Việc kiểm soát được dịch COVID-19 cùng các chính sách quyết liệt của Chính phủ được kỳ vọng là những cơ sở để thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang quý 2/2020 với xu hướng tích cực.

Niềm tin dần trở lại trên thị trường chứng khoán

02/04/2020, 22:04

Việc kiểm soát được dịch COVID-19 cùng các chính sách quyết liệt của Chính phủ được kỳ vọng là những cơ sở để thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang quý 2/2020 với xu hướng tích cực.

Thị trường chứng khoán phiên đầu quý 2/2020 tăng điểm mạnh - Ảnh: Internet

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu quý 2/2020 với một phiên tăng điểm mạnh. Cụ thể, trong phiên giao dịch 1.4, Vn-Index đã tăng 17,70 điểm, tương đương 2,67%, HNX-Index tăng 3,21% lên 95,61 điểm; UPCoM-Index tăng 1,86% lên 48,63 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đây là phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước những biện pháp mạnh tay của Chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Biện pháp quyết liệt của Chính phủ là cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được khống chế.

Tại Việt Nam, kể từ ngày 6.3 khi có một bệnh nhân dương tính khiến chiến dịch chống dịch bước vào giai đoạn 2 nhưng sau 25 ngày, tức đến ngày 1.4, số bệnh nhân dương tính với COVID-19 chỉ dừng ở 212 bệnh nhân. Với số liệu này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát sự lây lan của dịch tốt nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự định hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm… với tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 28 – 30.000 tỉ đồng. Đây là một chính sách vừa hỗ trợ được đối tượng bị tổn thương trong xã hội, nhưng cũng là một cách đẩy mạnh chi tiêu có chọn lọc, tạo ra sự ổn định trong xã hội và cũng duy trì cầu trong nền kinh tế.

Không chỉ các giải pháp từ trong nước, thông tin từ Trung Quốc cho thấy các hoạt động của kinh tế Trung Quốc bắt đầu trở lại và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 3 đạt 52 điểm, bất ngờ đánh bại mọi dự báo. Khi Trung Quốc kiểm soát được dịch và hoạt động sản xuất được khôi phục, một mặt giúp hàng nông sản xuất khẩu gia tăng và các nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam cũng được khơi thông. Mặt khác, việc này mở ra hy vọng khi hai nước cùng kiểm soát được dịch, khả năng ngành du lịch sẽ sớm đón được khách Trung Quốc trở lại.

“Với thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 31.3 đã có thông báo về việc tổ chức giao dịch trên thị trường chứng khoán an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống. Thông báo này tiếp tục duy trì quan điểm xuyên suốt của các cơ quan quản lý là thị trường sẽ hoạt động theo tính thị trường và hạn chế sự can thiệp của các biện pháp hành chính. Thông tin minh bạch, duy trì hoạt động, thanh khoản thị trường là cơ sở tạo ra niềm tin của nhà đầu tư.

Nhiều cổ phiếu đã về giá hấp dẫn, hiện P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của thị trường đang ở mức 10,5 lần (chỉ còn tương đương 47% so với mức cao mức trung bình trong tháng 4 năm 2018) và rẻ nhất trong vòng hơn 7 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính tốt, khả năng thích ứng cao với biến động của thị trường nên khi đợt dịch qua đi họ còn phát triển mạnh hơn khi chiếm lĩnh được thì phần từ các đối thủ yếu để lại”, BVSC nhìn nhận.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh còn khó khăn, mặt bằng giá của các cổ phiếu đã thấp hơn 42% so với đầu quý 1/2020. Tuy nhiên, BVSC nói rằng sự thành công của việc kiểm soát dịch, các chính sách quyết liệt của Chính phủ là những cơ sở để kỳ vọng Vn-Index sẽ bước sang quý 2/2020 với xu hướng tích cực.

Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch COVID-19, ưu tiên hàng đầu của cơ quan này là việc phòng chống dịch bệnh trong phạm vi của ngành. Đặc biệt là việc bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân viên trong hệ thống và xây dựng phương án giao dịch an toàn trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Tuy nhiên, để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán có thể vượt qua đại dịch lần này là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành thị trường chứng khoán là tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết” – ông Trần Văn Dũng nói.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm tin dần trở lại trên thị trường chứng khoán