Với việc phát triển mô hình chăn nuôi chồn thương phẩm, những người nông dân tại xã Hộ Độ (tỉnh Hà Tĩnh) đang từng bước tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời góp phần hạn chế các hoạt động vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.

Nông dân thu nhập cao nhờ ‘liều lĩnh’ nuôi chồn

Bài, ảnh: Quang Cường | 20/11/2022, 12:11

Với việc phát triển mô hình chăn nuôi chồn thương phẩm, những người nông dân tại xã Hộ Độ (tỉnh Hà Tĩnh) đang từng bước tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời góp phần hạn chế các hoạt động vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.

Tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật để nuôi chồn

Gia đình ông Lê Hồng Cường (SN 1970, trú thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vốn làm nghề buôn cá, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống ở nông thôn. Bao năm quanh đi quẩn lại với con cá mà cũng không thể khá lên, ông Cường luôn trăn trở về một hướng đi mới cho kinh tế gia đình. Rồi vô tình ông biết được có mô hình kinh tế đã thành công với vật nuôi là con chồn, vốn là loài động vật hoang dã và đã được cơ quan chức năng cấp phép chăn nuôi thương phẩm.

img_3408.jpg
Những con chồn hương giống tại chuồng nuôi của ông Lê Hồng Cường

Với nhận định thịt chồn là một đặc sản đang rất được nhiều người ưa chuộng, nếu nuôi thành công thì sẽ tạo được nguồn cung cấp ổn định cho thị trường, ông Cường bắt đầu tìm hiểu về giống vật nuôi mới này.

Giữa năm 2021, sau khi tìm hiểu trên mạng về cách làm chuồng và hoàn thành các thủ tục, giấy phép theo quy định, ông Cường lặn lội vào miền Nam mua 4 cặp chồn giống.

Ông Cường cho hay: “Sau khi tự mày mò tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chồn, tôi thấy mọi việc đều đơn giản nên quyết định đi mua chồn giống. Từ 8 con ban đầu, về nuôi thấy chúng phát triển tốt nên tháng tiếp theo tôi mua thêm, tăng đàn lên vài chục con”.

img_3466.jpg
Thức ăn chủ yếu mà ông Cường cho chồn ăn hằng ngày là cá rô phi, đầu gà qua chế biến và chuối chín

Đã quyết định thì phải làm quy mô và bài bản, ông Cường đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây chuồng và mua chồn giống. “Ban đầu hàng xóm thấy tôi đổ tiền vào nuôi chồn, họ nói tôi làm liều, vì ai cũng nghĩ rằng con chồn là động vật rừng nên không thể sinh trưởng ở một địa phương đồng bằng ven biển. Ngay cả vợ con tôi cũng không ủng hộ, nhưng tôi kiên quyết làm vì tôi tin rằng sẽ làm được”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cho biết, khi đưa chồn giống về nuôi, thấy loài vật này thích nghi rất nhanh với điều kiện khí hậu ở đây nên ông rất yên tâm. Con giống ông mua về gồm cả chồn hương và chồn mốc. Thức ăn chính của chồn là các loài cá tạp và quả ngọt. Tại xã Hộ Độ có nguồn cá rô phi và chuối chín rất sẵn, nên thức ăn cho chồn rất dễ mua và giá thành rẻ. Tiền thức ăn bình quân cho mỗi con chồn trong một ngày là khoảng 2.500 đồng.

img_3434.jpg
Từ loài động vật hoang dã, sau khi được nuôi dưỡng, con chồn cũng trở nên thân thiện với người nuôi

“Con chồn chịu nóng và chịu lạnh đều tốt, nuôi nó không có gì khó cả, chỉ cần luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và che ấm vào mùa lạnh là được. Cái quan trọng nhất là khâu lựa chọn thức ăn và cách chế biến, cho ăn, làm sao để chồn không bị đau bụng; thường xuyên kiểm tra phân chồn để phát hiện sớm nếu chồn bị tiêu chảy. Một điều may mắn là từ khi bắt đầu nuôi đến nay, tại chuồng của tôi chưa hề xảy ra bệnh gì đối với con chồn”, ông Cường nói.

Từ 8 con chồn giống ban đầu, hiện nay ông Cường đã nhân đàn chồn lên gần 150 con, trong đó có khoảng 30 con chồn mẹ đã sinh sản.

Không đủ cung cấp cho thị trường

Theo ông Cường, mỗi con chồn cái ông nuôi đẻ 2 lứa mỗi năm, mỗi lứa chồn mẹ đẻ từ 3 – 4 con. Chồn con khoảng 10 tháng thì trưởng thành lại tiếp tục vòng sinh sản.

Mới một năn rưỡi thực hiện mô hình kinh tế “làm liều” này, nhưng chuồng nuôi chồn của ông Cường đã được rất nhiều người trong và ngoài huyện biết đến như một sự đột phá trong việc tìm sinh kế cho hộ gia đình nông thôn. Hiện tại, đã có 5 hộ tại xã Hộ Độ đến mua con giống và nhờ ông Cường hướng dẫn kỹ thuật để mở chuồng trại nuôi chồn. Bước đầu các hộ này cũng đã có vài cặp chồn giống đang phát triển tốt.

img_3390.jpg
Chồn phát triển tốt trong chuồng nuôi ở điều kiện khí hậu đồng bằng ven biển miền Trung

Ông Cường cho hay, hiện chuồng của ông chỉ mới cung cấp giống cho bà con có nhu cầu chăn nuôi chứ chưa có chồn thịt để bán. Chồn con 2 tháng tuổi được ông bán với giá 4 triệu đồng/con; chồn con 3-4 tháng tuổi thì bán với giá 6 triệu đồng/con; một số con đực giống được bán với giá 20 triệu đồng.

Không những người trong xã mà có cả người ở các huyện khác trong tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tìm đến mua chồn giống của ông. Tuy nhiên, hiện tại ông không có đủ để bán, nhiều người phải đặt hàng chờ chồn đẻ lứa sau mới đến mua được.

“Hiện nay giá chồn thịt trên thị trường giao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/kg nhưng tôi không có để bán. Mặt khác, bán chồn giống có giá cao hơn nhiều nên trước mắt tôi tập trung vào việc cung cấp chồn giống cho bà con”, ông Cường cho biết.

Từ 8 con chồn giống ban đầu, hiện nay tổng trị giá chuồng nuôi chồn của ông Cường đã hơn 1 tỉ đồng. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thức ăn thấp, mô hình nuôi chồn này được đánh giá hiệu quả cao trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông hộ.

img_3459.jpg
Một con chồn mốc trưởng thành nặng hơn 5kg

Ông Hoàng Hải Đường, Phó chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết, mô hình nuôi chồn thương phẩm và chồn giống là một mô hình mới tại địa phương. Việc xây dựng và phát triển mô hình này được sự đầu tư rất bài bản của các hộ gia đình. Đặt biệt có mô hình của ông Lê Hồng Cường hiện nay đã phát huy được hiệu quả kinh tế cao.

“Từ hiệu quả của mô hình nuôi chồn này, địa phương rất ủng hộ bà con trong xã có nhu cầu nhân rộng các mô hình tiếp theo để phát triển kinh tế gia đình cũng như kinh tế địa phương”, ông Đường nói.

img_3389.jpg
Hiện ông Cường không có đủ con giống để cũng cấp cho bà con có nhu cầu nuôi chồn

Với việc phát triển mô hình chăn nuôi chồn thương phẩm, những người nông dân tại xã Hộ Độ đang từng bước tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời góp phần hạn chế các hoạt động vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.

Bài liên quan
Tiền Giang: Nông dân trồng sầu riêng hữu cơ trúng mùa, trúng giá
Trong khi nhiều vườn sầu riêng ở ấp Hiệp Ninh, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mất mùa thì vườn cây sầu riêng của ông Trần Văn Nhựt lại có năng suất cao, trúng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân thu nhập cao nhờ ‘liều lĩnh’ nuôi chồn