Chủ sở hữu ô tô điện Tesla có thể cần phải mang xe đi sửa chữa như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

Những vụ triệu hồi ô tô điện gây xôn xao, Tesla báo thêm tin xấu về Model S

Sơn Vân | 26/03/2023, 10:40

Chủ sở hữu ô tô điện Tesla có thể cần phải mang xe đi sửa chữa như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

Khi mua một chiếc ô tô điện mới, chủ sở hữu không mong đợi nhận được thông báo từ nhà sản xuất rằng xe cần sửa chữa ngay sau đó. Tuy nhiên, việc triệu hồi ô tô điện do Ủy ban An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NHTSA) ban hành gần đây đã xảy ra với một số nhà sản xuất.

Vào tháng 9.2022, Ford đã triệu hồi một số mẫu Crossover Mustang Mach E 2022 do trục của xe có thể bị gãy.

General Motors vào tháng 10.2022 đã triệu hồi 735 chiếc Hummer EV 2022 và 85 chiếc xe tải điện BrightDrop EV600 do lỗi liên quan đến đầu nối bộ pin điện áp cao. Cuối tháng 12.2022, General Motors đã triệu hồi 140.000 chiếc Chevrolet Bolt EV do có nguy cơ cháy nổ.

Ngày 1.3, Nissan đã bắt đầu triệu hồi 1.063 chiếc Ariya Electric SUV 2023 sau khi công ty phát hiện ra vấn đề liên quan bu lông giúp cố định vô lăng vào trục tay lái. Ô tô điện này có thể gặp nguy hiểm khi đang di chuyển vì vô lăng bị bung ra hoặc thậm chí rơi khỏi trục lái.

Tesla ban hành một số vụ triệu hồi

Vào tháng 2, Tesla đã phát đi cảnh báo 362.758 ô tô điện Model S, Model X, Model 3 và Model Y gặp lỗi phần mềm Full Self-Driving có thể dẫn đến sự cố. "Tesla sẽ phát hành bản cập nhật phần mềm qua mạng (OTA) miễn phí", NHTSA cho biết khi đó.

NHTSA coi đây là một cuộc triệu hồi, nhưng Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk cho rằng việc sử dụng thuật ngữ "triệu hồi" cho việc cập nhật phần mềm qua mạng là "lỗi thời và hoàn toàn sai", theo một trong những tweet của ông.

Tuy nhiên, các vụ triệu hồi gần đây của Tesla không chỉ là "các bản cập nhật phần mềm qua mạng". Vào tháng 3, NHTSA cũng mở một cuộc điều tra với 100.000 chiếc SUV Model Y 2023 của Tesla về vấn đề vô lăng bị bung ra khi đang lái xe. Model Y là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Tesla.

Thật không may cho Tesla khi các đợt triệu hồi vẫn tiếp tục diễn ra. Vụ triệu hồi mới nhất của công ty có trụ sở tại thành phố Austin (bang Texas, Mỹ) là với 2.649 ô tô điện Model S bán ở Trung Quốc, được Tesla sản xuất tại nhà máy thuộc thành phố Fremont, bang California, trang InsideEvs đưa tin.

Việc triệu hồi Model S được thực hiện với các xe được sản xuất từ ngày 14.10.2015 đến 23.8.2020. Hiện tại, Model S chỉ được sản xuất tại thành phố Fremont.

Lệnh triệu hồi được ban hành do sự cố với cốp trước. Cụ thể là khóa chốt có thể khiến nắp trước bật ra khi đang lái Model S. Vấn đề với cốp xe gây rủi ro về an toàn, vì tầm nhìn về phía trước có thể bị che khuất nếu nắp cốp trước bật mở khi đang lái Model S.

Tesla sẽ tiến hành kiểm tra miễn phí chốt phụ của nắp cốp trước. Nếu nó không hoạt động bình thường thì hãng sẽ sửa chữa chốt phụ miễn phí.

nhung-vu-trieu-hoi-o-to-dien-gay-xon-xao-anh.jpg
Một chiếc Model S của Tesla 

Vào ngày 31.12.2021, Tesla từng triệu hồi 19.697 ô tô điện Model S tại Trung Quốc vì hệ thống treo. Những chiếc Model S bị ảnh hưởng được sản xuất từ ngày 21.1.2015 đến ngày 18.11.2020.

Tesla kêu gọi bất kỳ chủ sở hữu Model S nào được sản xuất trong khung thời gian đó liên hệ với bộ phận dịch vụ của Tesla để được kiểm tra miễn phí. Họ đề nghị chủ sở hữu Model S này lái ô tô điện thận trọng cho đến khi chiếc xe có thể được bảo dưỡng.

Hệ thống treo là bộ phận đặt phía trên cầu trước và cầu sau của xe, kết nối vỏ khung ô tô với các cầu, nhờ đó xe có thể vận hành êm ái và ổn định. Ngoài ra, hệ thống treo còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lực và mô men từ bánh xe lên đến khung hoặc vỏ xe. Điều này giúp bánh xe đảm bảo hoạt động đúng quy trình.

Ngoài vấn đề về an toàn do lỗi kỹ thuật, số vụ tai nạn liên quan ô tô điện Tesla đã gia tăng sau khi Elon Musk thông báo loại bỏ các cảm biến radar gần 2 năm trước, theo trang The Washington Post.

Tờ báo đã trích dẫn các cuộc phỏng vấn với nhiều cựu nhân viên, tài xế lái thử và các chuyên gia của Tesla. Sau bản cập nhật vào năm 2021, nhiều ô tô điện Tesla chạy trên chế độ Autopilot hoặc Full Self-Drive bắt đầu đột ngột dừng lại vì chướng ngại vật trong tưởng tượng, xác định sai biển báo đường phố và gặp khó khăn trong việc xác định xe cấp cứu, The Washington Post đưa tin, trích dẫn các khiếu nại đã được gửi đến cơ quan quản lý.

Một số nguồn tin đã cho biết có một mối tương quan giữa sự tăng các trường hợp ô tô điện Tesla tự phanh đột ngột mà không rõ lý do với việc loại bỏ các cảm biến radar.

Dữ liệu từ NHTSA đang điều tra vấn đề cho thấy, cơ quan này đã nhận được hàng trăm khiếu nại về việc ô tô điện Tesla phanh đột ngột trong vòng 9 tháng qua. Năm 2022, hơn 750 tài xế Tesla báo cáo với NHTSA rằng ô tô điện Tesla của họ phanh đột ngột khi đang lái xe.

Cũng trong năm 2022, NHTSA cũng đã nâng cấp cuộc điều tra về Autopilot sau hơn 12 trường hợp ô tô điện Tesla tông vào xe cấp cứu. NHTSA cho biết tính năng hỗ trợ người lái của Tesla gặp sự cố khi xác định các phương tiện đang đỗ.

Lần đầu Elon Musk tuyên bố Tesla sẽ loại bỏ việc sử dụng các cảm biến radar trên ô tô điện của mình vào năm 2021. Thời điểm đó, một số kỹ sư đã kinh ngạc trước quyết định này và tìm đến một cựu lãnh đạo Tesla để xin lời khuyên về cách thuyết phục Elon Musk không loại bỏ các cảm biến, The Washington Post đưa tin.

Trước đây, Elon Musk nói rằng ông muốn phần mềm Full Self-Driving và Autopilot của Tesla bắt chước các giác quan con người bằng cách sử dụng camera như đôi mắt thay vì radar.

Tất cả những chiếc ô tô điện Tesla hiện tại đều được trang bị tính năng hỗ trợ người lái Autopilot. Với khoản thanh toán một lần là 15.000 USD hoặc phí hàng tháng là 199 USD mỗi tháng, chủ sở hữu cũng có thể chọn thêm tính năng Full Self-Drive, cho phép ô tô điện nhận biết các biển báo dừng và đèn giao thông, chuyển làn đường và đỗ xe. Các tính năng đều yêu cầu tài xế có giấy phép lái xe ngồi sau vô lăng.

Trước năm 2021, Tesla đã sử dụng các cảm biến radar cùng với camera để giúp ô tô điện xác định chướng ngại vật. Giờ đây, công ty dựa vào 8 camera và Autopilot labeler để huấn luyện chiếc xe điện phản ứng với môi trường của nó.

Autopilot labeler là nhân viên Tesla được đào tạo để xem qua và đánh dấu các hình ảnh, video từ các camera trên ô tô điện, qua đó giúp cải thiện và phát triển các chức năng của hệ thống hỗ trợ lái xe. Autopilot labeler sẽ đánh dấu các chi tiết trong hình ảnh, chẳng hạn các đối tượng trên đường, biển báo giao thông và vật thể khác, giúp các hệ thống hỗ trợ lái xe của Tesla nhận diện và phản ứng với chúng tốt hơn.

Các công nghệ cảm biến lái tự động khác như công nghệ LiDAR được một số đối thủ của Tesla ưa chuộng. Các phương tiện sử dụng những cảm biến này để giúp lập bản đồ kỹ thuật số môi trường xung quanh và tránh nhầm lẫn, ngay cả khi camera của xe bị che khuất bởi yếu tố bên ngoài như mưa, tuyết hoặc sương mù.

Trong quá khứ, Elon Musk từng nói rằng LiDAR sẽ "tiêu tùng" và quá tốn kém. Tỷ phú công nghệ hứa hẹn từ năm 2016 rằng Tesla sẽ sớm tung ra thị trường chiếc ô tô tự lái thực sự, nhưng các chuyên gia lại tỏ ra kém lạc quan hơn về điều này.

Đầu năm 2023, các chuyên gia đã nói với trang Insider rằng Full Self-Drive còn lâu mới đạt khả năng tự lái mà mà không cần sự can thiệp của con người. 

Trong báo cáo an toàn phương tiện tự nguyện, Tesla cho biết ô tô điện của họ "đã đạt được một trong những xác suất tai nạn tổng thể thấp nhất so với bất kỳ phương tiện nào từng được thử nghiệm bởi Chương trình Đánh giá Ô tô mới của chính phủ Mỹ".

Vào tháng 1, Tesla cho biết ô tô điện của họ ghi nhận một vụ tai nạn cho mỗi 6,26 triệu dặm (1 dặm = 1,609344 km) được lái bằng Autopilot trong quý 3/2022.

Bài liên quan
‘Căng thẳng Mỹ - Trung không gây nhiều rủi ro cho tham vọng của Tesla ở Trung Quốc’
"Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc không gây ra nhiều rủi ro với tham vọng dài hạn của Tesla nhằm mở rộng hơn nữa thị phần hàng tại quốc gia châu Á", theo Tom Zhu, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm và sản xuất toàn cầu của Tesla, từng giám sát hoạt động của nhà sản xuất ô tô điện Mỹ tại thành phố Thượng Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vụ triệu hồi ô tô điện gây xôn xao, Tesla báo thêm tin xấu về Model S