Trong những ngày đầu tháng 2.2020, lượng nước sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với kỳ triều cường rằm tháng giêng, hoạt động của gió mùa làm cho độ mặn trên các sông miền Tây lên cao và xâm nhập sâu.

Nước mặn đã xâm nhập đến thủ phủ miền Tây

14/02/2020, 11:12

Trong những ngày đầu tháng 2.2020, lượng nước sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với kỳ triều cường rằm tháng giêng, hoạt động của gió mùa làm cho độ mặn trên các sông miền Tây lên cao và xâm nhập sâu.

Ruộng lúa của 1 gia đình ở Bến Tre chịu thiệt hại nặng nề do hạn mặn xâm nhập - Ảnh: Lê Hoàng

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn, tại TP.Cần Thơ, trên sông Hậu, độ mặn 3,5‰ đã lên đến rạch Cái Cui - là điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, thuộc P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ. Độ mặn 3,5‰ đo được vào thời điểm 7 giờ sáng 10.2, đến ngày 11.2 còn 3,2‰. Hiện mặn đã xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu.

Bản tin dự báo ngày 7.2 của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, nguồn nước đổ về ĐBSCL mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ thấp hơn so với các năm gần đây. Hiện các đập thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, nguồn nước về thấp vào ngay nửa đầu tháng 2 này. Do đó, ngành chức năng dự báo mặn sẽ thâm nhập sâu trong tháng 2 này.

Theo cơ quan chuyên môn, với diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử là rất lớn. Các địa phương tranh thủ tích nước, vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi...

Với diễn biến trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ đề nghị các địa phương thực hiện ngay các giải pháp cấp bách, đồng thời hướng dẫn người dân lấy nước sinh hoạt, sản xuất phù hợp. Cảnh báo khu vực sông Hậu đoạn qua Q.Cái Răng độ mặn sẽ duy trì ở mức độ trên dưới 3‰. Do đó người dân không nên lấy nước vào lúc triều lên mà chỉ nên lấy lúc nước ròng, thấp để không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, chính quyền các quận huyện cùng ngành chức năng phải tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó phù hợp thực tiễn, tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, cần vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng cạn đối với những vùng thường xuyên bị thiếu nước, hạn hán. Mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng...

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ cho biết, diện tích lúa đông xuân của địa phương trên 70.000 héc-ta, đang thu hoạch rộ, dự kiến đến ngày 20.2 sẽ đạt 70% và dứt điểm vào đầu tháng 3. Diện tích cây ăn quả hơn 2.100 héc-ta và gần 2.000 héc-ta rau màu.

1 người dân trữ nước ngọt trong những túi nilon để tưới cây - Ảnh: Lê Hoàng

Theo ông, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp, nhưng dự báo, đến ngày 16.2, tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu vẫn duy trì ở mức cao.

TP.Cần Thơ hiện có 6 nhà máy cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Q.Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt và H.Phong Điền, với tổng công suất hơn 160.000 m3 ngày đêm. Ông Huỳnh Thiện Đỉnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết đơn vị đang theo dõi sát tình hình và đã có phương án ứng phó, đảm bảo nguồn nước xử lý phục vụ nhu cầu của của người dân.

Còn ở tỉnh An Giang, cũng ghi nhận tình trạng nước mặn theo sông Cái Bé ở Kiên Giang tràn vào địa phận H.Thoại Sơn và Tri Tôn với mức độ thấp: 0,12-0,13‰. Như vậy, đến thời điểm này, miền Tây có 12/13 tỉnh thành bị lũ mặn tấn công, sớm hơn 1 tháng so với trận thiên tai lịch sử 4 năm trước. Duy chỉ còn Đồng Tháp nằm ngoài sự bủa vây của nước mặn.

Thống kê sơ bộ, hiện hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng khiến 3.600 héc-ta lúa ở H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng toàn bộ. 26.000 hộ dân ở tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng. Địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện khẩn cấp khoan 30 giếng nước ngầm với tổng công suất 30.000 m3/ngày đêm để xử lý, phục vụ nhu cầu của người dân đang bị thiếu hụt.

Tại Trà Vinh có hơn 10.000 héc-ta lúa đông xuân thiếu nước tưới, khả năng mất trắng 50%. Tỉnh Bến Tre cũng đang bị nước mặn “bao vây”; hoạt động sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề… Nhiều địa phương khác trong vùng cũng đang ghi nhận thiệt hại.

Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại ĐBSCL năm 2016 khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 160.000 héc-ta đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng. Nhưng ngành chức năng cùng các chuyên gia dự báo, năm 2020, tình trạng hạn mặn sẽ nghiêm trọng hơn!

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mặn đã xâm nhập đến thủ phủ miền Tây