kỳ lãnh thổ Ukraine nào nên bị bỏ rơi.
Ông Kissinger, cảm ơn ông rất nhiều về cuộc phỏng vấn này.