Bối cảnh dịch bệnh hoành hành đã khiến đời sống của người dân trì trệ vì thu nhập giảm sút hoặc không có thu nhập. Các doanh nghiệp cũng mấy khả quan khi kinh doanh thất bát khiến người lao động phải nghỉ làm. Vì vậy, đây chính là lúc người dân mong muốn được giảm giá các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như giá điện, giá gas...

Nhiều ý kiến đề nghị giảm giá điện trong lúc khó khăn bởi dịch

02/04/2020, 18:54

Bối cảnh dịch bệnh hoành hành đã khiến đời sống của người dân trì trệ vì thu nhập giảm sút hoặc không có thu nhập. Các doanh nghiệp cũng mấy khả quan khi kinh doanh thất bát khiến người lao động phải nghỉ làm. Vì vậy, đây chính là lúc người dân mong muốn được giảm giá các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như giá điện, giá gas...

Đề xuất giảm 10% giá điện để giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Cho đến thời điểm này, ở nước ta, dịch bệnh COVID-19 đang ở mức đỉnh điểm, đến nay đã có hơn 220 ca bị nhiễm và hàng chục nghìn người ở trong tình trạng cách ly. Trước bối cảnh diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc, chung tay để giảm thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh.

Ngày 1.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4 trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Nhà nước yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Khó khăn chồng chất khó khăn với hàng triệu người dân Việt Nam, từ người làm công ăn lương đến những tiểu thương, hộ gia đình... khi phải nghỉ việc ở nhà và không có thu nhập hoặc phải làm việc ở nhà nhưng thu nhập giảm tới 60-70%. Kinh tế eo hẹp trong khi gánh nặng chi phí tăng cao khiến nhiều người đang chịu áp lực lớn, không biết phải xoay xở thế nào.

Chị Vân (đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân) buồn bã chia sẻ những ngày nghỉ ở nhà vì dịch bệnh. Chị nói: "Lúc chưa có dịch, hằng ngày tôi bán nước mía, trà đá đầu ngõ cũng có đồng ra đồng vào. Dịch bùng phát gần một tháng nay, tôi phải dọn đóng quán. Ở nhà trì trệ, tù túng vì không có tiền, trong khi các khoản chi phí gia đình thì tăng cao. Hai ngày trước, tôi phải đi vay 1,2 triệu đồng để đóng tiền điện. Nghỉ ở nhà nên mọi người bật quạt, bật điện, bật tivi, bình nóng lạnh... nhiều nên tiền điện tăng 50% so với thời điểm trước dịch. Nấu ăn ở nhà suốt, một ngày 3 bữa chính nên bình gas cũng hết nhanh, chưa đầy 1 tháng lại sắp phải thay bình gas mới".

Đó cũng là tình trạng của hầu hết gia đình hiện nay. Chị Vân cũng như nhiều người dân khác mong muốn chính phủ, các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ người dân giảm giá điện, giá gas lúc khốn khó này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI) quý 1 năm nay tăng 5,56% so với quý 1/2019. Trong đó, ngoài giá thực phẩm và giá thịt heo tăng mạnh, các chỉ số giá điện sinh hoạt và nước sinh hoạt trong quý 1 cũng tăng cao, đẩy CPI toàn quý tăng. Cụ thể, so với quý 1/2019, chỉ số giá điện sinh hoạt quý 1/2020 tăng gần 9,9%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng đến 4,75%.

Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra một số phương án về giảm giá điện cho các khách hàng người dân (điện sinh hoạt) và doanh nghiệp (điện sản xuất). Mức hỗ trợ được đề xuất có thể cao nhất lên tới 10%. Cụ thể:

Nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt từ bậc 1 đến 4 (dưới 300 KWh) được đề xuất hỗ trợ 10% tiền điện. Riêng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất mức giá bằng giá áp cho các hộ sản xuất, tức là mức thấp hơn hiện hành. Ngoài ra, miễn 100% cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung chỉ liên quan dịch; giảm 20% cho cơ sở khám chữa bệnh có khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm bệnh và các khách sạn được sử dụng để cách ly... Thời gian áp dụng là hóa đơn tiền điện các tháng 4, 5, 6.

Việc thực hiện hỗ trợ trong 3 tháng, với số tiền hỗ trợ đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh 6.104 tỉ đồng, tương đương doanh thu EVN giảm tương ứng. Trong khi phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất xem xét miễn, giảm giá điện là khách hàng trong giai đoạn đại dịch COVID-19, trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm SARS-CoV-2, các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.

Giới chuyên gia đồng tình và đánh giá cao động thái của cơ quan quản lý về đề xuất giảm giá điện cho người dân trong bối cảnh bệnh dịch đang diễn ra gay go. Trao đổi với PV tạp chí Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp hiện nay là vô cùng cần thiết, vì gánh nặng chi phí với những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, gas đang khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, chi phí nhiều hộ gia đình tăng gấp 2 lần.

Lấy ví dụ về việc hỗ trợ người dân trong mùa dịch, vị chuyên gia này dẫn chứng Chính phủ Malaysia đã đưa ra quyết định giảm giá điện cho toàn dân trong 6 tháng, kể từ tháng 4.2020.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trao đổi với báo chí cũng đồng tình quan điểm giảm giá điện cho người dân hiện nay là thực sự hợp lý, mức giảm khoảng 10-15% với người dân. Những ngành sản xuất khác thì nên xem xét giảm cao hơn.

Ông Ngãi cho rằng: "Việc giảm giá điện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là không quá khó đối với EVN, vì bối cảnh bệnh dịch đã vô tình giúp EVN giảm bớt áp lực cân đối nguồn điện phục vụ nền kinh tế và người dân, điều khiến Chính phủ cũng như ngành điện rất lo lắng vào thời điểm cuối năm ngoái. Do giảm áp lực phát điện giá cao nên việc trích nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, giá dầu rẻ kỷ lục giúp EVN cũng hưởng lợi nên việc giảm giá điện lại càng hợp lý".

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến đề nghị giảm giá điện trong lúc khó khăn bởi dịch